Lòng dân và chống dịch

22/05/2021 - 08:33

Gần đây một số doanh nhân nói với tôi rằng, họ tha thiết và sẵn sàng đóng góp tiền cho Chính phủ để mua vắc xin chống virus SARS-CoV-2.

Gần đây một số doanh nhân nói với tôi rằng, họ tha thiết và sẵn sàng đóng góp tiền cho Chính phủ để mua vắc-xin chống virus SARS-CoV-2 nếu Chính phủ phát động gây quỹ để bổ sung cho nguồn ngân sách nhà nước thiếu hụt.

Tôi tin họ bởi tôi và rất nhiều người khác cũng muốn đóng góp. Hồi tháng 8 năm ngoái, chỉ sau vài tháng phát động, Mặt trận Tổ quốc công bố đã tiếp nhận tới 2.200 tỷ đồng của các tổ chức và cá nhân ở khắp 63 tỉnh để ủng hộ mua trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch.

Đó là tinh thần dân tộc, tình đoàn kết rất cao của cả nhà nước và người dân được thể hiện không chỉ trong đại dịch này, mà còn ở nhiều thời kỳ khác khi đất nước đứng trước những khúc quanh lịch sử.

Hôm qua, Bộ Tài chính trình Chính phủ việc thành lập Quỹ vắc xin phòng Covid-19. Theo đó, Việt Nam cần khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng để mua 150 triệu liều vắc-xin 9 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người. Trong số đó, 16 nghìn tỷ đồng là từ ngân sách trung ương, 9,2 nghìn tỷ đồng dự kiến huy động từ ngân sách địa phương và đóng góp của doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước.

Số tiền cần để mua vắc-xin trên là không quá lớn, vẫn nhỏ hơn so với khoản dự phòng 34,5 nghìn tỷ đồng và chỉ bằng khoảng 1,5% so với chi ngân sách của Việt Nam là 1,687 triệu tỷ đồng trong năm nay.

Gần 9.000 người trong thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu, huyện Việt Yên (Bắc Giang) xét nghiệm Covid-19 trong đêm.

Nói như vậy để thấy, nếu có sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân thì Việt Nam sẽ nhanh chóng có được nguồn tài chính dồi dào để mua vắc-xin trong bối cảnh các quốc gia đang cạnh tranh khốc liệt.

Đây là sáng kiến hay và kịp thời của Bộ Tài chính vì quỹ sẽ tạo một cơ chế hợp tác công – tư. Ngoài sự đóng góp của các doanh nghiệp và các tổ chức thì mỗi người dân cũng có thể tham gia đóng góp một phần, hay cho toàn bộ cho mũi tiêm của mình. Ai có điều kiện hơn thì có thể đóng góp thêm cho mũi tiêm của những người khó khăn.

Dù đã có nhiều nỗ lực của rất nhiều người, việc mua vắc-xin đủ để về tiêm cho dân còn là chặng đường dài phía trước. Vì thế, dù chúng ta có chiến lược mới chống Covid là 5K + vắc-xin, từ giờ đến lúc có đủ vắc-xin, người dân vẫn phải thực hiện 5K là chính. Đó là việc rất cần thiết bên cạnh nỗ lực của Chính phủ là “triển khai quyết liệt các biện pháp phát hiện nhanh, khoanh vùng gọn, cách ly kịp thời, thần tốc truy vết, xét nghiệm sàng lọc, điều trị tích cực, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trên diện rộng”.

Trong bối cảnh đó, có một số đề xuất rất đáng quan tâm. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 ngày19/5, một số thành viên Ban Chỉ đạo, các chuyên gia cho biết gần đây có một số người cho rằng việc xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 nhiều đang được khuyến khích, thậm chí có người còn đề nghị thực hiện “5K + vắc-xin + xét nghiệm” thay vì "5K + vắc-xin" như hiện nay.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định: Chủ trương của Bộ Y tế không khuyến khích người dân tham gia xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 bởi lẽ nếu xét nghiệm có kết quả âm tính sẽ gây ra tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch.

Chủ trương như vậy thực sự gây khó hiểu.

Thông báo số 116/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ “Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19” nhấn mạnh: Tấn công là thực hiện tốt yêu cầu 5K + vắc-xin; xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng (cần tích cực huy động các nguồn lực để tăng năng lực xét nghiệm, bảo đảm yêu cầu xét nghiệm nhanh, chính xác, hiệu quả).

Thông báo cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của nhân dân: “Đặc biệt, công tác phòng, chống dịch đã thu hút, huy động sự tham gia của đông đảo nhân dân, được tuyệt đại đa số nhân dân tin tưởng, ủng hộ, tự giác và có trách nhiệm thực hiện”.

Thủ tướng đã khẳng định cần huy động nguồn lực để tăng khả năng xét nghiệm và đề cao trách nhiệm của người dân trong chống dịch bệnh, vì sao lại có chủ trương không khuyến khích người dân tham gia xét nghiệm?

Chúng ta phải thừa nhận thực tế rằng, năng lực xét nghiệm của nhiều nơi còn rất khiêm tốn, ví dụ như Bắc Giang đang là tâm dịch nhưng năng lực xét nghiệm chỉ có 1.500 ca mỗi ngày, quá nhỏ so với dân số 1,8 triệu người.

Báo cáo của Bộ Y tế cho biết thêm, tính đến ngày 18/5/2021, cả nước đã thực hiện 3.324.043 xét nghiệm Realtime RT-PCR, tương đương 4.398.533 lượt người được xét nghiệm, trong đó từ 29/4/2021 đến nay đã thực hiện được 548.538 xét nghiệm, tương đương 871.594 lượt người.

Như vậy là năng lực xét nghiệm của ngành y tế còn rất xa so với nhu cầu của gần 100 triệu dân. Dân tự bỏ tiền ra xét nghiệm vừa giúp tạo nguồn thu cho các cơ sở ý tế để họ nhanh chóng nâng cao năng lực xét nghiệm, vừa để bảo vệ sức khỏe của mình và cộng đồng.

Ở nhiều quốc gia, họ bán que thử Covid cả ở siêu thị, người dân đến trung tâm y tế của nhà nước thử miễn phí, nhiều trường học phát que thử miễn phí cho học sinh, sinh viên.

Bộ Tài chính đang khuyến khích người dân góp quỹ cùng Chính phủ, người dân sẵn sàng đóng góp cho các chương trình chống dịch do Mặt trận Tổ quốc phát động, vậy làm sao lại không khuyến khích họ tự xét nghiệm để bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội? Vì lý do gì mà lo ngại người dân có “tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch”?

Theo TƯ GIANG (Vietnamnet)