Liên kết bảo vệ lẫn nhau

21/07/2023 - 03:43

 - Đó là yêu cầu bức thiết trong giai đoạn sản xuất nông nghiệp còn nhiều trăn trở, bấp bênh. Câu chuyện liên kết không hề mới, nhưng vẫn còn đó tính thời sự, chưa cũ bao giờ. Mỗi lần gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo Đảng, chính quyền, đại biểu dân cử, nông dân tiếp tục nhắc lại băn khoăn này.

Tăng cường liên kết

Theo UBND tỉnh An Giang, 6 tháng đầu năm 2023, tình hình tiêu thụ lúa gạo có nhiều thuận lợi, khi giá lúa, nếp đều ở mức cao, năng suất cũng cao hơn cùng kỳ. Nông dân được mùa, trúng giá. Song, tỷ lệ sản xuất theo liên kết và sản xuất nông sản đạt tiêu chuẩn vẫn còn khá thấp so tổng diện tích sản xuất.

Đến nay, chỉ 28% diện tích trồng lúa được thực hiện theo hợp đồng liên kết. Cụ thể, diện tích liên kết tiêu thụ lúa, nếp vụ đông xuân 2022 - 2023 chỉ hơn 41.000 trong tổng số gần 150.000ha. Trong đó, thu mua được hơn 20.000ha công ty ký hợp đồng.

Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Đinh Thị Việt Huỳnh, gặp gỡ đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp gần đây, cử tri huyện Châu Thành, Chợ Mới liên tục kiến nghị ngành chức năng xây dựng quy hoạch, kế hoạch định hướng cho người dân trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Chẳng hạn, đối với từng khu vực thì phải trồng loại cây gì, chăn nuôi loại vật nuôi nào, diện tích bao nhiêu… để hài hòa cung cầu, nâng cao giá thành sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.

“Cử tri còn nêu thực trạng: Hiện nay, việc thu mua lúa của các doanh nghiệp (DN) chưa rõ ràng: Đầu mùa vụ hợp đồng giá lúa cao, đến khi vào thu hoạch giá lúa thấp hơn do thương lái ép giá, nếu nông dân không bán giá thấp hơn thì thương lái không thu mua. Nông dân kiến nghị ngành chức năng có biện pháp hoặc ý kiến đến DN, cần thực hiện thu mua lúa với giá đã thỏa thuận ban đầu trong hợp đồng, nhằm hỗ trợ hoạt động của nông dân” - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Đinh Thị Việt Huỳnh thông tin.

Nông dân Huỳnh Ngọc Đức (ngụ thị trấn Mỹ Luông, huyện Chợ Mới) bức xúc: “Tôi chỉ mong, các ngành chuyên môn đưa ra giải pháp đầy đủ về chuỗi liên kết giữa nhà nông và DN, để nông dân thoát cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa” cứ tái diễn suốt thời gian qua”.

Tiếp xúc cử tri An Giang, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn (đại biểu Quốc hội tỉnh) cho rằng, có nhiều nguyên nhân gây nên đứt gãy liên tục chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp, đến từ nhà nước, DN và nông dân. Về phía nhà nước, chưa có cơ chế ràng buộc trách nhiệm giữa DN, hợp tác xã với người dân trong hợp đồng liên kết. Chính sách, chế tài thưởng, phạt, quy định của pháp luật… chưa rõ.

“Tại anh tại ả, tại cả đôi bên”. DN “xù” người dân khi giá thị trường xuống thấp, người dân không có chỗ tiêu thụ sản phẩm. Người dân lại “xù” DN (tình trạng này xuất hiện nhiều hơn) khi phát sinh lợi nhuận lớn hơn hợp đồng đã ký kết. Điều này khiến DN không đủ nguyên liệu sản xuất, dẫn đến nguy cơ thua lỗ, phá sản.

Đồng hành bền vững

Liên kết trong sản xuất nông nghiệp là vấn đề đáng quan tâm, đáng lo nhất, đưa ra bàn nhiều nhất, lâu nhất. Vai trò của mối liên kết “4 nhà” được đặt ra từ năm 2002 (Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng). Hơn 20 năm qua, mối liên kết “4 nhà” vẫn chưa thắt chặt như mong muốn, thậm chí lỏng lẻo, không gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau…

Tính pháp lý trong hợp đồng bao tiêu nông sản thấp, chưa ràng buộc rõ ràng giữa người bán và người mua. Trong khi đó, vai trò liên đới giữa “4 nhà” lại thiếu chặt chẽ và chưa mang tính đồng bộ. Bên cạnh đó, tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; thiếu vốn; tập quán canh tác lạc hậu; thiếu kinh nghiệm sản xuất, đặc biệt là năng lực quản lý kinh tế hộ, kinh tế tập thể của nông dân, tổ, nhóm, hợp tác xã cũng ảnh hưởng rất lớn đến mô hình liên kết.

“Chúng tôi băn khoăn, trăn trở rất nhiều năm về vấn đề liên kết này, cũng đã từng đề xuất Chính phủ nhiều nội dung tháo gỡ. Các chương trình, mô hình, dự án mỗi khi được triển khai đến địa phương, đến người dân, hội nông dân các cấp đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên kết, để không bị chèn ép, tổn thất về lợi nhuận. Nhưng bên cạnh đó, phải có niềm tin, gắn bó giữa nông dân và DN, các bên cùng bảo vệ nhau, cùng làm ăn thì mới lâu dài, bền vững” - đại biểu Quốc hội Lương Quốc Đoàn nhắn nhủ.

Làm việc tại An Giang vào giữa tháng 6/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tỉnh cần tiếp tục triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững; chiến lược trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp. Chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển thị trường nông sản trong và ngoài nước.

Để làm được những điều Thủ tướng Chính phủ kỳ vọng, địa phương cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong phát triển thế mạnh của tỉnh về cây lúa, con cá. Nhưng trước hết, trên hết, vẫn là tháo gỡ điểm nghẽn về liên kết tồn tại hàng chục năm qua.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của tỉnh là gắn bó chặt chẽ hoạt động sản xuất nông nghiệp với nhu cầu thị trường trong, ngoài nước; tiếp tục khuyến khích nông dân mở rộng diện tích gieo trồng lúa chất lượng cao, chuyển dịch đất lúa kém hiệu quả; xác lập vùng sản xuất nông nghiệp gắn với quy hoạch tỉnh. Đồng thời, kết nối, hỗ trợ nông dân tham gia hợp đồng liên kết với DN tiêu thụ nông sản; phấn đấu tăng diện tích vùng trồng theo hợp đồng liên kết.

GIA KHÁNH