Lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt

12/08/2022 - 07:42

 - Không cần trao đổi tiền mặt trực tiếp, chủ động thanh toán mọi lúc, mọi nơi một cách an toàn, chính xác… Với nhiều tiện ích thiết thực, ngày càng nhiều người lựa chọn xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch, mua sắm.

Thanh toán hóa đơn tiền điện nhanh chóng bằng ứng dụng mobile banking

Thanh toán không dùng tiền mặt là hình thức sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử ứng dụng công nghệ số, như: Ví điện tử, mobile banking, internet Bbanking, mã QR... hoặc thanh toán gián tiếp thông qua các tổ chức tín dụng thay việc người mua và người bán trực tiếp trao đổi với nhau như thông lệ truyền thống. Thanh toán không dùng tiền mặt giúp hạn chế lượng tiền mặt trong lưu thông hàng hóa, giảm chi phí xã hội, mở rộng không gian, rút ngắn thời gian cho quá trình mua bán hàng hóa và dịch vụ.

Thời gian qua, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng trở nên phổ biến. Đặc biệt, sau thời gian chịu ảnh hưởng đại dịch COVID-19, thói quen thanh toán của người dân có những thay đổi lớn.

Chị Nguyễn Thị Thanh Vân (ngụ TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) cho biết: “Trước đây, tôi có thói quen dùng tiền mặt, nhưng sau thời gian dịch COVID-19 bùng phát đến nay, tôi thấy tiện ích rõ ràng của việc thanh toán không dùng tiền mặt. Với thẻ ATM hoặc điện thoại thông minh, tôi có thể thanh toán dễ dàng, thuận tiện, nhanh chóng và ở bất cứ đâu, đặc biệt hạn chế tiếp xúc và sử dụng tiền mặt. Mọi chi phí sinh hoạt của gia đình, tôi đều sử dụng chuyển khoản hoặc đăng ký trừ tiền trực tiếp qua ngân hàng, điều này giúp tiết kiệm thời gian đi lại”.

Bên cạnh đó, các ngân hàng đã triển khai nhiều dịch vụ trực tuyến, máy ATM đa chức năng… với các thao tác đơn giản giúp người dân có thêm điều kiện sử dụng các dịch vụ ngân hàng số dễ dàng và thuận tiện hơn. Các ứng dụng, dịch vụ về thanh toán không dùng tiền mặt, như: Mã QR, mobile banking, ví điện tử… xuất hiện nhiều hơn không đơn thuần chỉ để chuyển tiền, vấn tin mà người dân còn có thể sử dụng đa dạng các tiện ích, như: Thanh toán hóa đơn, thương mại điện tử, mua vé xem phim, vé máy bay, tour du lịch… Ngược lại, người dân cũng có thể sử dụng gián tiếp các dịch vụ ngân hàng thông qua các đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ khác như mua trả góp, mua trước - trả sau…

Chị Nguyễn Thị Thanh Trúc (ngụ TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho biết: “Trước đây, với thói quen dùng tiền mặt, tôi cần phải rút nhiều tiền nên sợ rơi rớt. Nhưng hiện nay, khi có nhiều ứng dụng về ngân hàng số, ví điện tử, tôi đã sử dụng các giao dịch, thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là khi đi siêu thị mua sắm, đặt hàng trực tuyến, thanh toán tiền điện, nước, điện thoại, internet…”.

Nhiều chương trình ưu đãi khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng đa dạng, an toàn, tiện lợi. Hạ tầng công nghệ phục vụ thanh toán điện tử, thanh toán thẻ cũng ngày càng được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả, công nghệ thanh toán điện tử hiện đại, công tác đảm bảo an toàn an ninh hệ thống thanh toán điện tử được coi trọng và tăng cường.

Thời gian gần đây, bên cạnh nộp tiền điện theo cách truyền thống, khách hàng có thể thanh toán tiền điện thông qua dịch vụ của ngân hàng bằng nhiều hình thức, như: chuyển khoản, thanh toán qua thẻ ATM, ứng dụng thanh toán trên điện thoại di động hoặc dịch vụ ngân hàng điện tử. Với việc sử dụng dịch vụ thanh toán qua các ngân hàng và tổ chức trung gian, khách hàng không tốn chi phí khác mà vẫn chủ động thanh toán mọi lúc, mọi nơi một cách an toàn, chính xác, tránh tình trạng bị cắt điện do quên thanh toán.

Chị Lê Thị Thanh Hà (ngụ TP. Long Xuyên) không phải bận tâm đến việc có thể bị cắt điện do thường xuyên vắng nhà khi quá thời hạn nộp tiền điện theo quy định. Hàng tháng, sau khi nhận được tin nhắn của điện lực thông báo số tiền phải thanh toán, chị Hà chỉ cần dùng dịch vụ mobile banking, ví điện tử… là có thể dễ dàng nộp tiền điện qua ứng dụng trên điện thoại di động.

“Việc không sử dụng tiền mặt giúp tôi tiết kiệm thời gian, quản lý chi tiêu dễ dàng, do luôn nắm được thông báo của ngành điện về điện năng sử dụng, số tiền phải trả cụ thể, rõ ràng trước khi thanh toán. Đồng thời, không phải lo ngại tình trạng giả mạo nhân viên thu tiền, lừa gạt người sử dụng” - chị Hà chia sẻ.

Từ những thay đổi trong cách tiêu dùng của người dân, các cửa hàng cũng nhanh chóng thích ứng, cài đặt và sử dụng các ứng dụng thanh toán và bán hàng trên môi trường mạng. Bắt kịp xu thế, các cơ sở kinh doanh dần thay đổi phương thức kinh doanh. Chị Nguyễn Thị Thu Lan (Chủ cửa hàng nội thất và vật liệu xây dựng ở TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Để tạo sự tiện lợi cho khách hàng thì ngoài việc bán trực tiếp tại cửa hàng, tôi cũng đẩy mạnh bán hàng qua mạng và thanh toán qua ví điện tử, chuyển khoản ngân hàng, quẹt thẻ ATM nhằm đáp ứng các nhu cầu thanh toán đa dạng của khách hàng”.

Có thể thấy, việc thanh toán không dùng tiền mặt đang trở thành xu thế mới hiện nay bởi những tiện ích mà nó mang lại. Tin rằng, đây sẽ là sự lựa chọn của nhiều người trong thời gian tới, từng bước thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt trong chi tiêu, mua sắm và kinh doanh. Qua đó, góp phần cùng tỉnh thực hiện chuyển đổi số thành công trên tất cả các lĩnh vực, hướng đến xây dựng chính quyền số, công dân số trong tương lai.

TRỌNG TÍN