Lưu ý xuất khẩu thị trường Trung Quốc

25/11/2021 - 05:40

 - Trung Quốc vẫn là thị trường rộng lớn, nhiều tiềm năng nhưng không còn “dễ tính” như trước đây. Với nhiều chính sách, quy định, tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật về nhập khẩu hàng hóa chặt chẽ, xuất khẩu vào Trung Quốc khó hơn, nhưng có thể nâng cao giá trị nếu tiếp cận được vào giới tiêu dùng nhiều tiền hơn.

An Giang thu hút doanh nghiệp liên kết xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng để xuất khẩu trái cây, trong đó có thị trường Trung Quốc

Xuất khẩu liên tục tăng

Theo Hải quan Việt Nam, từ năm 2016 đến nay, quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc có bước phát triển mạnh mẽ, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc liên tục tăng. Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ). Nếu như năm 2016, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 21,96 tỷ USD thì đến năm 2020, đạt 49 tỷ USD (hơn gấp đôi). Dù ảnh hưởng dịch COVID-19 nhưng trong 9 tháng của năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn đạt 38,8 tỷ USD, tăng 19,6% so cùng kỳ 2020.

Bộ Công thương cho biết, giai đoạn 2016-2020, vị trí của Việt Nam trong quan hệ thương mại với Trung Quốc chuyển biến tích cực. Năm 2018, Việt Nam đã vượt qua Malaysia trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Xét theo tiêu chí quốc gia, tính đến tháng 8-2021, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc. Trong đó, nông - thủy sản là nhóm hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam tới thị trường Trung Quốc, đạt 6,85 tỷ USD năm 2020, chiếm 27,4% trong tổng xuất khẩu nông sản của Việt Nam ra thế giới. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu, như: Rau quả, cao su, sắn, thủy sản, hạt điều, gạo…

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Minh Hằng (Trợ lý bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế, Bộ Ngoại giao), vài năm trở lại đây, hoạt động xuất khẩu nông - thủy sản sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Trung Quốc tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, đồng thời kiểm soát chặt chẽ về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng nông - thủy sản, trái cây nhập khẩu từ Việt Nam. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nông - thủy sản của Việt Nam vẫn ỷ lại vào hình thức xuất khẩu tiểu ngạch. Do tồn tại lỗ hổng trong kiểm soát chất lượng trong nước, hiện tượng các lô hàng nông - thủy sản xuất khẩu của DN Việt Nam vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, kiểm nghiệm, kiểm dịch của Trung Quốc diễn ra thường xuyên, gây mất uy tín và thương hiệu hàng nông - thủy sản Việt Nam…

Cần thay đổi tư duy tiếp cận

TS Ngô Xuân Nam  (Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, vào tháng 4-2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành Lệnh 248 về “Quy định về đăng ký và quản lý DN sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài” và Lệnh 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu”. Với Lệnh 248, toàn bộ DN Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm và sản phẩm có liên quan sẽ phải đăng ký với Hải quan Trung Quốc. Các chính sách này chính thức có hiệu lực từ tháng 1-2022.

“Với các Lệnh 248, 249, Trung Quốc quản lý, giám sát chặt chẽ hơn về an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa, công tác quản lý hồ sơ lưu trữ, truy xuất nguồn gốc… đòi hỏi DN xuất khẩu phải nắm rõ để thực hiện đúng. Trong đó, DN cần phối hợp tổ chức tốt về vùng nuôi, vùng trồng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; thay đổi tư duy tiếp cận thị trường Trung Quốc theo hướng chính ngạch, nâng cao chất lượng, đầu tư bao bì, nhãn mác, quy cách đóng gói phù hợp với thị hiếu tiêu dùng Trung Quốc, đặc biệt là hướng đến giới tiêu dùng trung lưu (đang tăng nhanh và chiếm tỷ trọng ngày càng cao ở Trung Quốc). Giới tiêu dùng trung lưu, thượng lưu đòi hỏi chất lượng nông - thủy sản cao hơn, giá trị hơn và sẵn sàng chi tiền nhiều hơn. Đây là đối tượng tiêu dùng mà DN Việt Nam cần tăng cường phối hợp với phía đối tác Trung Quốc tìm hiểu, hướng đến nhằm nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu. Văn phòng SPS Việt Nam sẽ đồng hành cùng DN, địa phương trong việc cung cấp những chính sách, quy định mới từ Trung Quốc, cùng minh bạch thông tin để hướng đến xuất khẩu bền vững hơn”- TS Ngô Xuân Nam nhấn mạnh.

Là một DN có vùng nguyên liệu trái cây ở nhiều địa phương (trong đó có An Giang) và thị trường xuất khẩu đi nhiều nước, Phó Giám đốc Công ty XNK trái cây Chánh Thu (tỉnh Bến Tre) Ngô Tường Vy ủng hộ việc tăng cường xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. “Xuất khẩu tiểu ngạch rất nhiều rủi ro, cần truyền thông rộng rãi về lợi ích xuất khẩu chính ngạch. Việc Trung Quốc tăng cường kiểm tra mã số đóng gói và vùng nguyên liệu là tốt cho Việt Nam, giúp DN thay đổi tư duy sản xuất theo hướng chất lượng, minh bạch thông tin. Các cơ quan chức năng Việt Nam cần xây dựng lại quy trình rà soát, kiểm tra nghiêm ngặt, đảm bảo hàng hóa đạt chất lượng trước khi xuất khẩu” - bà Vy nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, nhằm tránh rủi ro cho DN Việt Nam khi các cửa khẩu xuất khẩu hàng hóa qua Trung Quốc có lúc gián đoạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cùng Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao khảo sát khu vực Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn), đề xuất xây dựng trung tâm logistics quy mô lớn theo hướng cho DN đóng góp cổ phần, được ưu tiên vị trí kho lạnh để bảo quản hàng nông - thủy sản khi ùn ứ hàng hóa, tránh hư hỏng và giữ được giá trị xuất khẩu.

Dù có nhiều mặt hàng tiềm năng giá trị cao có thể xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng đến nay, An Giang chỉ có 2/22 DN đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu thủy sản vào thị trường Trung Quốc. Tỉnh đang phối hợp các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ DN lập hồ sơ đăng ký nông - thủy sản, thực phẩm có nhu cầu xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Qua đó, khai thác thêm thế mạnh xuất khẩu gạo, nếp, cá tra, trái cây, rau màu...

NGÔ CHUẨN