Lên non tắm suối

17/07/2024 - 06:43

 - Sang tháng 6 (âm lịch), những dòng suối trên non bắt đầu róc rách như bản nhạc giao hưởng giữa núi rừng. Đây là thời điểm du khách rục rịch chuẩn bị hành trình về Thất Sơn, hòa mình vào dòng nước mát lành.

Suối Thanh Long thời điểm này vẫn chưa đầy nước

“Cái hẹn” của đất trời

Bảy Núi những ngày này khoác lên mình chiếc áo nhiều màu sắc của cỏ cây. Khi đó, mấy nhánh suối trên Thiên Cấm Sơn (xã An Hảo, TX. Tịnh Biên) cũng trở mình, bởi dòng nước từ những mạch đá rỉ ra hòa vào đường ô, kết thành nhánh suối, chảy cuồn cuộn như áng tóc trữ tình thơ mộng.

“Mùa mưa tới, suối cũng bắt đầu xuất hiện! Tuy nhiên, thời điểm này nước chưa nhiều, chỉ đủ tạo nên những dòng róc rách. Với dân trên núi, mùa suối đầy, suối cạn gắn chặt với cuộc mưu sinh.

Thời điểm suối cạn trùng với tháng nắng, dân trên núi sống nhờ vào khách hành hương nên nguồn thu đỡ lắm! Mùa suối chảy, người đi cúng viếng ít lại nhưng người đi tắm suối tăng lên, người dân chạy “xe ôm” như tui vẫn đủ sống. Còn bà con bán thức ăn, nước uống thì kiếm thêm đồng vô kha khá” - anh Nguyễn Thanh Phong (TX. Tịnh Biên) chia sẻ.

Theo anh Phong, trên núi Cấm, suối Thanh Long được du khách gần xa biết đến nhiều nhất. Con suối có tên “rồng xanh” này là điểm đến “truyền thống” của du khách. Ngoài ra, suối cũng dễ tiếp cận vì nằm cạnh tuyến đường bộ lên núi. Có những đoạn, suối Thanh Long chảy qua độ dốc lớn tạo nên tiếng rì rào rất vui tai. Với những bạn trẻ, được tắm suối bao giờ cũng mang đến những cảm giác thích thú, hấp dẫn.

Ngoài suối Thanh Long, núi Cấm còn rất nhiều đoạn suối lớn, nhỏ khác nhau, như: Suối Tiên, suối Ô-tưk-xa. Riêng suối Ô-tưk-xa có đoạn thác trên thượng nguồn rất đẹp, nhưng đường đi hiểm trở, rất ít người tiếp cận được. Những bạn trẻ cố chinh phục đến đây, để lưu lại cho mình những tấm ảnh tuyệt vời theo phong cách cổ trang.

“Khách đi tắm suối đa phần là thanh niên ở nơi xa tới đây, để tìm kiếm sự tĩnh lặng của núi rừng. Có khi, họ đi cả gia đình để tổ chức những bữa tiệc ngoài trời. Khách cho hay, tắm suối là sở thích khó bỏ, mỗi năm phải đến núi Cấm một lần như “lời hứa” với thiên nhiên. Là người sống trên núi Cấm nhiều năm, tôi vẫn thích nghe tiếng suối chảy trong mùa mưa, bởi đó là một phần của nơi này. Với lại, có khách đến tắm suối, mình cũng có thêm thu nhập trong những tháng mưa” - anh Phong thật tình.

Ngoài ra, khi có dòng suối chảy, một số loại đặc sản như: Cua núi, cá chành vục (hao hao cá lóc nhỏ) cũng bước vào mùa rộ nên dân trên núi có thêm nguồn thu cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, do thời tiết những năm gần đây thay đổi, nắng hạn kéo dài nên mùa suối chảy cũng muộn hơn, ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách và đời sống sơn dân.

Ở chỗ nước sâu, khách vẫn thoải mái trải nghiệm

Khi thiên nhiên… "trễ hẹn"

Men theo con đường lằn ngoằn, len lỏi dưới sự thanh vắng của núi rừng, tôi đi tìm dòng suối Ô-tưk-xa được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, người dân sống cạnh con đường lên suối mùa này vẫn còn khá nhàn. Đường đi vắng vẻ, khung cảnh u buồn tịch tĩnh. Những mái nhà tạm dùng làm nơi giữ xe cho khách không một bóng người. Hỏi ra mới biết, do suối Ô-tưk-xa chưa có nhiều nước nên ít người lui tới.

Ông Nguyễn Văn Hải (người dân sống gần suối Ô-tưk-xa) khề khà: “Chú lên suối lúc này sớm lắm, nước chưa được bao nhiêu. Muốn tắm cho đã, thì đợi chừng nửa tháng nữa quay lại. Hổm nay, có mấy cô cậu lên đây, nhưng cũng không trải nghiệm được nhiều. Mưa già, suối ầm ào nghe đã tai lắm. Lúc đó, người ta tới tắm suối đông vui, họ ăn uống, đi xe lên suối nên đời sống mình được cải thiện. Giờ thì tui còn rảnh rỗi, tức là chú chưa có suối để tắm đâu”.

Ông Hải khuyên tôi nên lên suối Thanh Long, bởi ở đó vốn nhiều nước, lại có các hồ xả nước thêm nên thoải mái tắm. Tuy nhiên, phản hồi của người dân trên núi là suối Thanh Long cũng còn cạn. Ở những đoạn suối đọng lại thành hồ, người ta cũng đến tắm mát dịp cuối tuần.

Anh Lê Gia Giang (Ban Quản lý Khu du lịch núi Cấm) thông tin: “Hiện nay, chỉ những ai thực sự muốn thì mới lên núi tắm suối, bởi nguồn nước còn hạn chế. Mấy ngày qua, nước suối cũng nhiều hơn nhưng vẫn chưa ầm ào, hùng vĩ như mong muốn. Tuy nhiên, nhiều gia đình cũng sắp xếp lên núi hành hương, rồi tắm suối để tìm kiếm cảm giác mát lành của thiên nhiên. Tôi thấy họ vẫn vui vẻ vì được hòa mình với dòng nước suối, cảm nhận sự tĩnh lặng của núi rừng để tận hưởng cảm giác thư thái, dễ chịu”.

Đa phần du khách nhận định, suối Thanh Long không hề thua kém suối Tranh ở đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), nên họ chẳng cần phải lặn lội đi xa. Tại suối Thanh Long, có những đoạn suối cao, hùng vĩ, nhiều tiểu cảnh nên khách có thể thoải mái trải nghiệm, chụp những tấm ảnh đẹp với nơi này như một cách “check-in” vẻ đẹp của vùng Thất Sơn huyền bí.

“Du khách đến tắm suối trên núi Cấm không chỉ tận hưởng thiên nhiên, mà còn góp phần quảng bá, giới thiệu hoạt động du lịch địa phương. Tuy nhiên, chúng tôi rất mong du khách nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường trong quá trình tắm suối, để những dòng nước trên núi Cấm luôn trong lành, phục vụ tốt nhu cầu vui chơi, trải nghiệm của mọi người” - anh Lê Gia Giang kêu gọi.

Dù mùa suối chảy năm nay đến muộn, nhưng vẫn là một phần trong nét chấm phá nên thơ, tạo nên bức tranh toàn diện, đầy màu sắc của vùng Bảy Núi hữu tình. Bởi thế, du khách hãy đến núi Cấm trong thời điểm mưa già để cảm nhận sự mát lành của dòng suối trong veo, thưởng thức cái tĩnh lặng, hoang sơ của chốn núi rừng.

THANH TIẾN