Liên kết “đánh thức” kinh tế vùng ĐBSCL

20/09/2023 - 06:00

 - Những lợi thế của vùng ĐBSCL có thể sẽ vẫn “ngủ quên” nếu doanh nghiệp (DN) mỗi tỉnh tiếp tục hoạt động rời rạc, khép kín, “giấu bài” lẫn nhau. Bên cạnh thành lập Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL để thống nhất chung về mặt quản lý nhà nước, cần tạo pháp nhân và vị thế của Hội đồng các Hiệp hội DN ĐBSCL nhằm tăng cường kết nối giao thương, hợp tác “đánh thức” kinh tế vùng đất “Chín Rồng”.

Ngày hội kết nối

Sau kỳ họp ở tỉnh Bạc Liêu, Hiệp hội DN tỉnh An Giang được giao chủ trì tổ chức Phiên họp Hội đồng các Hiệp hội DN ĐBSCL lần thứ 3/2023. Trong lần đăng cai này, Hiệp hội DN tỉnh An Giang lồng ghép tổ chức Diễn đàn DN - Kết nối giao thương DN 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.

Bên cạnh đại diện các DN tiêu biểu vùng ĐBSCL tham gia, sự kiện thu hút sự có mặt của những doanh nhân lớn, chuyên gia kinh tế, như: Chủ tịch Hội đồng các Hiệp hội DN ĐBSCL Võ Quốc Thắng; Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại ĐBSCL Nguyễn Phương Lam; chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan…

Hiệp hội DN tỉnh An Giang tặng đặc sản của DN An Giang cho các chuyên gia, đại biểu

Có lẽ đã lâu lắm, DN vùng đất miền Tây mới có dịp hội tụ, kết nối giao thương, chia sẻ chân tình về bức tranh kinh tế ĐBSCL, nơi mà tiềm năng, lợi thế rất lớn, nhưng tồn tại, thách thức cũng không nhỏ.

Những chia sẻ của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan - người con vốn sinh ra ở làng Bình Đức (thuộc TP. Long Xuyên ngày nay) năm 1943 - càng giúp DN khu vực ĐBSCL có góc nhìn vĩ mô, càng thấy yêu cầu liên kết, hợp tác là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Bản thân hiệp hội DN từng tỉnh, thành phố thấy cần phải nâng tầm vóc, vai trò của Hội đồng các Hiệp hội DN ĐBSCL để tạo thành diễn đàn lớn, góp tiếng nói chung của DN miền Tây.

Ý tưởng kết hợp vai trò của VCCI tại ĐBSCL và Hội đồng các Hiệp hội DN ĐBSCL được cộng đồng DN trong vùng ủng hộ. Trong đó, đại diện từng hiệp hội DN vừa là thành viên Hội đồng các Hiệp hội DN ĐBSCL, vừa vận động các nguồn lực đóng góp để tạo nguồn quỹ hoạt động chung, đồng thời tham gia góp ý, hiến kế và cùng hành động vì sự phát triển của cộng đồng DN. Đối với Hội đồng các Hiệp hội DN ĐBSCL, sẽ xúc tiến để có pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng.

Doanh nghiệp ĐBSCL kết nối giao thương

Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá của VCCI về bức tranh kinh tế ĐBSCL, Hội đồng các Hiệp hội DN ĐBSCL sẽ phối hợp phân tích lợi thế phát triển, khó khăn, vướng mắc để kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố trong vùng cũng như Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL tháo gỡ, tạo thống nhất chung. Hội đồng các Hiệp hội DN ĐBSCL cũng là đơn vị đại diện phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế, kết nối giao thương, tạo thêm cơ hội kinh doanh và mở rộng thị trường cho DN vùng ĐBSCL.

Cơ hội đổi mới

Tại Diễn đàn DN - Kết nối giao thương DN 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ định hướng và giải pháp giúp DN trong vùng ngày càng phát triển. Theo bà, Hội đồng điều phối vùng, các tỉnh trong vùng ĐBSCL cần quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông và chất lượng các công trình giao thông kết nối, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo cơ chế thúc đẩy hợp tác công - tư (PPP) nhằm khai thác thế mạnh, “đánh thức” kinh tế ĐBSCL.

“Đại dịch COVID-19 dù gây nhiều tổn thất nhưng là cơ hội để thế giới thức tỉnh, chuyển hướng tăng trưởng bền vững và bao trùm, không bỏ ai lại phía sau. Định hướng phát triển thuận thiên, tăng trưởng xanh theo hướng bền vững của ĐBSCL là phù hợp xu thế mới này. Lãnh đạo và DN các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL cần đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau để vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển” - chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lưu ý.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước nhấn mạnh, ĐBSCL là một trong 7 vùng kinh tế trọng điểm quốc gia, với hơn 12% diện tích và 19% dân số cả nước, đóng góp trên 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% sản lượng trái cây của cả nước. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - anh ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 287/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tăng cường kết nối vùng ĐBSCL

Qua đó, khẳng định mạnh mẽ chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển vùng ĐBSCL hiện đại, sinh thái, văn minh, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước, là trung tâm kinh tế nông nghiệp xanh, sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng và giá trị gia tăng của quốc gia, khu vực và thế giới.

“Thông qua Phiên họp Hội đồng các Hiệp hội DN ĐBSCL và diễn đàn kinh tế của vùng, sẽ là cơ sở để xây dựng chương trình hành động thiết thực, hiệu quả hơn, hướng đến phát huy vai trò thiết thực của Hiệp hội DN các tỉnh ĐBSCL, tạo bước chuyển  mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng trong thời gian tới” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước khẳng định.

Ông Lê Văn Phước cho biết, đối với tỉnh An Giang, là địa phương có vị trí địa lý thuận lợi, cửa ngõ giao thương quan trọng của trục Đông - Tây giữa ĐBSCL và các nước Đông Nam Á, có cửa khẩu quốc tế giáp Campuchia với nhiều tiềm năng để phát triển thành một trung tâm thương mại, dịch vụ và thu hút đầu tư. Chậm nhất trong quý IV/2023, Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây sẽ là cơ sở để tỉnh tập trung thực hiện quy hoạch, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, chưa bao giờ An Giang cũng như vùng ĐBSCL được Trung ương đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông như giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 sẽ hoàn thành vào năm 2026 – 2027. Đây là nền tảng, điều kiện, động lực to lớn để tạo lợi thế cho An Giang trong thu hút đầu tư, tạo bứt phá phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.

 

NGÔ CHUẨN