Loại ung thư phổ biến ở nam giới nhưng chỉ 4% số ca được phát hiện sớm

25/05/2024 - 20:01

Ung thư hạ họng không có triệu chứng rõ rệt nên chỉ 4% số ca được phát hiện sớm. Từ 60 tới 80% số trường hợp phát hiện bệnh khi đã có di căn hạch cổ.

Thông tin trên được bác sĩ Nguyễn Thanh Nam - Trung tâm Tiêu hóa và Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) chia sẻ tại hội thảo khoa học về Cập nhật chẩn đoán, điều trị và kỹ thuật nội soi mới trong một số bệnh lý tiêu hóa tổ chức ngày 25/5.

Theo bác sĩ Nam, ung thư hạ họng là bệnh ung thư phổ biến ở nam giới từ 40 tới 60 tuổi. Tỷ lệ phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm rất thấp chỉ 4%, giai đoạn 2 từ 9-13%. Đa số các trường hợp phát hiện mắc bệnh ở giai đoạn muộn, di căn hạch cổ. Tỷ lệ sống của bệnh nhân ung thư hạ họng sau 5 năm chỉ từ 15% đến 45%.

“Phát hiện ung thư hạ họng ở giai đoạn sớm khi không có triệu chứng là thách thức lớn đối với bác sĩ tai mũi họng”, bác sĩ Nam nhấn mạnh.

Bệnh nhân nội soi tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Phương Thúy

Yếu tố nguy cơ của ung thư hạ họng chủ yếu do hút thuốc lá, sử dụng bia rượu, virus HPV. Người bị trào ngược dạ dày thực quản cũng thuộc nhóm nguy cơ.

Dấu hiệu của bệnh bao gồm khó nuốt ngày càng tăng dẫn đến nghẹn hoặc tắc. Người bệnh cảm thấy đau khi nuốt, cơn đau kéo dài và trở nên nặng nề, có thể lan đến tai. Vùng cổ nổi hạch, hạch to dần, cứng và cố định một chỗ. Ứ đọng nước bọt ở vùng xoang lê đi kèm những vết loét.

Gần đây, phương pháp nội soi phóng đại đường tiêu hóa với dải tần hẹp có thể cung cấp hình ảnh chất lượng cao và chứng minh được tính hiệu quả trong phát hiện sớm ung thư họng, thanh quản. Qua quá trình nội soi, bác sĩ thấy các vùng hơi đỏ hoặc có màu nâu, các chấm đỏ, nâu, tổn thương dạng ban đỏ hoặc dạng phẳng có ranh giới rõ không bắt màu thuốc nhuộm.

Nếu phát hiện bệnh nhân có bất thường, bác sĩ sẽ dùng kỹ thuật cắt bóc tách dưới niêm mạc qua nội soi. Tại Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ thực hiện kỹ thuật này trong 60-80 phút, chưa ghi nhận biến chứng, mang lại hiệu quả điều trị xâm lấn tối thiểu.

Phó giáo sư Nguyễn Công Long - Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa và Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, theo thống kê của GLOBOCAN 2020, Việt Nam mỗi năm có hơn 200.000 ca mắc mới và hơn 100.000 ca tử vong do bệnh ung thư, trong đó ung thư đường tiêu hóa chiếm hơn 30%.

Tuy nhiên, các triệu chứng của ung thư đường tiêu hóa thường mờ nhạt, diễn tiến âm thầm và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý tiêu hóa khác nên chỉ được phát hiện ở giai đoạn muộn.

Vì vậy, việc chẩn đoán ra bệnh ở giai đoạn sớm cũng như áp dụng các tiến bộ trong điều trị rất quan trọng để tăng tỷ lệ chữa khỏi, hạn chế tác dụng phụ, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Theo PHƯƠNG THUÝ (Vietnamnet)