“Tiếng suối trong như tiếng hát xa”
Tháng 7 (âm lịch), núi Cấm hứng những cơn mưa lớn kéo dài, cũng là lúc mạch nước từ trong các khe đá bắt đầu chảy róc rách thành dòng suối mát lạnh. Cuối tuần, chúng tôi lội bộ theo đường bậc thang lên núi, chừng vài trăm mét đã nghe tiếng suối chảy rì rào, y như bản nhạc giao hưởng của núi rừng.
Khi đặt chân tới dòng suối Thanh Long, chúng tôi vỡ òa trước dòng nước trắng xóa đổ từ trên vách đá xuống, trông như “áng tóc trữ tình” của người phụ nữ. Nếu du khách muốn dừng chân tắm suối, thì chỉ có suối Thanh Long chảy mạnh và tích nước nhiều.
Mùa mưa, dòng suối Thanh Long đầy nước để du khách có thể tắm mát
Cư dân sống lâu năm tại đây cho biết, mùa khô suối Thanh Long trơ đáy. Còn mùa này, được trời ban cho những cơn mưa già, nước tràn qua khe đá, tạo thành dòng suối lớn đầy nước, trông rất đẹp mắt.
Bà Nguyễn Thị Nhanh (bán nước giải khát gần suối Thanh Long) kể: “Thấy có mưa lớn, nhiều đoàn khách vùng ĐBSCL, tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh lên cúng chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn, rồi thuê xe chở qua tắm suối. Sau đó, họ đi lên vồ Chư Thần, Bồ Hong, điện Năm Ông vãn cảnh…”. Hè này, sinh viên, học sinh được nghỉ “xả hơi”, rảnh rỗi lên núi tắm suối. Ngoài ra, “phượt thủ” từ khắp nơi về núi Cấm tắm suối, ăn uống ngay tại chỗ và chụp ảnh đẹp khoe với bạn bè.
Mặc dù khách đông như vậy, nhưng hàng quán ở đây bán buôn ế ẩm, do mọi người tự mang đồ sử dụng. Thậm chí, họ còn đem thức ăn và bia thưởng thức tại dòng suối này. Bà Nguyễn Thị Giàu (một chủ quán) kể: “Trước đây, mỗi ngày quán của tôi bán khoảng 60 ly nước, khăn lạnh, nước suối, bánh xèo… cho du khách. Có đoàn chơi “sộp”, họ mua bia uống tại đây. Còn bây giờ, họ tự mang nước, thức ăn lên núi để dùng…”.
Nước suối mát lạnh
Mùa này, chinh phục suối Thanh Long, du khách có thể đi theo 2 đường. Nếu lội bộ thì men theo đường bậc thang, mất khoảng 1 giờ. Còn thuận tiện hơn, du khách đi cáp treo lên đỉnh núi, rồi thuê xe chở sang suối Thanh Long, mất khoảng 15 phút. “Bây giờ du khách đi tắm suối dễ hơn hồi đó rất nhiều! Đường bộ được láng nhựa phẳng phiu. Còn đi cáp treo thì nhanh hơn so với đi xe. Du khách đi hướng nào cũng tiện” - bà Giàu cho biết.
Mấy ngày nay mưa bão nhiều, những dòng suối trên núi chảy rất mạnh, nước văng trắng xóa, mát lạnh. Khi đặt chân đến đây, người nào cũng dùng tay vốc ngụm nước rửa mặt, tận hưởng cảm giác mát lạnh của tự nhiên. Có những du khách lội bộ từ dưới chân núi lên, mồ hôi nhễ nhại, khi tới dòng suối, họ nhảy sầm xuống tắm ngay.
Ngồi nghỉ chân cạnh dòng suối Thanh Long, chúng tôi vô tình gặp được nhóm thanh niên quê ở huyện Thoại Sơn, tưng bừng nhảy xuống tắm suối. Trong không gian đầy nước, họ nô đùa làm chúng tôi nhớ về ký ức tuổi thơ. Cái mát lạnh của dòng suối đá dường như xua tan hết mệt nhọc trong hành trình leo núi trước đó.
Còn ông Trần Văn Bảy (quê ở huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ) cầm chiếc điện thoại thông minh quay lại khoảnh khắc các con lặn ngụp dưới dòng suối. Ông Bảy tâm sự: “Quê tôi hai mùa mưa nắng, bám ruộng, bám đất sản xuất nông nghiệp. Năm nay lúa trúng mùa, trúng giá, gia đình tôi có tiền rủng rỉnh, tổ chức chuyến du lịch tại núi Cấm. Lần đầu tiên đến suối Thanh Long, tôi thực sự rất thích. Các con thấy suối, mừng quá nhảy xuống tắm. Nước suối trong xanh, mát lạnh, không nơi nào ở miền Tây có được địa điểm du lịch độc đáo này”.
Trên núi Cấm có những con suối nổi tiếng, như: Thanh Long, Ô Tứk Sa, Thủy Liêm... Suối Thanh Long thì bắt nguồn từ các khe suối và hồ Thanh Long, sức chứa khoảng 255.000m3, độ cao hơn 400m so với mực nước biển. Suối Thủy Liêm thì bắt nguồn từ hồ Thủy Liêm nằm trên đỉnh núi, với sức chứa gần 300.000m3.
Riêng, suối Ô Tứk Sa thì ít người biết đến, bởi nó nằm về hướng Tây, không thuận tiện để khách du lịch tắm. Đây là địa điểm khá hấp dẫn đối với “phượt thủ”, thích khám phá điểm mới lạ. Anh Mỹ (người dân núi Cấm) cho biết, hiện nay suối Ô Tứk Sa có dòng thác rất đẹp, thu hút nhiều khách du lịch đến chiêm ngưỡng. Ngoài ra, cạnh suối còn có hàng quán mọc lên, tạo thu nhập ổn định.
Ngày nay, khi cuộc sống ở thị thành quá đủ đầy, người dân có xu hướng tìm về chốn yên bình, thư thả. Đến núi Cấm, du khách sẽ được tận hưởng cảm giác mát lành, dễ chịu của thiên nhiên ban tặng, không nơi nào ở miền Tây sánh bằng.
HOÀNG MỸ