Tại địa bàn các xã: Hòn Đất, Mỹ Thuận, Bình Giang, Tân Hiệp, Giồng Riềng… nông dân đã kết thúc sản xuất vụ hè thu 2025. Theo nhiều nông dân, vụ hè thu 2025 là mùa vụ khó khăn nhất. Điều kiện sản xuất có nhiều bất lợi do thời tiết nắng nóng đầu vụ, đến cuối vụ thu hoạch lại gặp mưa bão, sâu bệnh, dịch hại phát sinh nhiều nên năng suất lúa không cao, bình quân từ 500 - 750kg/công. Trong khi đó, chi phí sản xuất lại tăng do nông dân phải tốn thêm nhiều chi phí chăm sóc, phòng trừ sâu hại, dịch bệnh, tăng lượng phân bón so vụ đông xuân nên nông dân sản xuất không có lãi. Ước tính chi phí sản xuất vụ hè thu 2025 từ 3 - 3,5 triệu đồng/công.
Hiện, nông dân trong tỉnh khẩn trương vệ sinh đồng ruộng để sản xuất vụ lúa thu đông với kỳ vọng thời tiết thuận lợi, thị trường lúa gạo phục hồi trong những tháng cuối năm, giá lúa sẽ cải thiện, nông dân có cơ hội để gỡ gạc lại phần nào chi phí sau vụ hè thu đầy biến động. Ghi nhận tại ấp Láng Cơm, xã Bình Giang, những ngày đầu tháng 7, nông dân đã tiến hành làm đất, vệ sinh đồng ruộng, ngâm giống để kịp gieo sạ. Từ sáng sớm, đã nghe thấy tiếng máy cày, máy xới, máy bơm nước chạy rền vang khắp các cánh đồng, không khí làm việc nhộn nhịp, hối hả.

Nông dân xã Bình Giang gieo sạ lúa thu đông năm 2025 bằng thiết bị bay không người lái (Drone)
Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Láng Cơm, xã Bình Giang Bùi Văn Sắc cho biết, những năm qua, chính quyền địa phương tăng cường đầu tư nâng cấp, nạo vét hệ thống thủy lợi, đê bao khép kín, khá thuận lợi cho người dân trong sản xuất. Từ sản xuất 2 vụ lúa/năm, nhiều hộ dân đã mở rộng sản xuất thêm vụ 3 (vụ thu đông) tại các vùng có hệ thống bờ bao ngăn lũ. Vụ thu đông năm 2025, toàn ấp Láng Cơm có gần 1.600ha. Đến nay, người dân đã xuống giống hơn 80% diện tích.
Thời tiết thuận lợi, anh Nguyễn Văn Đem (ngụ ấp Láng Cơm, xã Bình Giang) cho nhân công đưa máy vào ruộng cày xới, trục đất kỹ càng để gieo sạ vụ thu đông. Anh Đem nói: “Tôi vừa thu hoạch xong 11ha lúa hè thu cách đây 3 tuần. Vụ hè thu coi như trắng tay do lúa trổ gặp mưa, sâu bệnh phát triển mạnh. Dù tăng cường phân bón, xịt thuốc phòng trị bệnh nhưng năng suất không cao, chỉ đạt 500kg/công. Giá bán lại thấp, trừ hết chi phí, tôi chỉ huề vốn. Nằm trong vùng chuyên sản xuất lúa 3 vụ/năm, nên sau khi thu hoạch lúa hè thu, tôi chủ động làm đất, gieo sạ vụ thu đông, mong vụ này trúng mùa, được giá hơn”.
Vừa hoàn tất gieo sạ 15ha lúa thu đông cách đây 3 ngày, ông Huỳnh Văn Cộ (ngụ ấp Láng Cơm, xã Bình Giang) chia sẻ: “Rút kinh nghiệm từ vụ hè thu, vụ thu đông thời tiết hay có mưa, giông, tôi ưu tiên chọn các loại giống chất lượng cao, cứng cây, kháng sâu bệnh như OM5451, kết hợp sạ thưa giúp cây lúa khỏe, phát triển tốt”.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn An Giang, từ tháng 6 đến tháng 8/2025, tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm trên hầu hết các khu vực trong tỉnh. Đây cũng chính là thời điểm bắt đầu mùa lũ trên sông Cửu Long, tổng lượng dòng chảy về ĐBCSL có xu thế lên dần. Số cơn bão, áp thấp nhiệt đới ở mức tương đương trung bình nhiều năm.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh nhận định, thời tiết mưa bão kéo dài là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch hại phát sinh mạnh, điển hình như bệnh đạo ôn, cháy lá, rầy nâu gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lem lép hạt… ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Do đó, để đảm bảo sản xuất vụ thu đông đạt hiệu quả, ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân cần tuân thủ nghiêm ngặt lịch thời vụ gieo sạ của ngành nông nghiệp, xuống giống đồng loạt, né rầy và né mưa bão cuối vụ.
Nông dân cần thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, chú ý lượng giống gieo sạ từ 80 - 100kg/ha; chú trọng áp dụng tốt các giải pháp tưới nước tiết kiệm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh thái - trồng hoa trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu trong giai đoạn 40 ngày đầu sau sạ; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”. Bà con cần tăng cường các biện pháp giúp cây lúa khỏe, như: Bổ sung vi lượng, phân bón có chứa canxi, silic giúp tăng tính chống chịu tự nhiên của cây lúa.
Ngoài ra, nông dân cần thường xuyên thăm đồng, kiểm tra, phát hiện sớm dịch hại để có biện pháp ứng phó kịp thời. Nông dân không nên xuống giống vụ thu đông 2025 ở những vùng không có đê bao kiểm soát lũ triệt để. Đối với những vùng đã xuống giống ngoài đê bao, các địa phương cần gia cố hệ thống đê bao, chuẩn bị tốt các trang thiết bị nhằm đảm bảo khả năng tiêu thoát nước, chống ngập...
Căn cứ khung lịch thời vụ của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho khu vực ĐBSCL, tình hình khí tượng thủy văn, thời gian xuống giống lúa theo từng tiểu vùng của vụ trước, diễn biến rầy nâu trên đồng ruộng, rầy nâu vào bẫy đèn trong và ngoài tỉnh. Khuyến cáo khung lịch thời vụ xuống giống vụ thu đông 2025 trên địa bàn An Giang (cũ) bắt đầu từ ngày 15/7 - 31/8. Tại địa bàn Kiên Giang (cũ), nông dân gieo sạ vụ thu đông năm từ ngày 1/7 - 10/8 theo khung lịch thời vụ của ngành nông nghiệp đã ban hành. |
THÙY TRANG