Bất ngờ với con nước
Sống nhiều năm ở vùng đầu nguồn An Phú, ông Nguyễn Văn Chi (ngụ xã Nhơn Hội) hiếm khi thấy diễn biến con nước “lạ” như năm nay. “Dân gian ta có câu “tháng 7 nước nhảy khỏi bờ”, ý nói thường đến tháng 7 (âm lịch) thì nước lũ mới tràn lên ruộng. Tuy nhiên năm nay, mới giữa tháng 6 (âm lịch) nước đã “nhảy khỏi bờ”. Vùng giáp biên giới Campuchia lênh láng nước gần cả tháng nay, khiến nhiều hộ sản xuất ngoài đê bao không kịp thu hoạch lúa” - ông Chi thông tin.
Theo lão nông này, lũ năm nay có thể còn cao hơn cả năm 2011. “Tôi thấy cùng thời điểm này của năm 2011, mực nước vùng đầu nguồn cao hơn khoảng nửa thước nước. Với diễn biến mưa nhiều và nước tiếp tục lên, lũ năm nay chắc chắn sẽ lớn” - ông Chi nói thêm.
Chủ quan xuống giống 2ha lúa ngoài đê bao ở bờ Bắc kênh Vĩnh Tế, ông Trần Văn Để (xã Lạc Quới, Tri Tôn) không khỏi lo lắng. “Biết là sản xuất kiểu “ăn may” sẽ không an toàn nhưng do nhiều năm lũ nhỏ, thu hoạch kịp trước khi nước lên đồng nên bà con chủ quan. Nhớ mùa lũ năm 2011, nhiều nông dân đã bị mất trắng. Với tình hình con nước của năm nay, khả năng không bảo vệ được lúa là rất lớn” - ông Để nhận định.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn, trong diện tích 8.008ha lúa thu đông xuống giống ngoài đê, diện tích khó bảo vệ khi lũ lên nhanh chiếm khoảng 2.634ha, tập trung ở các xã: Lương An Trà, Vĩnh Phước, Vĩnh Gia và Lạc Quới. Đối với lúa hè thu ngoài đê bao, diện tích khó thu hoạch khoảng 305ha, thuộc 2 xã Vĩnh Phước và Tân Tuyến. Trước tình hình lũ lên nhanh, ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo nông dân sử dụng các giống lúa ngắn ngày, tập trung xuống giống đúng lịch thời vụ, không xuống giống những vùng không có đê bao hoặc đê bao không an toàn.
Lũ lên nhanh trên kênh Vĩnh Tế
Diễn biến bất thường
Có thể nói, diễn biến mưa bão, lũ lụt năm nay rất phức tạp. Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang Lưu Văn Ninh cho biết, chỉ từ tháng 6 đến giữa tháng 8-2018, đã xuất hiện 2 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Trong đó, bão số 3 (tên quốc tế là SON-TINH) và bão số 4 (tên quốc tế là BEBINCA) gây thiệt hại rất lớn cho vùng ven biển và đất liền nước ta.
Do ảnh hưởng lũ thượng nguồn sông Mekong về, kết hợp với các đợt triều cường, mực nước cao nhất ngày tại các trạm đầu nguồn sông Cửu Long bắt đầu lên nhanh từ giữa tháng 7 (đầu tháng 6 âm lịch). Đến cuối tháng 7, mực nước cao nhất ngày trên sông Tiền tại Tân Châu là 3,02m, trên sông Hậu tại Châu Đốc là 2,46m, ở mức xấp xỉ và cao hơn 0,15m so với cùng kỳ năm 2017. Sau đó, mực nước vẫn tiếp tục lên nhanh.
Đến ngày 18-8, mực nước tại Tân Châu ở mức 3,7m (dưới BĐ2 0,3m), tại Châu Đốc 3,23m (dưới BĐ2 0,27m); khu vực nội đồng TGLX, trên kênh Vĩnh Tế tại Xuân Tô ở mức 3,31m (dưới BĐ2 0,19m), trên kênh Tri Tôn tại Tri Tôn ở mức 1,62m (thấp hơn 0,38m so với mức BĐ1).
Ngày 15-8, vùng hạ lưu sông Hậu tại Long Xuyên ở mức 2,47m (dưới 3cm so với BĐ3), trên rạch Ông Chưởng tại Chợ Mới ở mức 2,82m (dưới 0,18m so với BĐ3). Tất cả các trạm đều ở mức cao hơn 0,2-0,7m so với cùng thời kỳ năm 2017.
Các kết quả dự báo mới nhất về hiện tượng ENSO của các cơ quan dự báo khí hậu trên thế giới cho thấy, xu hướng tăng của nhiệt độ mặt nước biển khu vực NINO3.4. Theo đó, hiện tượng ENSO được dự báo nhiều khả năng tiếp tục duy trì trạng thái trung gian từ nay cho tới khoảng tháng 10.
Từ tháng 11-2018 đến những tháng đầu năm 2019, sẽ chuyển sang trạng thái El Nino với xác suất trong khoảng 60-70%. Do vậy, nhiệt độ trung bình trong 4 tháng cuối năm 2018 phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ. Nhiệt độ cao nhất phổ biến 31-33oC, thấp nhất phổ biến trong khoảng 23-25oC.
Về tình hình mưa, tổng lượng mưa từ tháng 9 phổ biến xấp xỉ TBNN; từ tháng 10 đến tháng 12-2018, ở mức thấp hơn TBNN từ 15-30%. Thời điểm kết thúc mùa mưa có khả năng sớm hơn so với TBNN, khoảng nửa đầu tháng 11-2018. Dự báo từ tháng 9 đến hết năm 2018, có khoảng 4-6 cơn bão và ATNĐ trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng từ 2-3 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.
Về diễn biến lũ ở đầu nguồn sông Cửu Long, ông Ninh cho biết, mực nước còn ở mức cao và sẽ lên lại vào những ngày cuối tháng 8. Đỉnh lũ năm tại Tân Châu, Châu Đốc khả năng ở mức xấp xỉ BĐ2 (BĐ2 tại Tân Châu là 4m, Châu Đốc 3,5m), xuất hiện trong nửa đầu tháng 10.
Đối với khu vực nội đồng TGLX, đỉnh lũ năm có khả năng ở mức xấp xỉ mức BĐ2 (BĐ2 tại Xuân Tô 3,5m, Tri Tôn 2,4m), xuất hiện vào giữa tháng 10. Đối với vùng hạ lưu sông, triều cường sẽ lên mức cao nhất năm vào tháng 10, 11.
Khi triều cường kết hợp với lũ thượng nguồn về, mực nước cao nhất năm trên rạch Ông Chưởng tại Chợ Mới có khả năng ở mức xấp xỉ BĐ3 (3m), trên sông Hậu tại Long Xuyên cao hơn từ 0,05-0,15m so với mức BĐ3 (BĐ3 là 2,5m).
“Bên cạnh diễn biến lũ, cần đề phòng gió mạnh trong thời kỳ hoạt động mạnh của gió mùa Tây Nam (tháng 9-10) và hoạt động của gió mùa Đông Bắc vào những tháng cuối năm 2018. Ngoài ra, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác sẽ có khả năng tiếp tục xảy ra như: mưa lớn, giông, lốc…”- ông Ninh lưu ý. |
NGÔ CHUẨN