Nhiều cơ sở chế biến khô đã tạm ngưng hoặc giảm công suất chế biến do thiếu nguyên liệu
Từ nguyên liệu chế biến
Theo các chuyên gia, để kinh tế hộ phát triển thì những hộ dân cùng làm chung một ngành nghề cần tăng cường liên kết để tạo ra sức mạnh cho sản phẩm. “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi nhiều người. Câu nói này mang ý nghĩa rất hay, chúng tôi càng thấm thía hơn khi tình trạng cả làng khô phải rơi vào khó khăn như hiện nay…” - ông Trần Văn Tiến (xã Khánh An, huyện An Phú) chia sẻ.
Cuối năm 2022, nghề nuôi và chế biến khô cá tại ĐBSCL bắt đầu xuất hiện những khó khăn, ngành hàng này chịu tác động rất lớn từ dịch bệnh COVID-19. Có thể nói, giai đoạn 2020 - 2021, ngư dân nuôi cá bị thua lỗ nặng. Cá tới lứa nhưng không bán được, người nuôi không còn vốn để tái sản xuất. Sang năm 2023, chiến sự thế giới xảy ra tại Ukraine, Châu Âu khủng hoảng năng lượng, trong khi Mỹ và các quốc gia bắt đầu suy thoái kinh tế, giá thức ăn thủy sản tăng mạnh. Người nuôi cá lóc, cá sặc không còn vốn để tái sản xuất, còn phải chịu cảnh giá thức ăn tăng liên tục, nhiều hộ phải bỏ hầm, chuyển sang làm các công việc khác. “Năm nay, giá cá nguyên liệu tăng gần 40%, giá bán thành phẩm không tăng, nhiều cơ sở chế biến khô phải ngừng hoạt động, vì càng làm càng lỗ” - bà Nguyễn Thị Lành (Cơ sở sản xuất khô cá lóc, xã Tân An, TX. Tân Châu) chia sẻ.
Thiếu nguyên liệu chế biến là tình trạng chung của các cơ sở chế biến khô cá trong 6 tháng đầu năm 2023. Đầu ra sản phẩm bị hạn chế, nhưng đầu vào gặp khó khăn, cơ sở chế biến khô cá đang “nằm im” chờ giá nguyên liệu xuống mới tổ chức sản xuất trở lại. “Những năm trước, giá cá lóc không vượt quá 42.000 đồng/kg, nhưng năm nay tăng đến 55.000 đồng/kg mà không có cá để mua, chúng tôi không dự báo được tình hình nên trở tay không kịp” - bà Quách Thị Dung (Chủ cơ sở sản xuất khô cá lóc, xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) chia sẻ.
Do thiếu liên kết trong sản xuất, nên các cơ sở chế biến khô cá không dự báo được những khó khăn về nguồn nguyên liệu. Nhiều cơ sở đã ký xong hợp đồng cung cấp sản phẩm cho đối tác, nhưng buộc phải dừng hoặc bồi thường, vì không mua được cá nguyên liệu hoặc phải mua với giá cao để làm ra sản phẩm, dẫn đến thua lỗ.
Đến thị trường tiêu thụ
Thị trường biến động mạnh, ngoài nguyên liệu tăng giá, các mặt hàng khác phục vụ cho chế biến như muối, bột ngọt cũng tăng. Tất cả chi phí đầu vào tăng, trong khi giá bán sản phẩm không tăng nên hiệu quả sản xuất không có. “Có thể khẳng định, cách làm ăn riêng lẻ, cá thể không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Nghề chế biến khô cá cũng giống như nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu, cần hợp tác để phân công lao động trong chuỗi ngành hàng được chuyên nghiệp, quy cũ và bài bản hơn. Nghĩa là doanh nghiệp sẽ chú trọng trong chế biến và thị trường, còn nông dân nuôi đàn cá sao cho đạt chất lượng, kích cỡ, đảm bảo nguồn nguyên liệu an toàn” - ông Trần Văn Tiến chia sẻ.
Hơn 10 năm trở lại đây, sản phẩm khô cá ở ĐBSCL không chỉ được tiêu thụ tại địa phương mà còn bán khắp nơi trong và ngoài nước. Khô cá giờ đây được bán để phục vụ cộng đồng người Việt trên toàn cầu, nhiều nhất là kiều bào ở Hoa Kỳ, Canada, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc… Từ đó, doanh thu từ ngành hàng này rất lớn, góp phần giải quyết nhiều lao động tại khu vực ĐBSCL có việc làm ổn định. “Sản xuất mà không có đầu ra thì không cách nào duy trì được cơ sở. Khi muốn có đầu ra mạnh thì bắt buộc phải có sự liên kết với nhau. Cách làm này, các hộ dân nuôi cá tra xuất khẩu đã làm, nên ngành hàng khô cá cần học hỏi để làm theo” - bà Nguyễn Thị Lành kiến nghị.
Năm 2007 - 2008, nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu tại ĐBSCL gặp tình trạng khủng hoảng thừa nguyên liệu. Sau sự kiện này, ngư dân và doanh nghiệp đã chủ động cùng nhau hợp tác làm ăn, thông qua mô hình câu lạc bộ (CLB). Đi đầu trong số CLB nuôi cá tra được hình thành sớm nhất, trước hết phải kể đến CLB nuôi cá tra Angifish, CLB nuôi cá tra Nam Việt. Từ đó đến nay, hình thức hợp tác này vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển, nhờ đó việc phân công lao động trong chuỗi ngành hàng được chuyên nghiệp hóa. “Doanh nghiệp lo tìm kiếm, mở rộng thị trường, ngư dân lo nuôi cá cho đạt tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng. Đây là cách làm mang tính bền vững trong bối cảnh hiện nay” - ông Phó Văn Liêu (hộ nuôi liên kết với Công ty Cổ phần Nam Việt) khẳng định.
Vận động các hộ sản xuất chung một ngành hàng đi vào con đường làm ăn hợp tác là chủ trương chung của tỉnh. Ngoài vận động nông dân trồng lúa, hoa màu và nuôi cá… làm ăn hợp tác, các ngành nghề khác như chế biến khô, mắm, thực phẩm chay… cũng cần liên kết hợp tác để giảm thiểu rủi ro.
“Chủ trương đã có, vấn đề còn lại là tùy theo ngành nghề sản xuất, bà con cần trao đổi với nhau và đi đến thống nhất thành lập tổ hợp tác hay hợp tác xã. Khi đã thống nhất xong thì liên hệ với UBND xã, phường tại địa phương để nhận được sự hỗ trợ thủ tục và các hướng dẫn tiếp theo. “Buôn có bạn, bán có phường” là cách tốt nhất trong bối cảnh sản xuất - kinh doanh hiện nay” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm khẳng định. |
MINH HIỂN