Với sự tham gia của 270 người, 17 cộng đồng dân tộc của 15 tỉnh, thành phố đại diện cho các dân tộc, vùng miền, hoạt động chào mừng Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2021 đã thật sự trở thành ngày hội lớn của cộng đồng dân tộc anh em. Mỗi nếp nhà, cảnh quan, mỗi không gian văn hóa làng, những phong tục tập quán, lễ hội được tái hiện gần gũi, sinh động và giàu bản sắc đã góp phần tạo điểm nhấn, thu hút sự quan tâm của du khách. Chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19-4), tại đây diễn ra nhiều lễ hội đặc sắc trên khắp các vùng miền. Các triển lãm, trình diễn nhạc cụ các dân tộc, giới thiệu tiềm năng du lịch, nét đặc sắc của ca Huế và hình ảnh áo dài truyền thống Huế cũng như các lễ hội, phong tục tập quán của các dân tộc được tái hiện như lễ bỏ mả (Pơ thi) của dân tộc Gia Rai, tỉnh Gia Lai. Các loại hình diễn xướng dân gian Mo Mường được các nghệ nhân thực hành. Lễ mừng lúa mới Kin Khẩu Hó của dân tộc Lào, tết mừng năm mới Chool Chnăm Thmây của dân tộc Khmer... được tái hiện ở các khu làng. Du khách được hòa mình vào các trò chơi, hoạt động dân ca, dân vũ, thưởng thức ẩm thực, thực hành nghề thủ công truyền thống. Những hoạt động này mang đến một không gian văn hóa đặc sắc và cảm giác trải nghiệm hấp dẫn cho du khách về quê hương, đất nước mình. Ngôi nhà chung đã trở thành nơi tôn vinh các giá trị văn hóa tốt đẹp, đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc và quảng bá, phát triển du lịch.
Tiết mục trong chương trình khai mạc Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2021.
Đến từ huyện miền núi biên giới của tỉnh Thừa Thiên Huế, những năm qua, nhóm nghệ nhân của huyện A Lưới đã tích cực tham gia các hoạt động chuyên đề và giao lưu văn hóa tại làng. Nhiều nghề truyền thống của địa phương như nghề dệt zèng, đan lát, chế tác hay lễ hội mừng lúa mới Aza Koonh, tục đi sim của đồng bào dân tộc Pa Cô được giới thiệu, tái hiện, trình diễn, góp phần quảng bá vùng đất, văn hóa và con người A Lưới. Trưởng phòng Thông tin - Văn hóa huyện A Lưới Lê Thị Thêm chia sẻ: Cách trung tâm tỉnh Thừa Thiên Huế 70 km, với bốn dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Ka Tu, Pa Hy, A Lưới ít được biết đến. Việc đưa nghệ nhân tham gia giao lưu tại làng là cơ hội để giới thiệu các giá trị văn hóa cộng đồng của dân tộc và tiềm năng du lịch, góp phần thúc đẩy tìm hiểu văn hóa các dân tộc khác. Các hoạt động giao lưu, chia sẻ góp phần tạo nên tình đoàn kết, gần gũi giữa các dân tộc anh em. Các giá trị truyền thống của đồng bào tiếp tục được trao truyền, khôi phục và bảo tồn tại cộng đồng ngôi nhà chung của 54 dân tộc anh em.
Trong sự trao đổi văn hóa giữa các vùng miền, tăng thêm sự hiểu biết về giá trị văn hóa, vai trò của cá nhân đồng bào hoạt động hằng ngày tại làng đã góp phần giới thiệu bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Họ là những người mang đến sức sống cho buôn làng giữa lòng Thủ đô. Hoạt động hằng ngày tại làng hơn ba năm nay, coi làng là ngôi nhà thứ hai của mình. Nghệ nhân Ưu tú Y Sinh (tỉnh Kon Tum) cho biết, việc tham gia hoạt động tại làng giúp những người như bà có cơ hội tiếp xúc, giao lưu với du khách trong nước và quốc tế, giúp những đồng bào đang sinh sống ở đây học hỏi kỹ năng giao tiếp, mở mang kiến thức, tập huấn về du lịch cộng đồng và nâng cao trình độ dân trí. Sau khi trở về địa phương, chắc chắn kiến thức học được ở đây sẽ giúp tôi góp phần phát triển văn hóa cộng đồng.
Có thể thấy, các hoạt động hằng ngày và cuối tuần của nhóm cộng đồng bà con sinh sống nơi đây đã tạo nên những sản phẩm du lịch và trải nghiệm văn hóa hấp dẫn, thu hút du khách. Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam không chỉ là không gian, môi trường để diễn xướng, thực hành văn hóa mà ở đó, các nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm của du khách về văn hóa vùng miền, nghệ thuật truyền thống, nghề thủ công được đáp ứng. Đây không chỉ là điểm văn hóa, du lịch ý nghĩa mà còn là nơi cộng đồng gắn kết, sắc màu văn hóa dân tộc được hội tụ và lan tỏa.
Theo NGỌC LIÊN (Báo Nhân Dân)