Luật Sở hữu trí tuệ góp phần thúc đẩy sáng tạo

19/06/2023 - 06:10

 - Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 có nhiều quy định mới so với luật năm 2005. Trong đó, quy định quyền đăng ký sáng chế, quyền liên quan đối với tác phẩm, tiền bản quyền...

Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 bổ sung quy định quyền đăng ký giao cho tổ chức khoa học - công nghệ chủ trì, trong đó, quy định rõ về cơ chế báo cáo, quy trách nhiệm tổ chức nghiên cứu khoa học khai thác sáng chế, cùng cơ chế phân chia lợi ích với các chủ thể liên quan. Luật bổ sung nhiều căn cứ pháp lý mới để phản đối đơn đăng ký sáng chế, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, cũng như căn cứ hủy bỏ hiệu lực bảo hộ với đối tượng sở hữu công nghiệp.

Luật sư Phan Văn Được (Đoàn Luật sư tỉnh An Giang) cho biết, đây là quy định hoàn toàn mới, quan trọng, được đồng nhất luật quốc tế, giúp cân bằng quá trình hình thành quyền, độc quyền và bảo vệ cho người đăng ký quyền tại Việt Nam.

Đáng chú ý, luật còn quy định thêm trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật mà Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 chưa quy định, như: Người khuyết tật, người nuôi dưỡng, chăm sóc cho người khuyết tật được quyền sao chép, biểu diễn, truyền đạt tác phẩm dưới định dạng bản sao dễ tiếp cận của tác phẩm khi có quyền tiếp cận hợp pháp với bản gốc hoặc bản sao tác phẩm. Quy định mới này rất nhân văn, bảo đảm tính pháp lý.

Dự triển khai quy định mới về Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022

Về tác giả, đồng tác giả, Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) năm 2022 quy định, tác giả là người trực tiếp sáng tạo tác phẩm. Trường hợp có từ 2 người trở lên trực tiếp kết hợp đóng góp sáng tạo tác phẩm hoàn chỉnh, thì những người đó là đồng tác giả. Người hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo tác phẩm không phải là tác giả, đồng tác giả. Việc thực hiện quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm có đồng tác giả, phải có sự thỏa thuận của các đồng tác giả, trừ trường hợp tác phẩm có phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập mà không làm phương hại đến phần của các đồng tác giả khác, hoặc luật khác có quy định khác. 

Lần đầu tiên luật bổ sung đưa sáng chế mật thành một chế định, tách riêng giữa sáng chế và sáng chế mật để kiểm soát. Điều này giúp phân định đối tượng không phải là sáng chế mật khó đưa ra nước ngoài. Đặc biệt, khái niệm "tiền bản quyền" chỉ áp dụng cho quyền tác giả, quyền liên quan, bao gồm cả tiền nhuận bút, tiền thù lao.

Về nhãn hiệu nổi tiếng, luật sửa đổi định nghĩa, bổ sung quy định thời điểm nhãn hiệu có trước bắt đầu nổi tiếng phải xảy ra trước ngày nộp đơn xin đăng ký để tránh cấp bảo hộ cho nhãn hiệu nổi tiếng quá rộng. Đồng thời, định nghĩa lại tác phẩm phái sinh, trong đó, quy định mới theo hướng mở rộng.

Luật xây dựng cơ chế mới cho phép bên thứ ba phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp. Đây là điểm mới dẫn tới sự tồn tại song song giữa 2 cơ chế: Ý kiến phản đối của người thứ 3 với đơn ký kiểu dáng công nghiệp và một kênh phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp. Luật lần đầu quy định về cơ chế quy trách nhiệm/miễn trách nhiệm pháp lý với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường Internet.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định, năm 2023, bộ tiếp tục hoàn thiện, đổi mới cơ chế, chính sách liên quan đến khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; bảo hộ, thực thi phát triển và khai thác tài sản trí tuệ.

Năm qua, bộ tiếp nhận 119.605 đơn sở hữu công nghiệp, trong đó: 78.480 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 4% so năm 2021); xử lý 116.847 đơn các loại, trong đó 70.431 đơn đăng ký xác lập quyền (giảm 6% so năm 2021); cấp 43.970 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp (tăng 12,6% so năm 2021).

Luật gia Trần Bửu Tài (Ủy viên thư ký Hội Luật gia tỉnh) thông tin, những điểm mới thể hiện đầy đủ, rõ ràng sát với thực tiễn, trong đó có các chế định liên quan vấn đề đăng ký nhóm sáng tạo kỹ thuật, cơ quan chủ trì hoạt động nghiên cứu. Điều này góp phần thúc đẩy sáng tạo, tăng tỷ lệ số đơn đăng ký sáng chế vốn chưa nhiều, nhất là ở địa phương. Đặc biệt, luật sửa đổi, bổ sung lần này đóng góp lớn vào việc giải quyết lợi ích giữa các chủ thể quyền, đối thủ cạnh tranh như cơ chế hết quyền với quyền phân phối bản gốc hoặc bản sao, quy định giải quyết bài toán giữa Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Cạnh tranh.

Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành năm 2005, có hiệu lực năm 2006. Đến nay, luật đã qua 3 lần sửa đổi, bổ sung (vào năm 2009, 2019 và 2022). Các nội dung sửa đổi, bổ sung năm 2022 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022

 

N.R