Liên kết TP. Hồ Chí Minh với vùng đất “Chín Rồng”

01/12/2023 - 18:18

 - Nếu như TP. Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của miền Nam thì các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL được ví như những toa tàu hàng hóa phía sau. Khi đầu tàu và toa tàu liên kết chặt chẽ, tương trợ lẫn nhau thì cả đoàn tàu cùng tiến lên mạnh mẽ. Việc mở rộng hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL như một đòi hỏi tất yếu.

Chủ động kết nối

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh Phạm Trung Kiên cho rằng, ĐBSCL là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước, với nhiều sản phẩm chủ lực, nhất là lúa, tôm, cá tra, trái cây. “Đối với TP. Hồ Chí Minh, vùng ĐBSCL có gắn kết hết sức mật thiết và quan trọng, có tác động qua lại về mọi mặt, sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh không tách rời mà phải kết nối chặt chẽ với sự phát triển của từng địa phương trong vùng” - ông Kiên đánh giá.

Trên tinh thần hợp tác tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi giữa các bên để cùng nhau phát triển, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã ký thỏa thuận hợp tác đến năm 2025, với 6 lĩnh vực trọng tâm là: Phát triển hạ tầng giao thông; phát triển du lịch (DL); kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư - thương mại; hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển khoa học - công nghệ, chuyển đổi số; phát triển lĩnh vực giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực. Trên cơ sở đó, TP. Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch triển khai thỏa thuận hợp tác với các nội dung công việc cụ thể trong năm 2023 và giai đoạn 2024 - 2025.

Góp ý vào kế hoạch triển khai Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định 287/QĐ-TTg, ngày 20/2/2022), TP. Hồ Chí Minh đề nghị bổ sung các công trình hạ tầng kỹ thuật mang tính liên kết vùng để kết nối thị trường hàng hóa giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh.

Nhiều kết quả tích cực

Ông Phạm Trung Kiên cho biết, sau nỗ lực kết nối cung - cầu hàng hóa, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã tham gia, giới thiệu các sản phẩm thế mạnh, trong khi các doanh nghiệp (DN) TP. Hồ Chí Minh đã tham gia đầu tư, mở rộng hệ thống phân phối, gồm: 31 siêu thị, 4 trung tâm thương mại tại vùng ĐBSCL.

Theo nhu cầu của các địa phương, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức đoàn DN, hệ thống phân phối chuyên nghiệp của thành phố đến kết nối, khảo sát sản phẩm và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của các địa phương trong vùng. Đồng thời, tổ chức các hoạt động, như: Tuần lễ sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) và sản phẩm đặc trưng vùng miền năm 2023; Festival hoa lan; Hội chợ triển lãm giống và nông nghiệp công nghệ cao; Hội chợ triển lãm nuôi trồng, công nghệ chế biến nông, lâm, thủy sản, sản phẩm VietGAP, sản phẩm làng nghề, OCOP; Chợ phiên nông sản an toàn TP. Hồ Chí Minh vào cuối tuần… nhằm tạo điều kiện cho các DN vùng ĐBSCL tham gia giới thiệu, quảng bá, xúc tiến sản phẩm tại thị trường đông dân nhất cả nước.

Đến nay, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) đã nhận được 724 dự án của 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, gồm: TP. Cần Thơ (23 dự án, 3 lĩnh vực), các tỉnh Long An (13 dự án, 6 lĩnh vực), Tiền Giang (76 dự án, 11 lĩnh vực), Đồng Tháp (105 dự án, 9 lĩnh vực), Bến Tre (59 dự án, 6 lĩnh vực), Trà Vinh (10 dự án, 4  lĩnh vực), Vĩnh Long (58 dự án, 6 lĩnh vực), An Giang (63 dự án, 6 lĩnh vực), Hậu Giang (53 dự án, 5 lĩnh vực), Sóc Trăng (35 dự án, 8 lĩnh vực), Bạc Liêu (152 dự án, 7 lĩnh vực), Kiên Giang (55 dự án, 14 lĩnh vực), Cà Mau (22 dự án, 6 lĩnh vực). Đồng thời, thường xuyên cập nhật và cung cấp các dự án đầu tư tiêu biểu của TP. Hồ Chí Minh đến các địa phương để giới thiệu cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tận dụng cơ hội mới

“Việc Quốc hội trao cơ chế đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh không chỉ là vận hội mới của TP. Hồ Chí Minh, mà cũng là vận hội cho ĐBSCL, các tỉnh, thành phố trong vùng cần đón lấy vận hội này. Sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa ra cả vùng. Kinh tế không có ranh giới hành chính, đường ranh hành chính là do con người vẽ ra. Thực tế, những thành tựu kinh tế mà TP. Hồ Chí Minh đạt được thời gian qua có sự đóng góp rất lớn của ĐBSCL. Ngược lại, hiệu ứng lan tỏa từ sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh ra cả vùng là không thể phủ nhận. Trong đó, hợp tác phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu, phải chủ động thực hiện. TP. Hồ Chí Minh sẽ là nơi dẫn dắt câu chuyện này” - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, trong nỗ lực hợp tác, tỉnh đã đề nghị TP. Hồ Chí Minh nghiên cứu, hỗ trợ đầu tư xây dựng Trung tâm đầu mối ở An Giang để chế biến nông thủy sản gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo vùng sinh thái nước ngọt; giới thiệu các DN TP. Hồ Chí Minh đầu tư siêu thị, nhà máy để kết nối tiêu thụ hàng hóa nông, thủy sản của An Giang; đầu tư vào các khu DL trọng điểm của tỉnh, kết nối DL và phát triển các sản phẩm DL; hỗ trợ xây dựng và vận hành Khu nông nghiệp công nghệ cao tỉnh An Giang, quy mô từ 500 - 1.000ha; thành lập và vận hành Khu công nghệ thông tin tập trung tỉnh An Giang.

ĐBSCL đang đẩy mạnh hợp tác phát triển 4 hành lang kinh tế trong vùng kết nối với TP. Hồ Chí Minh, gồm: Hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp từ TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ đến Long An - Tiền Giang; hành lang dọc sông Tiền - sông Hậu với tiềm năng lớn và kết nối, giao thương quốc tế về đường thủy nội địa, hàng hải; hành lang kinh tế ven biển từ TP. Hồ Chí Minh với 7 tỉnh (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang); hành lang biên giới từ Tây Ninh - TP. Hồ Chí Minh - Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang.

NGÔ CHUẨN