Lối xưa quạnh quẽ

21/06/2024 - 05:58

 - Trước đây, đường mòn lên núi Sam (TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) lúc nào cũng đông lữ khách leo núi trải nghiệm. Từ chân núi lên tận đỉnh, hàng quán ven đường bày bán rôm rả. Giờ đây, khung cảnh náo nhiệt một thời đã qua...

Quán xá đìu hiu

Cuối tuần, chúng tôi có dịp về núi Sam viếng Bà Chúa Xứ, tham quan Lăng Thoại Ngọc Hầu, rồi men theo đường mòn để chinh phục đỉnh núi. Thật ngạc nhiên, hàng quán ở đây thưa thớt quá! Lâu lâu mới gặp vài người leo núi. Nhìn họ thở hổn hển, chồn chân, nhưng vẫn tươi cười vì lần đầu tiên được trải nghiệm “chốn bồng lai”. Ghé quán Quang Vinh mua chai nước suối lạnh, hớp một ngụm thỏa mãn cơn khát sau hơn 1 giờ cuốc bộ. Chủ quán than rằng, hiện nay, du khách ít leo đường bậc thang lên núi nên bán buôn ế.

“Trước đây, khách chen chân lên núi rần rần, mỗi ngày tôi bán hàng trăm chai nước suối lạnh. Từ khi có cáp treo, đường nhựa lên núi thông thương, du khách leo núi theo đường bậc thang rất ít. Không riêng quán của tôi, mà nhiều hộ lân cận bán rất chậm” - chủ quán than.

Rời quán Quang Vinh, chúng tôi tiếp lục vượt hàng ngàn bậc thang lên phía trên khu vực đồi Bạch Vân. Cách đây khoảng chục năm, chúng tôi từng cuốc bộ theo đường mòn lên núi Sam. Mỗi lần đến quán nào thì bà con bước ra chào mời rôm rả. Nhưng hiện nay, khu vực điện Bạch Vân chỉ còn vài quán lưa thưa.

Gặp chú Tư Mách (61 tuổi), chủ quán Trúc Vi đang ngồi bên chiếc thùng xốp đựng nước suối, nước ngọt ướp lạnh chờ khách ghé mua. Hỏi thăm chuyện bán buôn mưu sinh, chú Tư Mách than: “Khu vực đồi Bạch Vân này chỉ còn vài quán trụ lại đến nay. Từ đây lên đỉnh núi, nhiều quán đóng cửa mấy năm nay”.

Quán xá vắng khách du lịch

Nhớ lại cái thời đường sá chưa thông thương, cáp treo chưa hình thành, chú Tư Mách nói rằng, ai cũng thuê chỗ dọc theo đường mòn; người bán nước suối, khăn lạnh, người bán đồ lưu niệm, quạt, gậy… Tính sơ bộ, có cả trăm người bán đồ cho du khách.

“Hồi đó, quán tôi thuê 6 người đứng bán cho khách, không kịp phục vụ. Mỗi ngày bán thức uống đạt doanh thu hơn 2 triệu đồng, bỏ sở hụi thu nhập gần 1 triệu đồng. Còn hiện nay, quán của tôi bán vừa nước uống, vừa khăn lạnh chỉ được khoảng 200.000 đồng/ngày. Vợ chồng tôi cố gắng bám trụ trên núi này vừa giữ nhà, vừa bán nước giải khát kiếm sống qua ngày” - Tư Mách bộc bạch.

Leo lên đoạn lưng chừng núi, gặp cô Hai Mai đang xởi lởi mời chào vài du khách, nhưng chẳng thấy ai mua nước suối lạnh. Nhiều du khách không có nhu cầu, bởi họ đã chuẩn bị mua nước dưới đồng bằng lên núi vừa tiện, vừa sợ bị “chặt” giá cao.

Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, các chủ quán muốn bán nước suối lạnh trên núi phải thuê người mang vác lên. Do đó, họ bán mỗi chai nước suối lạnh với giá 10.000 đồng. “Việc đi lại trên núi khó khăn, do khu vực bên đây chủ yếu đi bằng đường bậc thang. Nên chi phí thuê người mang đồ lên bán cao hơn. Mỗi chai nước suối như vậy, tôi chỉ lời vài ngàn đồng” - cô Hai Mai trần tình.

Chùa chiền đóng cửa

Các ngọn núi trong dãy Thất Sơn có độ cao thoai thoải dễ chinh phục. Riêng núi Sam có nhiều khu vực dốc dựng đứng. Trong quá trình vượt đỉnh phải luôn nghỉ xả hơi và uống bù nước liên tục. Thời gian leo lên tận đỉnh mất khoảng 2 giờ đồng hồ.

Ngày trước, từ dưới chân núi lên lưng chừng, ngoài nhiều hàng quán mọc san sát thì cạnh đó là những ngôi chùa, ngôi miếu luôn mở cửa chào đón du khách đến cúng kiếng, nhưng nay cửa đóng then cài. Rảo một vòng trên khu vực điện Bạch Vân, hầu hết các ngôi chùa đều đóng cửa. Thậm chí, có những ngôi chùa bỏ hoang, không ai trông coi, nhìn rất u buồn. Tìm "đỏ mắt", chúng tôi mới bắt gặp một ngôi chùa mở cửa, vài du khách vào cúng.

Gặp vợ chồng anh Nguyễn Văn Út Na (quê ở tỉnh Bạc Liêu) vào ngôi chùa cúng Phật rồi đi. Chúng tôi theo cùng nên tâm sự gần suốt quãng đường lên núi. Leo một đoạn, Anh Na thở hổn hển, cho biết: “Gia đình tôi thuê xe 16 chỗ đến cúng Bà, rồi leo núi. Nhiều chùa trên núi đóng cửa, trông rất hoang vắng”.

Ông Tư Mách nói rằng, phía trên quán của mình là chùa Bửu Sơn đã đóng cửa 2 năm. Ngôi chùa khang trang nằm ở vị trí gần ngay đường mòn lên núi. Ngày trước, nơi đây thu hút đông du khách đến thắp hương quanh năm. “Mấy năm nay, sư trụ trì đã xuống núi, không còn ở ngôi chùa này. Bây giờ, chùa không ai trông coi hương khói, cửa luôn đóng kín. Du khách không còn ghé lại nơi đây cúng viếng nữa” - ông Tư Mách cho hay.

Lách qua tảng đá trông giống hình đầu mãng xà, chúng tôi đến các ngôi chùa. Khu vực nơi đây vắng lặng, đìu hiu, ngó tới ngó lui không thấy một bóng người, chúng tôi cảm thấy rờn rợn. Đi mãi một đoạn đường dài thì mới gặp vài người ở. Ghé ngôi chùa Minh Sơn, một thời thu hút đông du khách đến đây cúng kiếng, nhưng nay cửa khóa im ỉm.

Qua khỏi ngôi miếu nhỏ, chúng tôi gặp cô Tư Ngọc (69 tuổi) ngồi trước nhà. Ghé lại hỏi thăm mới biết, cô Tư Ngọc là người có mặt trên núi này hơn 40 năm trước. Nhớ về thời quá khứ, cô Tư kể, những ngôi chùa ở đây hình thành từ trước năm 1975.

Từ đó tới nay, cô Tư chứng kiến bao đổi thay tại chốn này. “Hồi đó, du khách đến đây nườm nượp. Vào những ngày cao điểm diễn ra lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, du khách leo núi cúng chùa cả ngày lẫn đêm. Nhiều người còn ngủ qua đêm, vui lắm!” - cô Tư bồi hồi nhớ lại.

Hiện nay, khu vực đồi Bạch Vân có khoảng chục am miếu, chùa chiền, nhưng không thấy ai đến, “cảnh bồng lai” càng vắng lặng. Chúng tôi qua cầu “Hòa Bình” nằm hướng Tây núi Sam cũng không thấy một bóng người. Nhìn xuống dưới núi là công trường đang thi công tượng Phật Thích Ca cao 81m bên vách núi đang giai đoạn sắp hoàn thành.

Giờ đây, trên đỉnh núi Sam có cáp treo, đường sá láng nhựa phẳng phiu, du khách có nhiều lựa chọn phương tiện lên núi sao cho nhanh gọn. Do đó, đường mòn lên núi vắng người lữ khách, chuyện buôn bán của bà con cũng không còn nhộn nhịp như xưa...

LƯU MỸ