Biểu tượng kiệt xuất
Không phải ngẫu nhiên mà khóa họp lần thứ 24 của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) năm 1987 thông qua Nghị quyết 24C/18.65 về Bác Hồ. Nghị quyết chuẩn bị cho 3 năm sau (tức là năm 1990) kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. Nghị quyết khuyến nghị các quốc gia thành viên cùng tham gia kỷ niệm; đề nghị Tổng Giám đốc UNESCO tổ chức các hoạt động cụ thể để tưởng niệm Người, qua đó làm cho mọi người hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của những tư tưởng và cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người.
Nghị quyết khẳng định, Người “là một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội” và “là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”. Đó là “bằng chứng thép”, phản bác tất cả luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ Chủ tịch Hồ Chí Minh của các thế lực thù địch, phản động.
Mặc dù hiện nay chúng vẫn gia tăng hoạt động xuyên tạc, chống phá di sản trực tiếp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, từ tư tưởng, sự nghiệp giải phóng dân tộc, cách mạng XHCN, cho đến việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, nhưng chưa bao giờ làm thay đổi tình cảm và sự tôn kính của nhân dân thế giới đối với Người. Chúng không thể phủ nhận: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành thắng lợi vĩ đại, vẻ vang, tiêu biểu là Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mở ra kỷ nguyên độc lập cho dân tộc, thống nhất đất nước.
Đối với nhân dân thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người bạn thân thiết, mẫu mực, thủy chung; là biểu tượng của khát vọng hòa bình, đấu tranh chống áp bức, bất công; là sứ giả của hòa bình, của đoàn kết, hữu nghị, hợp tác và phát triển giữa các dân tộc trên thế giới. Người không chỉ là “Anh hùng giải phóng dân tộc”, mà còn là “Nhà văn hóa kiệt xuất”, là hiện thân sinh động về việc coi trọng, gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, tôn trọng sự khác biệt, đa dạng và thúc đẩy sự hiểu biết, đoàn kết.
Người là động lực cho dân tộc
Sau Đại hội Đảng lần thứ VI (năm 1986), việc thể chế hóa nghị quyết được tiến hành với nhịp độ khẩn trương, đồng bộ. Từ đầu năm 1987, Chính phủ triển khai sắp xếp lại tổ chức, thu gọn đầu mối quản lý ngành, mở rộng đầu mối quản lý lãnh thổ; nhanh chóng triển khai các văn bản chỉ đạo, điều hành phục vụ phát triển kinh tế trong điều kiện mới. Có ngày, nhiều văn bản được ban hành đồng thời, đưa vào cuộc sống. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhận xét, vào thời điểm đó, Việt Nam đứng trước vô vàn khó khăn. Việc UNESCO vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần lớn lao, tiếp thêm sức mạnh để cả dân tộc Việt Nam quyết tâm, chung sức, đồng lòng khắc phục khó khăn, vượt qua mọi thử thách, thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra.
Kết quả, sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đạt nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Trong tiến trình ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đồng hành cùng dân tộc, bằng tất cả tâm huyết Người gửi lại cho cuộc đời. Đối với thế giới, bạn bè quốc tế tổ chức nhiều hoạt động tưởng niệm, nghiên cứu, tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp và tôn vinh phẩm chất cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trường học, con đường, công viên, bảo tàng, tượng đài mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện khắp thế giới; tác phẩm văn học, thơ ca, thước phim tư liệu… về Người đã, đang được chia sẻ, lan tỏa rộng rãi. Các hoạt động trên góp phần tăng cường sự kết nối, hiểu biết, đoàn kết, hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.
Tại lễ kỷ niệm 35 năm Nghị quyết 24C/18.65 ra đời, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cho biết, năm 1987, UNESCO xét quyết định vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh tụ Jawaharlal Nehru với những giá trị trường tồn của di sản mà 2 danh nhân này để lại cho thế giới. Di sản lớn nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại chính là việc Người đã có tầm nhìn đúng đắn về giáo dục đối với toàn dân. Hiện nay, việc kế thừa và phát triển một cách hiệu quả nhất di sản tốt đẹp này của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là sự hợp tác hiệu quả giữa UNESCO và Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị về bản sắc văn hóa dân tộc. Bằng những thành tựu hợp tác trước đó, UNESCO sẽ tích cực hơn nữa trong hợp tác với Việt Nam thời gian tới. Điều đó một lần nữa khẳng định, từ đạo đức, tài năng kiệt xuất của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi đồng hành cùng dân tộc, gắn kết và mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam. Trách nhiệm của chúng ta là cống hiến, chung tay dựng xây đất nước. Có như thế mới xứng đáng thừa hưởng di sản quý giá Người để lại.
T.M