Linh động trong sản xuất nông nghiệp

11/05/2020 - 06:40

 - Nhiều năm qua, cùng với sự khuyến khích của ngành nông nghiệp thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, cây ăn trái có giá trị kinh tế cao trở thành xu hướng của nông dân ở nhiều địa phương. Lựa chọn chuyển đổi mô hình phù hợp, có nghiên cứu kỹ thị trường, có lợi thế cạnh tranh đã và đang giúp nông dân nâng cao hiệu quả diện tích đất trồng, tăng thu nhập...

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, đất vườn tạp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo đó, UBND tỉnh An Giang cùng ngành nông nghiệp đã hướng dẫn từng địa phương chuyển đổi cụ thể về diện tích, lựa chọn từng loại cây trồng để phù hợp với tình hình thực tế về thổ nhưỡng, nguyện vọng của người dân.

Đồng thời, trong quá trình chuyển đổi, các địa phương phải luôn theo sát diễn biến tình hình, phối hợp kịp thời với các ngành chuyên môn mở nhiều lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất, tổ chức tham quan các mô hình sản xuất hiệu quả... để áp dụng cho các mô hình của bà con nông dân. Qua đó, giúp nông dân có thêm kiến thức, kinh nghiệm, mạnh dạn chuyển đổi, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Không chỉ dừng lại ở việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nông dân xã Vĩnh Thành (Châu Thành) còn mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất vườn tạp, đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu hoặc trồng cây ăn trái. Từ đó, giúp cải thiện thu nhập, đa dạng thêm cơ cấu cây trồng, vật nuôi của địa phương.

Trước đây, gia đình anh Võ Ngọc Trạng (xã Vĩnh Thành) chỉ xoay quanh với mấy công đất lúa, giá cả bấp bênh, thu nhập không ổn định, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Sau khi đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm các mô hình sản xuất cây ăn trái ở nhiều nơi, anh Trạng mạnh dạn chuyển hẳn 8.000m2 đất trồng lúa sang trồng dưa hấu, luân canh 4 vụ/năm. Ban đầu, khi bắt tay vào trồng dưa hấu cũng khá khó khăn vì kỹ thuật chưa nhiều, nên hễ gặp sâu bệnh, thời tiết anh Trạng lại lúng túng trong cách xử lý.

Sự hỗ trợ kỹ thuật, các lớp tập huấn sẽ giúp bà con nông dân tự tin hơn trong quá trình canh tác

“Tuy nhiên, làm lần hồi rồi tự rút kinh nghiệm, cộng thêm sự hỗ trợ từ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp của xã, huyện, nên việc canh tác ngày càng mang lại hiệu quả. Ngoài việc tăng vụ sản xuất, tôi thuê thêm đất để trồng dưa hấu. Nếu đợt nào giá cả ổn định thì dưa hấu cho thu nhập rất tốt, vì đây là cây trồng ngắn ngày nên bỏ vốn ra ít, vài tháng là lấy lại được” - anh Trạng thông tin.

Hiện nay, ngoài diện tích gần 2ha trồng chuyên canh dưa hấu, anh Trạng còn trồng  gần 3ha lúa ứng dụng “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng đã giúp cho kinh tế gia đình của anh Trạng phát triển ổn định. Với vốn kinh nghiệm được tích lũy qua quá trình sản xuất, anh Trạng luôn sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nông dân ở địa phương nếu có yêu cầu để cùng nhau phát triển.

Từ năm 2016, ông Mai Hồng Tám (ấp Đông Bình Trạch, xã Vĩnh Thành, Châu Thành) đã mạnh dạn đầu tư trồng khoảng 350 gốc quýt đường trên diện tích 3.000m2. Sau hơn 2 năm chăm sóc, vườn quýt của ông Tám đã cho thu hoạch, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. “Ngoài sự hỗ trợ từ ngành nông nghiệp địa phương, tôi còn tham quan các nhà vườn ở tỉnh Đồng Tháp để học hỏi kinh nghiệm chăm sóc cây quýt đường. Nhờ vậy, quýt đường cho năng suất cao, mỗi đợt từ 5-6 tấn trái, thu nhập rất tốt” - ông Tám chia sẻ.

Nhận thấy đây là hướng phát triển ổn định, có thể cải thiện kinh tế gia đình nên ông Mai Hồng Tám đã mạnh dạn chuyển đổi hết 1,5ha đất trồng lúa sang trồng xen canh nhiều loại cây ăn trái như: quýt đường, cam, bưởi, ổi...

“Mục đích xen canh nhiều loại cây trồng trên cùng một diện tích đất nhằm “lấy ngắn nuôi dài”, tăng thêm thu nhập cho kinh tế gia đình. Từ lợi nhuận có được, phần để lo cuộc sống gia đình, tôi còn để ra một phần để hỗ trợ địa phương trong công tác an sinh xã hội như: chi phí làm đường, quỹ xe chuyển bệnh...” - ông Tám cho biết.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng chỉ thật sự mang lại hiệu quả khi nông dân làm theo hướng dẫn của các ngành chuyên môn. Đặc biệt là về giống cây trồng phải phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, có tham khảo thị trường, tốt nhất là tham gia liên kết tiêu thụ nông sản với các doanh nghiệp để yên tâm về đầu ra khi thu hoạch.

ÁNH NGUYÊN