Lực lượng công an thần tốc thu giữ hồ sơ, tài liệu của địch trong mùa Xuân đại thắng

30/04/2020 - 08:47

Tập trung cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, thực hiện phương châm "an ninh đi trước một bước", lãnh đạo Bộ Công an đã gấp rút chỉ đạo chi viện cán bộ, trang bị vũ khí, phương tiện nghiệp vụ cho An ninh miền nam; chỉ đạo Ban Nghiên cứu miền nam khẩn trương tổng kết, đề xuất các phương án tấn công, chiếm lĩnh các mục tiêu quan trọng; đề nghị T.Ư Ðảng ban hành Chỉ thị số 218/CT-TW và Chỉ thị số 219/CT-TW về đấu tranh chống phản cách mạng, quản lý an ninh, trật tự vùng mới giải phóng. Lãnh đạo Bộ cử đoàn cán bộ đặc biệt do Thứ trưởng Viễn Chi làm Trưởng đoàn cấp tốc vào Ban An ninh T.Ư Cục trao đổi kinh nghiệm của an ninh Huế, Ðà Nẵng tham gia chiếm lĩnh và quản lý đô thị.

Cán bộ, chiến sĩ Cục Hồ sơ tổ chức phân loại, khai thác hồ sơ thu được của Mỹ - ngụy, phục vụ công tác bóc gỡ mạng lưới cũ của địch sau ngày 30-4-1975.

Xác định việc thu giữ hồ sơ tài liệu của địch là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của lực lượng CAND trong đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, do đó công tác chiếm lĩnh, thu hồi hồ sơ địch đặt trong tình trạng cực kỳ khẩn trương và cấp bách. Trong các mũi tiến công, lực lượng công an nhanh chóng chiếm lĩnh các cơ quan đầu não của chính quyền ngụy; các cơ quan tình báo CIA, an ninh quân đội, ty cảnh sát, nhà giam, ngân khố và các đồn cảnh sát của địch ở các tỉnh, thành phố; kịp thời, nhanh chóng thu giữ, bảo quản hồ sơ tài liệu không để địch kịp phản ứng, phá hủy, thiêu hủy.

Ngày 10-3-1975, tại thị xã Buôn Mê Thuột, Ban An ninh tỉnh do các đồng chí Y Ny, Y Ngoan và Lê Tiến Tiếu phụ trách đã tiến công chiếm lĩnh cơ quan tình báo CIA, ty cảnh sát, nhà giam, ngân khố và nhiều đồn cảnh sát, thu toàn bộ hồ sơ, tài liệu của địch an toàn. Ngày 29-3-1975, cuộc tiến công và nổi dậy của quân và dân ta vào Ðà Nẵng đã kết thúc thắng lợi, căn cứ liên hợp quân sự lớn thứ 2 của Mỹ - ngụy ở miền nam bị đánh chiếm, lực lượng an ninh Quảng Ðà đã thu giữ được số lượng lớn hồ sơ của địch, bao gồm hồ sơ của các cơ quan cảnh sát vùng I chiến thuật và các cơ quan đàn áp của Mỹ - ngụy Ðầu tháng 4-1975 ta giải phóng Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hoà, Tuyên Ðức, Lâm Ðồng. Ngay sau khi được giải phóng, lực lượng an ninh các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung Trung Bộ ổn định đời sống nhân dân, truy quét tàn binh địch, kêu gọi đối tượng ra trình diện nộp vũ khí, thu giữ và bảo vệ nghiêm ngặt hồ sơ tài liệu và các phương tiện chiến tranh do địch bỏ lại.

Ðặc biệt, chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn rất quan tâm tới công tác chiếm lĩnh, bảo quản hồ sơ của chế độ Việt Nam Cộng hòa để phục vụ cho công tác lâu dài. Ðồng chí Bộ trưởng gửi mật điện cho Ban An ninh T.Ư Cục chỉ đạo lực lượng an ninh miền nam đánh chiếm đến đâu phải thu giữ, bảo quản hồ sơ tài liệu đến đó. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng đã cử nhiều đoàn cán bộ hồ sơ từ miền bắc vào vùng mới giải phóng tham mưu cho các cấp lãnh đạo khẩn trương thu giữ hồ sơ địch bỏ lại trong quá trình rút chạy và hướng dẫn công tác bảo quản hồ sơ, tài liệu kịp thời phục vụ cho công tác đánh địch sau này. Từ tháng 2-1975, cử Ðoàn cán bộ gồm chín đồng chí thuộc Cục Hồ sơ do đồng chí Lê Thạch, Phó Trưởng phòng Lưu trữ làm Trưởng đoàn, theo Ðoàn 559 tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh vào giải phóng Sài Gòn - Gia Ðịnh. Chín cán bộ được cử vào Ðặc khu Sài Gòn - Gia Ðịnh hướng dẫn công tác thu hồi tài liệu địch, gồm: Lê Thạch, Lê Ðình Hòe, Ngô Quang Ðạt, Phan Ðăng Quánh, Nguyễn Văn Hường, Nguyễn Công Thọ, Phạm Văn Chiến, Nguyễn Ðăng Hải và Vũ Văn Hảo.

Hòa nhịp với khí thế thần tốc giải phóng miền nam, Ban An ninh khu, tỉnh, thành phố miền nam huy động hơn 13.000 cán bộ, chiến sĩ an ninh hướng ra mặt trận. Ðối với chiến dịch giải phóng thành phố Sài Gòn - Gia Ðịnh, Ban An ninh T.Ư Cục và Ðặc khu Sài Gòn - Gia Ðịnh đã điều động gần 1.500 cán bộ, chiến sĩ an ninh và khoảng 1.000 cơ sở hoạt động tại nội thành sẵn sàng phối hợp lực lượng quân sự và quần chúng tiến công nổi dậy.

Phục vụ cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, Ban An ninh T.Ư Cục chia làm hai bộ phận: Bộ phận bảo vệ căn cứ do đồng chí Lâm Văn Thê, Phó Trưởng ban An ninh T.Ư Cục phụ trách; bộ phận tiền phương do đồng chí Cao Ðăng Chiếm, Phó Trưởng ban An ninh T.Ư Cục phụ trách. Thực hiện Chỉ thị số 06/CT-75 ngày 10-4-1975 của Thường vụ T.Ư Cục về việc chiếm lĩnh và tiếp quản Sài Gòn - Gia Ðịnh, đồng chí Cao Ðăng Chiếm, Phó Trưởng ban An ninh T.Ư Cục được chỉ định làm Phó Chủ tịch Ủy ban Quân quản phụ trách an ninh nội chính. Tiểu ban An ninh nội chính do đồng chí Nguyễn Hoàng (Hai An) làm Trưởng tiểu ban, các đồng chí Bùi Thiện Ngộ, Ngô Quang Nghĩa, Cao Ðức Hoàn, Nguyễn Văn Huấn làm Phó tiểu ban đồng thời trực tiếp tham gia bộ phận tiền phương và chỉ đạo chiến dịch. Ngay sau khi thành lập, Ban An ninh T.Ư Cục và Tiểu ban An ninh nội chính đã tổ chức nhiều cuộc họp xây dựng kế hoạch và phương án tiến công chiếm lĩnh thành phố Sài Gòn - Gia Ðịnh; hướng dẫn kế hoạch giải phóng cho an ninh các khu, tỉnh miền nam và nhấn mạnh các vấn đề: tập trung truy quét, kêu gọi trình diện, phát động quần chúng tham gia quản lý thành phố, thị xã, đặc biệt bảo vệ cho được tài liệu địch, cơ sở điện nước, kho bạc…

Sáng 30-4-1975, quân ta từ bốn hướng đồng loạt tiến công vào nội đô Sài Gòn - Gia Ðịnh. Trên các mũi tiến công, lực lượng Ban An ninh T.Ư Cục và An ninh T4 đã tham gia tích cực mở đường, kết hợp tiến công từ ngoài, với sự nổi dậy từ bên trong góp phần đập tan mọi sự phản kháng của địch. Mũi tiến công của An ninh T4 chiếm lĩnh Bộ tư lệnh Cảnh sát quốc gia nguỵ được cơ sở nội tuyến hướng dẫn, vào lúc 9 giờ 30 phút, đã chiếm giữ khu lưu trữ hồ sơ, khu Cảnh sát đặc biệt, khu truyền tin, khu căn cước, kho tàng; 10 giờ, chiếm lĩnh các vị trí trọng yếu tại Bộ Chỉ huy cảnh sát đô thành. Cùng thời điểm, An ninh T4 hoạt động nội thành đã huy động quần chúng ở nhiều khu vực nổi dậy giành chính quyền, đồng thời vào chiếm lĩnh, bảo vệ máy móc, hồ sơ tài liệu ở: Ðài phát thanh Sài Gòn, Ðài phát tín Sài Gòn, Bộ Thông tin chiêu hồi, Bộ Tài chính, Nhà Viễn thông, Nhà Ðiện toán, Xưởng dệt Vimytex, Chi khu Cảnh sát Tân Bình, Ty Cảnh sát Gia Ðịnh… Ðúng 5 giờ sáng 1-5-1975, Ðoàn cán bộ Tiểu ban Quân quản của An ninh miền nam tiến vào Bộ Tư lệnh Cảnh sát quốc gia nguỵ. Theo sự phân công, từng nhóm cán bộ khẩn trương chiếm lĩnh, bảo vệ các khối công tác và các Trung tâm thẩm vấn, kỹ thuật, hồ sơ, căn cước... của địch. Tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát quốc gia nguỵ và các trung tâm mật vụ, tình báo ở Sài Gòn, lực lượng an ninh đã thu được hầu như nguyên vẹn hồ sơ tài liệu của Mỹ - ngụy.

Từ ngày 30-4 đến 2-5-1975, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các đảo Phú Quốc, Côn Ðảo lần lượt được giải phóng và do có sự chỉ đạo kịp thời cho nên đã hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng phá hủy hồ sơ của địch. Lực lượng an ninh các địa phương đã chủ động bảo vệ, quản lý hồ sơ tài liệu thu được; được Cục Hồ sơ hướng dẫn, có kế hoạch phân loại, chỉnh lý, khai thác kịp thời, phục vụ truy bắt bọn tàn quân, những tên ác ôn còn lẩn trốn.

Ngay sau đó, Ban An ninh T.Ư Cục, Ðoàn công tác hồ sơ của Bộ đã nhanh chóng phân công cán bộ nắm tình hình, quản lý, thu hồi ngay hồ sơ của các cơ quan đặc biệt Mỹ - ngụy ở cấp trung ương, các vùng chiến thuật; đồng thời, cử cán bộ đến Ban An ninh Sài Gòn - Gia Ðịnh, Ban An ninh Cần Thơ để hướng dẫn chỉ đạo công tác hồ sơ mà đặc biệt là công tác thu hồi, khai thác, sử dụng ngay hồ sơ tài liệu địch, phục vụ kịp thời các mặt công tác. Ở các thành phố mới giải phóng, mặc dù tình hình an ninh rất phức tạp, các đoàn công tác của Cục Hồ sơ đã làm việc không kể ngày đêm, tích cực truy tìm, thu hồi được một khối lượng rất lớn hồ sơ, tài liệu, quản lý và khai thác ngay những hồ sơ quan trọng, phục vụ công tác truy quét địch, thí dụ như: Ðà Nẵng: thu hồi được 230 m3 hồ sơ tài liệu; Quảng Nam: 80m3; Quảng Tín: 70 m3; Lâm Ðồng: gần 100 m3; Tây Ninh: hơn 130 m3; Phú Khánh: 400 m3; Sài Gòn: 1.529 m3…. Tổng khối lượng hồ sơ, tài liệu thu được của địch khoảng 8.114,5 m3 hồ sơ (1) (gồm hồ sơ cá nhân, chuyên đề, vụ việc...), và đây quả là một thành tích rất lớn của ngành công an.

HẬN thức tầm quan trọng của hồ sơ, tài liệu phục vụ cho công tác an ninh trước mắt cũng như lâu dài, ngày 19-5-1975, Bộ Công an đề xuất Ban Ðại diện Ðảng tại miền nam ra Thông tư số 424/ÐD gửi các cấp ủy đảng thuộc các tỉnh, thành phố, Quân khu 7, Quân khu 9 và Bộ Tổng tham mưu tiền phương, trong đó quy định: ‘’Toàn bộ hồ sơ thẩm vấn, đầu hàng, chiêu hồi, an ninh, tình báo, cảnh sát và những tài liệu có liên quan đến công tác bảo vệ an ninh quốc gia giao cho Bộ Công an quản lý nhằm lưu giữ thống nhất, bí mật và sử dụng có hiệu quả trong công tác an ninh’’. Thông tư nhắc nhở các cơ quan, đơn vị phải chú trọng kiểm tra, tăng cường các biện pháp bảo vệ, bảo quản, ngăn chặn mọi sự tiêu hủy, phá hoại hồ sơ tài liệu thu được.

Trên cơ sở đó, tháng 6-1975, lãnh đạo Bộ Công an đã cử 20 cán bộ nghiệp vụ của Cục Hồ sơ, kết hợp 180 học viên lớp D2, Trường sĩ quan An ninh (nay là Học viện An ninh nhân dân) đến bảy địa phương, đơn vị, gồm: Trị Thiên - Huế, Ðà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Ðắk Lắk, Sài Gòn và Tổng nha Cảnh sát ngụy để giúp triển khai thu hồi, quản lý, thống kê, chỉnh lý, phân loại và khai thác hồ sơ tài liệu thu được, bước đầu phục vụ có hiệu quả công tác phát hiện, truy kích những đối tượng nguy hiểm còn lẩn trốn. Ðồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn công an các địa phương phía nam kịp thời thu giữ, quản lý, phân loại, chỉnh lý và khai thác hồ sơ tài liệu của địch bằng các nguồn, các biện pháp theo tinh thần Thông tư số 424/ÐD của Ban Ðại diện Ðảng tại miền nam.

(1) Bộ Công an - Cục Hồ sơ nghiệp vụ an ninh, Lịch sử lực lượng hồ sơ nghiệp vụ an ninh (1957-2007), Nxb CAND, Hà Nội 2007, tr.116.

LƯU THỊ BÍCH NGỌC

(Viện Lịch sử công an)

Theo Báo Nhân Dân