Tại sự kiện “Quảng bá xúc tiến du lịch Tây Bắc-TP.HCM” chiều 4/12, ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết, Tây Bắc mở rộng có vẻ đẹp riêng có về địa hình, khí hậu, địa chất, cảnh quan và hệ sinh thái. Từ đó, khu vực có sức hấp dẫn đối với khách du lịch.
Cột cờ Lũng Cú, Hà Giang (Nguồn: BTC)
Các tỉnh Tây Bắc mở rộng gồm: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ và Hà Giang. Trong đó, Lào Cai có đỉnh Fansipan, nóc nhà Đông Dương; Hà Giang có cao nguyên đá Đồng Văn; Yên Bái có ruộng bậc thang Mù Căng Chải đẹp nổi tiếng; Điện Biên có di tích quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ; Hòa Bình có thung lũng Mai Châu bình yên; Sơn La có cao nguyên Mộc Châu với những loài hoa nở bốn mùa; Phú Thọ có di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng…
“Vẻ đẹp không đâu có của núi rừng, văn hóa Tây Bắc thôi thúc du khách lên đường để đến với vùng đất này”, ông Bằng nói thêm.
Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Điện Biên (Nguồn: BTC)
Trong chương trình hợp tác phát triển du lịch các tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP.HCM giai đoạn 2020-2025, nhà chức trách sẽ tập trung phát triển các sản phẩm du lịch, trọng tâm là phát triển du lịch liên kết; tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch…
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay, thành phố này đã liên kết với 6 cụm, 49 tỉnh/thành, vùng kinh tế trọng điểm trên cả nước, từ đó, thu hút được khách du lịch cho TP.HCM và các tỉnh/thành bạn.
Cầu kính Bạch Long, Sơn La
Đối với cụm Tây Bắc, TP.HCM tổ chức nhiều sự kiện, xây dựng tuyến, sản phẩm du lịch mới kết nối các điểm đến. Trong thời gian tới, Sở Du lịch thành phố và các tỉnh/thành Tây Bắc, thực hiện quét các điểm du lịch đặc trưng tại Tây Bắc, đưa vào bản đồ du lịch tương tác thông minh 3D/360, nhằm đẩy mạnh hơn nữa hoạt động quảng bá du lịch.
Theo Vietnamnet