Lung linh 2 tiếng “Gia đình”

28/06/2024 - 19:25

 - Gia đình là tế bào xã hội. Gia đình có hòa thuận, bình an, hạnh phúc thì xã hội mới phồn vinh, phát triển bền vững. Gia đình có phát triển thì xã hội mới phát triển và ngược lại.

Cùng “giữ lửa” yêu thương

Kỷ niệm 23 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001- 28/6/2024) với chủ đề: “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng”, đề cao vai trò của gia đình đối với việc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Ngày Gia đình Việt Nam là sự kiện văn hóa lớn, nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, là dịp để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Đây cũng là ngày mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ và những người không có bố mẹ, vợ chồng phải hiểu được giá trị mái ấm và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc.

Ngày Gia đình Việt Nam còn là dịp để những con người đất Việt hướng về cội nguồn, về người thân, qua đó nuôi dưỡng những tình cảm đẹp, những giá trị văn hóa cao quý của dân tộc. Cho dù có đi đâu, làm gì, gia đình vẫn là nơi để nhớ, để yêu thương và quay về...

Các gia đình thể hiện phần thi Cả nhà duyên dáng

Cùng với cả nước, An Giang luôn chú trọng xây dựng gia đình văn hóa; triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030… Hàng năm, các hội nghị biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu, liên hoan tôn vinh gia đình hạnh phúc, các hoạt động văn hóa - văn nghệ... được các cấp, ngành phối hợp tổ chức nhằm tôn vinh, đề cao các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam; cùng với phong trào xây dựng gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến. Đồng thời, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức về phòng, chống bạo lực gia đình…    

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang, các địa phương tổ chức nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ hội viên xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Bên cạnh đó, công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình được đưa vào hương ước, quy ước của các tổ dân phố văn hóa, xã, ấp văn hóa. Nhiều mô hình thiết thực được duy trì và nhân rộng, như: Phòng, chống mua bán người; tổ phòng, chống tệ nạn xã hội; tổ trợ giúp pháp lý; tổ nuôi con khỏe, dạy con tốt; tổ không có người thân vi phạm pháp luật; câu lạc bộ hỗ trợ trẻ em phát triển toàn diện...

Xây dựng tổ ấm, lan tỏa yêu thương

Điểm nhấn năm nay, các địa phương tổ chức liên hoan gia đình hạnh phúc tiêu biểu, kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam. Tại liên hoan, các gia đình tiêu biểu đã giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con thành đạt, gia đình vượt khó vươn lên trong cuộc sống; kinh nghiệm về kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình không có bạo lực, không tệ nạn xã hội, bí quyết giữ hòa khí gia đình hạnh phúc, no ấm, tiến bộ, văn minh.

Lãnh đạo chính quyền địa phương và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang ghi nhận, biểu dương những thành tích các gia đình đạt được. Qua đó, mong muốn thời gian tới, địa phương tiếp tục quan tâm đến công tác gia đình, tuyên truyền, vận động xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; phát huy truyền thống ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền, nêu gương mẫu mực trong gia đình và ngoài xã hội, chấp hành pháp luật, thực hiện an toàn giao thông, chống bạo hành, bạo lực trong gia đình. Đồng thời, thực hiện tốt các cuộc vận động, gắn với thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia; nâng cao chất lượng sinh hoạt các câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, phòng chống bạo lực gia đình...

Ban chỉ đạo công tác gia đình và phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa các địa phương chú trọng lãnh, chỉ đạo nhiều nhiệm vụ, giải pháp trong công tác gia đình. Qua đó, góp phần giúp các gia đình giải quyết những khó khăn, thách thức trong cuộc sống, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thực hiện nếp sống văn minh, tăng cường bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phụng dưỡng người già, phòng chống tệ nạn xã hội... Từ đó, xuất hiện nhiều gương người tốt, việc tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi con ăn học thành tài, gia đình “5 không, 3 sạch”, gia đình văn hóa, gia đình hiếu học...

Chị Võ Thị Kiều Ngân (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) hạnh phúc chia sẻ: “Em làm nghề trang điểm và bán hàng online, chồng làm nông. Vợ chồng trẻ luôn tôn trọng, thương yêu nhau, cùng có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng các con chăm ngoan”. Chị Ngân chia sẻ bí quyết “giữ lửa” hạnh phúc của gia đình là vợ chồng phải hiểu, thông cảm, chia sẻ và nhường nhịn nhau, chuyên tâm phát triển kinh tế, chăm lo cho con, thì cả nhà sẽ vui vẻ, đầm ấm.

Bà Nguyễn Thị Kim Loan (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Để giữ gìn hạnh phúc gia đình, phụ nữ phải là người giữ lửa cho gia đình,  “Chồng giận thì vợ bớt lời - Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê”. Câu nói này đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Cha mẹ nhường nhịn nhau để làm gương cho con cháu, để gia đình luôn hạnh phúc. Đặc biệt, phải chăm lo cho con cái học hành thành đạt, có việc làm ổn định, chí thú làm ăn; kinh tế từng gia đình phát triển, góp phần xây dựng xã hội phồn vinh”.

HẠNH CHÂU