'Lực đẩy' nào cho tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm?

18/05/2022 - 08:25

Những tháng đầu năm nay nhờ kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, mở cửa dần nền kinh tế, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt vấn đề lạm phát… đã giúp nền kinh tế đạt được một số kết quả tích cực. Mặc dù vậy, những tháng cuối năm vẫn còn nhiều trở ngại đến quá trình phục hồi của nền kinh tế.

Sản xuất ngành dệt may xuất khẩu sang châu Âu. Ảnh: Đỗ Phương Anh/TTXVN

Để tìm hiểu rõ hơn về các trở ngại cũng như các giải pháp gỡ khó cho quá trình phục hồi kinh tế, phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với TS Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Những tháng đầu năm nay kinh tế Việt Nam đã có một số kết quả tích cực. Theo ông, đâu sẽ là "lực đẩy" cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm?

Với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế để không "lỡ nhịp" với đà phục hồi của kinh tế thế giới, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành Chương trình phục hồi kinh tế 2022-2023. Một số chính sách đã được thực thi ngay trong Quý I/2022. Đặc biệt, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn đang kiểm soát tương đối tốt vấn đề lạm phát mặc dù có dấu hiệu và áp lực gia tăng chi phí sản xuất do lạm phát toàn cầu và giá cả nguyên, nhiên vật liệu  thế giới tăng mạnh. Kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, mở cửa dần nền kinh tế, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt vấn đề lạm phát… đã giúp nền kinh tế đạt được một số kết quả tích cực trong những tháng đầu năm.

Trong thời gian còn lại của năm 2022, nhiều yếu tố sẽ hỗ trợ tích cực cho quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Theo tôi trước hết đó là chính sách mở cửa nền kinh tế, đặc biệt là sự mở cửa hoàn toàn từ 15/3/2021 là điều kiện cơ sở cho quá trình phục hồi. Tỷ lệ tiêm chủng cao cho phép chính phủ gỡ bỏ các biện pháp kiềm chế đại dịch nghiêm ngặt, gây gián đoạn.

Thứ hai, sự phục hồi của thị trường lao động là điều kiện quan trọng cho phục hồi sản xuất, đặc biệt là tại các trung tâm kinh tế, công nghiệp lớn nhất cả nước – nơi vốn bị tổn hại nặng nề và thiếu hụt lao động nghiêm trọng sau làn sóng dịch thứ 4 trong năm 2021. Thị trường lao động phục hồi và các biện pháp kích cầu khác sẽ thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp ở mức 9,5% vào năm 2022 theo dự báo, đóng góp 3,6 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP.

Thứ ba, cộng hưởng với tác động của Chương trình phục hồi kinh tế. Các gói kích cầu nhằm hỗ trợ phục hồi tăng trưởng sẽ như một "cú huých" tới tăng trưởng kinh tế thời gian tới.

Thứ tư, khu vực ngoại thương (xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài) vẫn được kì vọng tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2022. Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ lĩnh vực xuất khẩu nhờ vào việc thực hiện các hiệp định thương mại quan trọng, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn duy trì tăng trưởng cao và dòng chảy du lịch đang dần nối lại từ năm 2022.

Và cuối cùng là xu hướng phục hồi của cầu trong nước.

Theo ông, rủi ro, trở ngại chính đối với quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế là gì?

Theo tôi, quá trình phục hồi của kinh tế Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với một số rủi ro, trở ngại chính:

Thứ nhất, các rủi ro từ đại dịch, nguy cơ xuất hiện biến chủng mới mặc dù những diễn biến gần đây cho thấy sự cải thiện trong kiểm soát dịch bệnh toàn cầu. Đặc biệt, chiến dịch "Zero COVID" có thể gây căng thẳng cho nền kinh tế Trung Quốc, qua đó có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam.

Thứ hai, áp lực lạm phát và chi phí sản xuất đang tăng lên rất mạnh.

Thứ ba, rủi ro từ xung đột Nga - Ukraine. Mặc dù các tác động trực tiếp không quá lớn do quan hệ thương mại và đầu tư song phương giữa hai quốc gia này với Việt Nam khá nhỏ, nhưng các tác động gián tiếp là tương đối lớn.

Thứ tư, sự chậm lại của kinh tế toàn cầu và các nền kinh tế kinh tế đối tác quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là Trung Quốc trong bối cảnh nước này vẫn tiếp tục chính sách "zero COVID" với các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt.

Thứ năm, sự lệch pha trong chính sách kích thích kinh tế của Việt Nam so với xu hướng chung toàn cầu có thể làm giảm hiệu quả tác động của các chính sách kích thích kinh tế mà Việt Nam đang kì vọng.

Thứ sáu, các rủi ro liên quan đến sự kém hiệu quả trong thực thi các chính sách kích thích kinh tế. Sự thiếu nhất quán trong việc áp dụng các chính sách hoặc hoạt động điều hành kinh tế có thể gây nản lòng doanh nghiệp và mất niềm tin của các nhà đầu tư.

Cuối cùng, hiện nay, vẫn có những lúng túng nhất định trong việc triển khai các gói kích thích phục hồi kinh tế.

Ông có khuyến nghị chính sách gì để kinh tế tăng trưởng như kỳ vọng trong nửa cuối năm 2022?

Tôi cho rằngViệt Nam cần đặc biệt chú ý về nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài. Lạm phát thấp hiện nay ở trong nước một phần vì cầu tiêu dùng thấp. Lạm phát do chi phí đẩy cần sớm được đánh giá chính thức của Chính phủ và nhất là khả năng lạm phát trong các quý tiếp trong năm 2022, do ảnh hưởng của chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nhập khẩu tới lạm phát để có biện pháp kiểm soát giúp hạn chế tác động tiêu cực tới người tiêu dùng trong nước. Đặc biệt, cần nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối phó trường hợp giá xăng dầu khi giá thế giới biến động lớn, cũng như hoãn/giãn việc tăng các sắc thuế/phí nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác.

Chúng ta cũng cần tập trung vào xây dựng các thể chế và chính sách hỗ trợ thúc đẩy đầu tư và liên kết đầu tư giữa các thành phần kinh tế, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Không giống như năm 2020, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã sụt giảm và quy mô dự án cũng nhỏ hơn cho thấy một ngụ ý khá quan trọng, đó là trong bối cảnh COVID-19 hiện nay, Việt Nam khó tận dụng được xu hướng dịch chuyển chuỗi. Vấn đề không nằm ở cơ hội bên ngoài, mà là nội lực bên trong. Cải thiện năng lực nội tại, nhất là mặt bằng và lao động kỹ năng cần được đặc biệt chú ý trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, cần quyết liệt và nhanh hơn các gói kích thích kinh tế đã được thông qua trong Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, bên cạnh gói đầu tư cơ sở hạ tầng thì các gói cho vay hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ xây nhà ở xã hội cho người lao động, các biện pháp miễn giảm thuế/phí cho nhóm đối tượng cụ thể, cần được đẩy mạnh hơn nữa.

Ngoài ra, cần tiếp tục có những cải cách đột phá về thể chế nhằm thúc đẩy hoàn thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh bình đẳng, tiến tới nền kinh tế thị trường đầy đủ. Đặc biệt là quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mô hình kinh doanh mới, sáng tạo, dựa trên ứng dụng nền tảng số và không gian số.

Xin cảm ơn ông!

Theo QUỐC HUY (TTXVN)