Hàm lượng dinh dưỡng của rong biển thay đổi tùy theo loại và địa điểm phát triển. Nhưng mọi loại đều chứa vitamin và khoáng chất bao gồm: vitamin A, B2, B5, C, E, canxi, đồng, i-ốt, sắt, magie, mangan, phốt pho, selen, kẽm...
Rong biển đặc biệt giàu vitamin K, chứa nhiều protein và chất xơ, chất chống oxy hóa (hợp chất chống lại tổn thương tế bào) dưới dạng vitamin A, C và E cũng như trong các sắc tố tạo nên màu sắc cho rong biển.
Tác dụng
Theo Webmd, rong biển là nguồn cung cấp i-ốt tuyệt vời. Khoáng chất vi lượng này rất quan trọng đối với sức khỏe của tuyến giáp, hỗ trợ điều chỉnh quá trình trao đổi chất. Cơ thể không tạo ra i-ốt, vì vậy bạn phải lấy từ thực phẩm hoặc chất bổ sung.
Những lợi ích tiềm năng của rong biển bao gồm:
Cải thiện chức năng tuyến giáp
Hormone tuyến giáp giúp điều chỉnh nhiều chức năng của cơ thể, từ chu kỳ kinh nguyệt đến thân nhiệt. Nếu thiếu i-ốt, tuyến giáp không thể tạo ra đủ lượng hormone này, có thể dẫn tới bướu cổ. I-ốt đặc biệt quan trọng với phụ nữ mang thai vì liên quan đến sự phát triển não bộ của thai nhi.
Tốt cho sức khỏe đường ruột
Rong biển chứa carbohydrate hoạt động như prebiotic, là chất xơ không tiêu hóa được, nuôi dưỡng lợi khuẩn trong đường tiêu hóa của bạn. Đường có trong rong biển thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn tốt và tăng mức axit béo ngắn hạn giúp niêm mạc ruột khỏe mạnh.
Hỗ trợ sức khỏe tim mạch
Các nghiên cứu ban đầu đã tìm thấy mối liên hệ giữa ăn rong biển và nguy cơ mắc bệnh tim thấp hơn. Một số phát hiện chỉ ra rằng polyphenol, hợp chất có trong rong biển, có thể giúp giảm huyết áp, cholesterol LDL - cholesterol “xấu” và mức cholesterol toàn phần.
Ổn định lượng đường trong máu
Một số bằng chứng cho thấy các hợp chất polyphenol trong rong biển có thể góp phần kiểm soát lượng đường trong máu. Fucoxanthin, chất chống oxy hóa có trong một số loại rong biển, cũng đóng vai trò kiểm soát đường huyết.
Nguy cơ tiềm ẩn
Ăn rong biển an toàn cho hầu hết mọi người. Nhưng có một số điều cần chú ý khi sử dụng loại rau nguồn gốc từ biển này:
Quá nhiều i-ốt: Mặc dù i-ốt rất quan trọng đối với sức khỏe tuyến giáp nhưng quá nhiều khoáng chất vi lượng này có thể phản tác dụng. Chúng ta chỉ cần lượng nhỏ i-ốt - khoảng 150 microgram mỗi ngày. Đặc biệt, trẻ em, trẻ sơ sinh và những người bị rối loạn tuyến giáp nên tránh dùng quá nhiều i-ốt.
Tương tác với một số loại thuốc: Rong biển rất giàu kali, nói chung tốt cho sức khỏe nhưng có thể gây hại cho người mắc bệnh thận. Rong biển còn chứa vitamin K có thể gây trở ngại cho các loại thuốc làm loãng máu như warfarin.
Một số loại rong biển có thể có hàm lượng kim loại nặng cao: Rong biển có thể chứa hàm lượng asen, cadmium, thủy ngân hoặc chì cao, tùy thuộc vào cách thức và nơi phát triển.