Mạng internet ADSL ‘teo tóp’ trước công nghệ cáp quang và 4G, 5G

18/02/2021 - 15:30

Theo thống kê, số lượng thuê bao mạng ADSL chỉ còn gần 71.000, giảm 48 lần sau 5 năm và đang có nguy cơ đếm lùi ngày tồn tại.

Mạng di động công nghệ mới ngày càng được mở rộng thu hút nhiều khách hàng trẻ.

Theo thống kê của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), tính đến cuối năm 2020, số lượng thuê bao truy cập Internet qua hệ thống cáp quang FTTH đạt hơn 15,6 triệu thuê bao, còn số thuê bao ADSL đạt 70.984 thuê bao. Như vậy, so với cuối năm 2019, tổng số thuê bao cáp quang FTTH đã tăng hơn 2 triệu thuê bao, nhưng số thuê bao ADSL giảm hơn 58.000 bao thuê bao.

Cũng theo thống kê của Cục Viễn thông, vào thời điểm tháng 11/2015, số lượng thuê bao ADSL còn đạt mức hơn 3,4 triệu thuê bao. Như vậy, có thể thấy, chỉ sau khoảng 5 năm, trong khi số thuê bao cáp quang FTTH tăng khoảng 4,6 lần thì số thuê bao qua hình thức ADSL đã giảm hơn 48 lần.

Như vậy, mạng internet ADSSL là một công nghệ có tiếng giai đoạn 2003-2008 đang đứng trước nguy cơ "xóa sổ" khi số thuê bao liên tục giảm mạnh mỗi năm.

Trước đây, sự ra đời và phát triển của mạng cáp đồng ADSL đã dẫn đến sự "khai tử" của mạng quay số (Dial-up) vào tháng 7/2012, sau gần 15 năm tồn tại, sau khi đóng góp quan trọng trong việc phổ cập Internet đến người dân Việt Nam. Thậm chí, các nhà mạng như FPT Telecom, Viettel… thậm chí còn "xóa sổ" Dial-up từ trước đó 4 năm.

Theo ông Vũ Thế Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), ADSL là công nghệ băng rộng chạy trên hạ tầng cáp điện thoại công cộng, đã từng là cú "huých" lớn với Internet Việt Nam những năm 2003-2004. Hiện nay, Internet băng rộng cố định được cung cấp chủ yếu trên hạ tầng cáp quang. Tuy nhiên, một số địa bàn vẫn còn ADSL phần lớn ở những khu vực chưa được phủ cáp quang hoặc ở những khu tập trung mà ở đó chỉ có cáp điện thoại có thể dùng được, vì vậy vẫn còn một số lượng rất nhỏ các thuê bao ADSL.

“Mạng ADSL sẽ hết vai trò khi cáp quang và nhất là băng rộng di động 4G và tới đây là 5G được phủ rộng. Với tình hình hiện nay, có lẽ ở các vùng xa, vùng sâu, ADSL vẫn hữu dụng ở một số khu vực nhất định", ông Bình chia sẻ.

Nhận xét về sứ mệnh của mạng ADSL, ông Vũ Thế Bình cho rằng, năm 2003, khi VNPT triển khai cung cấp ADSL, cả 3 nhà mạng còn lại (FPT Telecom, NetNam, SPT) đều đứng trước nguy cơ giải thể vì đang phụ thuộc vào hạ tầng mạng điện thoại công cộng của VNPT. Các nhà mạng khác đã phải tìm con đường sống khi triển khai công nghệ mới. Nhờ ADSL mà sau đó thay đổi tình trạng độc quyền về hạ tầng viễn thông tại Việt Nam, mở ra thời kỳ bùng nổ băng rộng ở Việt Nam. Từ đó, người dân được hưởng dịch vụ chi phí hợp lý và công nghệ hiện đại.

Theo lộ trình mở rộng công nghệ mạng mới 4G và 5G, mới đây, Thông tư 43 về 'Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất - phần truy cập vô tuyến' được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành cuối tháng 1/2021, tất cả máy điện thoại di động sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam từ 1/7 phải được tích hợp công nghệ E-UTRA (tức công nghệ 4G). Động thái này được xem là một bước chuẩn bị cho lộ trình tắt song công nghệ mạng 2G và "phủ sóng" smartphone trên toàn quốc.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, định hướng đến năm 2025, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; số thuê bao băng rộng di động đạt tỷ lệ 100/100 dân; tỷ lệ người sử dụng Internet đạt trên 80%; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; 100% dân số trong độ tuổi trưởng thành có điện thoại thông minh.

Theo Báo Tin Tức