APG, AAE-1 và IA là 3 tuyến cáp quang biển quốc tế gặp sự cố trong năm 2024, gây ảnh hưởng nhất định đến chất lượng kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế.
Cụ thể, 3 tuyến cáp đã lần lượt gặp sự cố vào các ngày 15/3, 23/5 và 13/6, với tổng số 8 nhánh cáp bị lỗi, gồm 4 nhánh của tuyến APG, 2 nhánh của tuyến AAE-1 và 2 nhánh cáp trên tuyến IA.
Thời gian qua, để đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp tới khách hàng, các nhà mạng đều đã chuyển dung lượng sang các hướng cáp khác.
Thông tin với phóng viên VietNamNet vào ngày 31/10, đại diện một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam cho hay, kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế chưa thể khôi phục hoàn toàn trong tháng 10 như kế hoạch đã thông báo.
Bởi lẽ, ngoài tuyến cáp biển IA đã khôi phục hoàn toàn dung lượng kết nối trên tuyến từ cuối tháng 9/2024, sau khi hoàn thành sửa chữa các lỗi trên 2 nhánh S1 và S5; mới chỉ có thêm tuyến cáp biển APG khắc phục xong các sự cố.
Riêng với tuyến cáp AAE-1, thời gian khắc phục lỗi rò nguồn xảy ra trên nhánh S1H5 đã bị lùi sang cuối tháng 11, thay vì được sửa xong ngay trong tháng 10.
Theo tiến độ khắc phục các sự cố cáp biển mới cập nhật, dự kiến các nhà mạng trong nước sẽ còn phải đợi thêm 1 tháng để dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế được khôi phục 100%, với cả 5 tuyến cáp biển AAG, APG, AAE-1, IA và SMW3 hoạt động bình thường.
Theo Cục Viễn thông, các nhà mạng Việt Nam đang đầu tư, khai thác 5 tuyến cáp quang biển quốc tế với tổng dung lượng khả dụng 34Tbps, và đều kết nối ra phía Đông.
Theo kế hoạch, dự kiến trong quý 1/2025, 2 tuyến cáp quang biển mới có nhà mạng Việt Nam tham gia đầu tư là SJC2, ADC sẽ được đưa vào vận hành.
Thống kê cũng cho thấy, tần suất gặp sự cố của 5 tuyến cáp biển mà các nhà mạng Việt Nam sử dụng là khoảng 15 sự cố/năm, với thời gian sửa chữa mỗi sự cố từ 1 - 3 tháng.
Đáng chú ý, đã có thời điểm Việt Nam gặp sự cố trên cả 5 tuyến cáp, mất 60% dung lượng kết nối quốc tế trong gần 2 tháng.
Nâng cao tính bền vững của hạ tầng Internet quốc tế
Trên cơ sở nhận thức rõ tầm quan trọng của hệ thống cáp quang quốc tế - một thành phần quan trọng của hạ tầng số Việt Nam, qua đánh giá thực trạng trong nước và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, Bộ TT&TT đã xây dựng và ban hành ‘Chiến lược phát triển hệ thống cáp quang quốc tế của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035’.
Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đưa vào hoạt động thêm tối thiểu 10 tuyến cáp quang biển mới, nâng tổng số tuyến cáp quang biển của Việt Nam lên tối thiểu 15 tuyến.
‘Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030’ được phê duyệt ngày 9/10 cũng đã xác định rõ, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là nghiên cứu, đầu tư tối thiểu 2 tuyến cáp quang biển do Việt Nam làm chủ.
Đánh giá cao định hướng của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT, về phát triển hạ tầng số Việt Nam nói chung và hệ thống cáp quang quốc tế biển nói riêng, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam - VIA cho rằng: Các chiến lược này là một căn cứ quan trọng để các nhà mạng xây dựng định hướng phát triển thời gian tới.
Nói về định hướng mở rộng hướng, tuyến cáp biển xuống cả phía Nam và Tây Nam, thay vì đều kết nối ra phía Đông như hiện nay, đại diện VIA phân tích: Lưu lượng Internet và các hệ thống cáp kết nối hiện đã được phân tán ra Singapore và các điểm ở phía Nam, trong khu vực ASEAN.
Cùng với đó, các trung tâm dữ liệu - nơi chứa nội dung và ứng dụng, cũng đã và đang được xây dựng, vận hành nhiều hơn ở các nước ASEAN.
“Vì thế, chúng tôi cho rằng định hướng phát triển các tuyến cáp quốc tế xuống phía Nam và Tây Nam là hợp lý. Hệ thống hạ tầng kết nối quốc tế, cùng với các dịch chuyển quan trọng khác về trung tâm dữ liệu, đầu tư nước ngoài, sẽ giúp Việt Nam hình dung rõ hơn về khả năng trở thành một Digital Hub mới trong khu vực”, ông Vũ Thế Bình nêu quan điểm.