Một góc tòa nhà 61 Trần Phú (Ảnh: VOV).
Công trình được các chuyên gia đánh giá là một cấu trúc công nghiệp mang dấu ấn kiến trúc hiện đại đầu thế kỷ 20 hiếm hoi còn lại nguyên vẹn ở Hà Nội tính đến thời điểm hiện tại. Đặc biệt, trên một bức tường của dãy nhà vẫn còn bức phù điêu đắp nổi hình ảnh dân quân tự vệ bảo vệ Hà Nội thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Được biết cũng tại địa điểm này, bộ đội cùng dân quân tự vệ Thủ đô đã bắn rơi máy bay Mỹ vào đúng Ngày sinh nhật Bác 19/5/1967. 55 năm đã trôi qua, dấu tích về một quá khứ hào hùng đang có nguy cơ biến mất.
Trước đó một số công trình mang dấu tích lịch sử, văn hóa, từng gắn bó máu thịt với nhiều thế hệ người Hà Nội cũng đã bị tháo dỡ để rồi những ai nặng lòng với quá khứ chỉ có thể nhắc nhớ lại ngày tháng cũ bằng cách ngắm nhìn những tấm hình đã ố mầu trong các album ảnh gia đình, kể lại cho nhau nghe câu chuyện thuở trước trong dòng hồi tưởng xốn xang. Nhưng còn ngày mai, và nhiều năm sau nữa, ai sẽ còn nhớ và tiếp tục kể những câu chuyện của quá khứ cho các thế hệ sau?
Vẫn biết công cuộc chỉnh trang, điều chỉnh quy hoạch, kiến thiết một đô thị hiện đại đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của xã hội là một yêu cầu tất yếu. Vấn đề là làm sao giải được bài toán giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị phù hợp với những tiêu chuẩn chung của khu vực và thế giới. Rõ ràng khó có thể giữ lại những công trình dù mang đậm dấu ấn của lịch sử, văn hóa nhưng nay đã xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến mỹ quan chung, thậm chí có thể đe dọa an toàn tính mạng của người dân.
Để quy hoạch lại diện mạo của đô thị, không thể không di dời, tháo dỡ những công trình không còn phù hợp, thay thế bằng những hạng mục mới tối ưu hơn.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, những công trình mang dấu tích văn hóa, lịch sử của một vùng đất nếu bị phá bỏ đồng nghĩa với nguy cơ “đánh mất ký ức”. Đô thị có thể được quy hoạch khang trang, tiện nghi nhưng nếu không có cách ứng xử phù hợp, thì rất có thể cũng sẽ tự mình đánh mất những di sản vô giá được trao truyền qua nhiều thế hệ, mà một khi đã mất đi là không cách nào có thể lấy lại. Đây là thách thức chung trong sự phát triển của các đô thị trên thế giới cũng như ở Việt Nam.
Nhiều năm qua, vấn đề bảo tồn, gìn giữ “ký ức đô thị” thu hút sự quan tâm rất lớn của các nhà quản lý, kiến trúc sư, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử,... Và ngay cả cộng đồng dân cư cũng không chấp nhận việc đứng ngoài cuộc, bởi với họ, đô thị còn cất giữ cho họ những năm tháng thanh xuân, chứng kiến sự khôn lớn, trưởng thành của mỗi người.
Những ngõ phố, những công trình, địa chỉ,... neo lại trong ký ức của mỗi người, theo họ qua tháng năm, bồi đắp cho họ những giá trị tinh thần không gì có thể đánh đổi được. Việc thay đổi, cải tạo, hay phá dỡ một công trình gắn với quá khứ, khiến họ thấy mình có một phần trách nhiệm trong đó. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để di sản ấy vẫn có thể phát huy vai trò trong hiện tại và tương lai? Liệu có thể xây dựng một không gian sáng tạo cho các di sản, phát triển thị trường cho ngành công nghiệp văn hóa?
Thiết nghĩ để giữ lại những ký ức cho đô thị, rất cần sự lắng nghe. Lắng nghe từ các cơ quan chức năng có liên quan. Lắng nghe từ giới chuyên môn. Và lắng nghe dân. Bởi ký ức đô thị là ký ức của cả cộng đồng, là tài sản của cả cộng đồng, vậy nên mọi sự can thiệp cần phải trên cơ sở lắng nghe từ đó điều chỉnh hài hòa mọi nhu cầu, lợi ích, để tìm ra giải pháp tối ưu. Đó mới là con đường của sự phát triển bền vững.
Theo PHONG ĐIỆP (Nhân Dân)