Mang ánh sáng tri thức đến trẻ em vùng quê

09/08/2023 - 06:48

 - Dành 2 buổi/ngày lên lớp ôn tập cho học sinh, kể chuyện sách thiếu nhi, hướng dẫn các em kỹ năng sống và quản lý cảm xúc… là công việc đầy ý nghĩa trong Chiến dịch hè tình nguyện của sinh viên Trường Đại học An Giang tại TX. Tịnh Biên.

Bổ túc kiến thức

Một buổi chiều ghé qua lớp ôn tập hè ở Trường Tiểu học Tân Lập (xã Tân Lập, TX. Tịnh Biên), chúng tôi mới hiểu hết những cố gắng của "thầy cô giáo" đang nhận nhiệm vụ ôn tập hè cho học sinh. Các em nhỏ có mặt đầy lớp, ở nhiều độ tuổi và trình độ khác nhau, nhưng không thể làm khó "giáo viên tập sự".

Lê Thị Như Ý (sinh viên ngành ngôn ngữ Anh) cho biết: "Chúng tôi thật sự bất ngờ khi rất đông học sinh tham gia lớp ôn tập. Mọi người chia thành 3 nhóm lớp nhỏ (gồm lớp 1 - 2, lớp 3 - 4, lớp 5 - 6) để dễ phân luồng kiến thức; phân công sinh viên giảng dạy phù hợp. Lợi thế của nhóm là tập hợp đầy đủ sinh viên thuộc nhiều ngành, như: Tin học, tiếng Anh, sư phạm tiểu học, sư phạm giáo dục mầm non… Đây là dịp các bạn được rèn luyện khả năng đứng lớp".

Dĩ nhiên, các bạn phải dành thời gian nghiên cứu sách giáo khoa mới (môn Toán, tiếng Việt và tiếng Anh), cùng phương pháp giảng dạy mới để hướng dẫn các em. Với học sinh mẫu giáo, họ hướng dẫn tập viết, nhận biết chữ cái, con số để các em vào năm học mới đỡ bỡ ngỡ. Với học sinh lớp 1, họ kiểm tra chữ viết, khả năng đọc, bảng cửu chương, cho làm bài tập toán đơn giản.

Theo ôn tập từ ngày đầu, Nguyễn Quang Nhân (lớp 4A) rất yêu thích lớp học. Nhân bộc bạch: "Nghỉ hè lâu quá, ở nhà nhớ trường, nhớ lớp. Thấy anh chị sinh viên đến nhà mời ôn tập, em đăng ký học cả ngày. Ngoài học kiến thức, các anh chị còn tổ chức ca hát, trò chơi, có phần thưởng là bánh kẹo". Trần Thị Thùy Trang (lớp 5A) đã theo học được 5 buổi chiều. Em chia sẻ: "Các chị ôn bài dễ hiểu và gần gũi, vui vẻ nên em nhớ được kiến thức, thấy tự tin hơn khi lên lớp 6. Ngày nào em cũng đến học".

Trao thêm giá trị sống

Lê Trần Huỳnh Như (sinh viên ngành sư phạm tiếng Anh) kể lại: "Trong 18 ngày làm quen và sinh hoạt, chúng tôi thấy các em nhỏ nơi đây thiếu thốn điều kiện học tập, sách đọc, vẽ tranh, thiếu cơ hội tham gia phong trào. Phụ huynh nông thôn bận rộn mưu sinh, ít dành thời gian quan tâm đến việc học hay tâm tư, cảm xúc của các em.

Qua hội thi “Trạng Nguyên nhỏ tuổi”, chúng tôi phát hiện nhiều em học tập rất giỏi, có ý chí, nhưng điều kiện học tập hạn chế. Chúng tôi cho các em mặc áo trạng nguyên, cõng về nhà "vinh quy bái tổ", đơn giản vậy thôi mà các em thích lắm. Buổi trưa trước khi vào lớp, các em đến khu nhà ăn, mong muốn nghe đọc sách, kể chuyện lạ lẫm, kỳ bí mà nào giờ chưa được nghe, được đọc.

Trong buổi học về cảm xúc, các em nhỏ được nhắc nhở về lòng biết ơn, ơn nghĩa sinh thành, tình cảm thầy cô, bạn bè, ai nấy không kiềm được nước mắt. Điều đó làm chúng tôi hiểu rằng, các em tìm đến với mình không chỉ vì muốn học kiến thức, mà còn mong muốn được sẻ chia nhiều điều bổ ích".

Nguyễn Thị Mỹ Huyền (lớp 6, Trường THCS Ngô Quyền) bày tỏ: "Lần đầu tiên, em được nghe kể chuyện về công ơn sinh thành, tấm lòng bao la trời biển của cha mẹ. Giọng kể của các cô làm em rất xúc động, thương cha mẹ mình đang phải “một nắng hai sương”, làm thuê vất vả để có được bữa cơm, lo từng tấm áo, quyển sách để em đến trường. Từ đây, em sẽ cố gắng học thật tốt để trưởng thành, báo đáp công ơn cha mẹ".

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Lập Huỳnh Văn Viễn cho biết: "Trong hè, giáo viên có nhiệm vụ bổ túc cho 3 học sinh chưa đạt yêu cầu. Sinh viên đã hỗ trợ thầy cô bổ túc cho 3 em này và ôn tập kiến thức cho học sinh các khối lớp có nhu cầu; tổ chức nhiều sân chơi bổ ích; thu gom phế liệu bán để dành tiền mua sách cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; giáo dục kỹ năng sống, quản lý cảm xúc; phổ cập bơi miễn phí, tuyên truyền luật giao thông...

Qua đó, giúp học sinh gần gũi hơn với nhà trường, có được những trải nghiệm bổ ích. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các em có thể tránh xa hoạt động không lành mạnh, như: Nghiện trò chơi điện tử, xem ti-vi nhiều giờ, tụ tập vui chơi không kiểm soát dẫn đến tai nạn, thương tích. Đồng thời, qua các hoạt động, chúng tôi càng hiểu học sinh hơn, điều chỉnh hoạt động phong trào trong năm học mới".

TRÚC PHA