Đạt thành tích xuất sắc trong phong trào trồng cây toàn miền Bắc, ngày 26/01/1964, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Vinh Quang (nay là xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy) đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Ảnh tư liệu
Mốc son lịch sử
Sau 9 năm trường kỳ “kháng chiến ba ngàn ngày không nghỉ”, quân và dân ta đã lập nên kỳ tích chói sáng với chiến thắng Điện Biên Phủ, đập tan mộng xâm lăng của Thực dân Pháp, buộc chúng phải ký hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Đông Dương, bãi bỏ quyền cai trị của người Pháp, công nhận nền độc lập của ba quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia, chính thức chấm dứt chế độ Thực dân Pháp tại Đông Dương. Miền Bắc sạch bóng quân xâm lược, hừng hực khí thế xây dựng cuộc sống mới, vững bước tiên lên chủ nghĩa xã hội.
Trong niềm vui chiến thắng, trung tuần tháng 9/1954, Đảng bộ và Nhân dân Đất Tổ tập trung triển khai đợt sinh hoạt chính trị quán triệt Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tình hình, nhiệm vụ và chính sách mới của Đảng; chuẩn bị nhân lực, điều kiện cho các cơ quan, đơn vị và đồng bào về nơi ở cũ; phục vụ đợt trao trả tù binh Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ tại Việt Trì...
Niềm vui, tự hào như được nhân lên bội phần khi đúng thời điểm này, Phú Thọ vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Sự kiện Bác về thăm khu tưởng niệm tổ tiên chung của cả dân tộc, dâng hương viếng các Vua Hùng, gặp gỡ các cán bộ, chiến sỹ của Đại đoàn 308 (Đại đoàn quân Tiên Phong) trước khi đơn vị về tiếp quản Thủ đô cùng câu nói bất hủ của Người đã trở thành mốc son chói sáng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, ngọn lửa thiêng liêng thắp sáng niềm tự hào và ý thức trách nhiệm trong mỗi người dân đất Việt.
Sáng 18/8/1954, Bác từ “Thủ đô kháng chiến” (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) về Phú Thọ. Gần trưa, Bác vào thăm thị xã Phú Thọ để tìm hiểu tình hình đời sống và việc làm của đồng bào sau khi hoà bình được lập lại. Sau đó, Người đến địa điểm sơ tán của Văn phòng Tỉnh uỷ Phú Thọ ở thôn Quang Trung, xã Thanh Hà - ngoại vi thị xã Phú Thọ.
Lúc này, các đồng chí lãnh đạo của Tỉnh ủy đều đi công tác, gặp đồng chí Phạm Dụ - Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ và đồng chí Trần Lưu Vị - Trưởng Ban cán sự Đảng thị xã Phú Thọ, Bác hỏi một số tình hình chung của tỉnh và tình hình của Hoàng thân Xu-pha-nu-vông khi Hoàng thân qua Phú Thọ. Người giao nhiệm vụ cho đồng chí Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ báo cáo với Tỉnh uỷ về những điều Bác dặn: Phải giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình bộ đội gặp khó khăn; cần quản lý đô thị, sửa sang đường xá cho tốt và đảm bảo tính nguyên tắc trong chế độ thông tin giữa cấp dưới với cấp trên.
Chiều tối 18/9/1954, Bác về đến Đền Hùng và nghỉ qua đêm tại đây. Sáng 19/9, Bác cùng đồng chí Song Hào - Chính uỷ Đại đoàn quân Tiên Phong, đồng chí Nguyễn Văn Thanh và một số đồng chí bảo vệ đi thăm các di tích. Người đi thăm Đền Hạ, chùa Thiền Quang, Đền Trung, Đền Thượng, viếng Lăng mộ Vua Hùng và Đền Giếng. Vào khoảng 10 giờ ngày 19/9, Bác gặp gỡ các cán bộ, chiến sĩ đại diện cho Đại đoàn quân Tiên Phong tại Đền Giếng.
Ngay khi mở đầu bài nói, Người giảng giải về ý nghĩa của Đền Hùng: “Hôm nay, gặp các chú ở Đền Hùng có ý nghĩa rất to lớn vì Vua Hùng là một vị khai quốc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô của Đại đoàn quân Tiên Phong là rất quan trọng và vinh dự. Người căn dặn: Khi vào tiếp quản Thủ đô phải giữ gìn quân phong, giữ nghiêm kỷ luật; phải đoàn kết rộng rãi, tôn trọng, gần dân và giúp đỡ Nhân dân; chú ý học tập, rèn luyện, tránh sa ngã, bị cám dỗ trước những “viên đạn bọc đường”. Nhiệm vụ giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta còn rất nặng nề và quan trọng, Người căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước,Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” (Theo “Hồ Chí Minh toàn tập”, tập 9, trang 57- 59).
Lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc, với trí tuệ uyên bác, tầm nhìn chiến lược của một thiên tài chính trị, quân sự, văn hóa, mỗi việc làm, hành động của Chủ tịch Hồ Chính Minh đều có sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, mang lại giá trị, hiệu quả cao nhất. Chọn Đền Hùng để khẳng định nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam, Người đã đặt cội nguồn dân tộc lên một tầm cao mới. Nhắc đến công lao của các Vua Hùng ngay tại nơi cội nguồn của dân tộc Việt Nam, Bác đã khơi gợi lên ý thức dân tộc, ý thức cội nguồn. Lần đầu tiên, chặng đường hàng nghìn năm lịch sử dân tộc được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết ra quy luật tồn tại và phát triển. Quy luật dựng nước và giữ nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định tại Đền Hùng không những có ý nghĩa giáo dục to lớn về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc và tinh thần đại đoàn kết, mà còn là sự tôn vinh tổ tiên, tôn vinh Vua tổ Hùng Vương.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói “Các Vua Hùng đã có công dựng nước” là nói về những bậc tiền nhân có công lập quốc, vừa nói tới hình ảnh tượng trưng, cao nhất, thiêng liêng nhất của dân tộc - đó là giống nòi Việt Nam. Nói cách khác, đó là tất cả những “Con cháu Lạc Hồng” - những tinh hoa bất diệt đã tạo nên những tiền đề cho hiện tại và tương lai của dân tộc.
Câu nói của Người vừa thể hiện lòng biết ơn với các Vua Hùng “đã có công dựng nước”, đồng thời đề ra nhiệm vụ kế tục, tiếp nối sứ mệnh lịch sử cao cả của lớp lớp cháu con “Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Để giữ nước, Bác căn dặn phải xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đền Hùng, nơi thờ cúng Hùng Vương, tổ tiên của dân tộc Việt Nam, là cội nguồn, là đạo lý mà mỗi người dân Việt Nam luôn hướng tới và có trách nhiệm cố kết cộng đồng xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc để bảo vệ và xây dụng đất nước.
Lời căn dặn của Bác là lời hịch thiêng liêng của sông núi không chỉ dành cho Đại đoàn quân Tiên Phong mà cho toàn quân và dân tộc Việt Nam trong suốt 70 năm qua vẫn vẹn nguyên giá trị, trường tồn cùng thời gian...
Thành phố Việt Trì vươn mình trong diện mạo đô thị xanh, hiện đại, văn minh. Ảnh: Đức Hoàng
Di huấn thiêng liêng
Vinh dự, tự hào được Hồ Chủ tịch nhiều lần về thăm, làm việc, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Đất Tổ luôn khắc ghi các lời căn dặn thấm đượm tình cảm của Người, coi đây là mệnh lệnh thiêng liêng, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, kim chỉ nam cho các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân. 70 năm qua, quân và dân Phú Thọ luôn kề vai sát cánh, chung vai góp sức cùng đồng bào và chiến sĩ cả nước lập nên những thành quả to lớn, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thực hiện lời dạy của Bác về “giữ nước”, trong hơn hai thập niên kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và Nhân dân Phú Thọ đã không chỉ làm tròn nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ quê hương, mà còn là “hậu phương lớn”, huy động cao nhất sức người, sức của cho kháng chiến. Chỉ tính 10 năm, từ năm 1965 đến năm 1975, tỉnh Phú Thọ đã huy động gần 9% nhân lực cho chiến đấu và phục vụ chiến đấu với gần 93.000 thanh niên vào bộ đội, hơn 4.000 người tham gia lực lượng thanh niên xung phong.
Tại hậu phương, Phú Thọ đã tổ chức trên 600 đơn vị dân quân, du kích và tự vệ với gần 20.000 cán bộ, chiến sĩ; huy động hàng chục vạn lượt người phục vụ các chiến trường; huy động hàng triệu ngày công vận chuyển, sơ tán, cất giấu hàng hóa, sửa chữa cầu đường, san lấp hố bom, giữ vững mạch máu giao thông; xây dựng hàng vạn hầm hào phòng không nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho Nhân dân, cho các cơ quan, đơn vị của Trung ương và đồng bào các tỉnh về sơ tán. Trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, lực lượng dân quân, du kích và tự vệ tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực đánh địch hàng trăm trận lớn nhỏ, lập nhiều chiến công oanh liệt. Quân và dân Phú Thọ đã trực tiếp chiến đấu 783 trận, bắn rơi 86 máy bay Mỹ; đồng thời bảo đảm giao thông vận tải thông suốt để phục vụ cho sản xuất và đời sống của Nhân dân.
Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và Tây Nam của Tổ quốc, con em Đất Tổ luôn có mặt trên các mặt trận khốc liệt, vững tay súng chiến đấu chống lại quân xâm lăng bạo ngược. Cùng với đó là lực lượng dân công phục vụ chiến đấu, khắp các vùng quê thi đua lao động sản xuất, chi viện cho chiến trường đóng góp công sức, xương máu cùng cả nước bảo vệ vững chắc từng tấc đất biên cương.
Đất nước sạch bóng giặc ngoại xâm, cuộc sống đã thanh bình, thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ, Nhân dân và các lực lượng vũ trang tỉnh Phú Thọ tiếp tục nêu cao chủ nghĩa yêu nước, anh hùng cách mạng, phát huy mọi nguồn lực, vượt qua mọi thách thức, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đã đạt được những thành tựu tự hào.
Với những thành tựu xuất sắc đạt được trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ đã được Đảng, Nhà nước và Chính phủ tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, được phong tặng danh hiệu “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; nhiều tập thể, cá nhân được phong danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, “Anh hùng Lao động”; hàng vạn đồng bào, chiến sỹ trong tỉnh được tặng thưởng huân, huy chương và các phần thưởng cao quý khác.
Từ một tỉnh nghèo, thuần nông, cơ sở hạ tầng đô thị thấp kém; công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển chậm, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, đến nay, kinh tế của Phú Thọ luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân trung của cả nước, năm sau cao hơn năm trước. Năm vừa qua, Phú Thọ nằm trong nhóm 15 địa phương có tốc độ tăng khá của cả nước, đứng thứ 3/14 tỉnh trong Vùng Trung du và miền núi phía Bắc với tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 7,58%.
Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức song được sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, từ tỉnh đến cơ sở, sự đoàn kết, thống nhất, dân chủ, sáng tạo, phát huy trí tuệ tập thể và sự nỗ lực, cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, từ đầu năm đến nay, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển và đạt được kết quả quan trọng. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện rõ nét, các chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải cách hành chính (PAR Index) xếp thứ hạng cao. Lần đầu tiên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Phú Thọ tăng 14 bậc, trong top 10 của cả nước...
Kinh tế phát triển nhanh, bền vững đã tạo cơ sở vững chắc, nền móng quan trọng thúc đẩy các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế... đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của Nhân dân. Nhiều năm liền, Phú Thọ luôn nằm trong tốp đầu cả nước về chất lượng giáo dục toàn diện cũng như mũi nhọn. Công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được chú trọng, tăng cường khả năng tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ y tế ngay từ tuyến cơ sở, đảm bảo các hoạt động khám chữa bệnh ở các tuyến. Chất lượng cuộc sống của Nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh theo các năm, còn 4,49%...
70 năm thực hiện lời căn dặn của Bác ở Đền Hùng và 55 năm thực hiện Di chúc của Người, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Phú Thọ đã chung sức đồng lòng bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, xây dựng Đất Tổ thành vùng quê đáng sống, trù phú, thanh bình. Những thành tựu, bài học kinh nghiệm trong suốt những năm qua cộng hưởng cùng tình cảm kính yêu vô hạn và niềm tin tuyệt đối vào lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục soi đường dẫn lối, nhân lên sức mạnh giúp các thế hệ con cháu Lạc Hồng trên quê hương Đất Tổ hôm nay khơi dậy nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển kinh tế, xã hội nhanh, bền vững, xây dựng quê hương phồn thịnh, hùng cường như tâm nguyện của Người lúc sinh thời.
Theo Báo Phú Thọ