Nhóm các nhà nghiên cứu do Đại học New South Wales (UNSW) dẫn đầu đang phân tích các đoạn ghi âm được thu từ máy dò hạt nhân dưới nước. Trong các ghi âm này xuất hiện "tiếng hát" của cá voi xanh.
"Chúng tôi không biết bao nhiêu con cá voi xanh trong nhóm này, nhưng chúng tôi nghi ngờ là rất nhiều", Giáo sư Tracey Rogers, tác giả chính của nghiên cứu cho biết.
"Tiếng hát" của cá voi xanh khá trầm, vang xa, tương đối truyền thống. (Ảnh: Earth)
Dữ liệu được thu thập bởi Tổ chức Hiệp ước Cấm Thử nghiệm Hạt nhân Toàn diện (CTBTO) - tổ chức giám sát các vụ thử bom hạt nhân quốc tế.
Từ năm 2002, CTBTO sử dụng thiết bị hiệu chuẩn hydrophone tiên tiến để phát hiện sóng âm từ các vụ thử bom hạt nhân tiềm năng. Các bản ghi âm được cung cấp cho các nhà khoa học để sử dụng cho nghiên cứu khoa học biển.
Nhóm UNSW phát hiện ra tín hiệu mạnh bất thường trong các bản ghi âm. Họ nhanh chóng xác định đây là "tiếng hát" của cá voi xanh. Cá voi xanh phát ra các âm thanh như tiếng hát với mục đích giao tiếp với nhau. Cấu trúc bài hát, tần số và nhịp độ tiết lộ rằng các bài hát thuộc về một nhóm cá voi xanh chưa từng xuất hiện trong khu vực.
"Thật tuyệt khi hệ thống giúp cho thế giới an toàn cho phép chúng tôi tìm ra quần thể cá voi mới. Điều này có thể giúp chúng tôi nghiên cứu sức khỏe của môi trường biển về lâu dài", Giáo sư Rogers cho hay.
Cá voi xanh sống ở Nam bán cầu rất khó nghiên cứu vì chúng sống xa bờ và khá ẩn mình.
"Nếu không có những bản ghi âm này, chúng tôi không biết rằng có một quần thể cá voi xanh khổng lồ ở giữa Ấn Độ Dương”, ông Rogers cho hay.
Rogers ví cá voi lưng gù giống như các sĩ nhạc jazz. Chúng thay đổi bài hát mọi lúc. Trong khi đó, cá voi xanh truyền thống hơn với những bài hát có cấu trúc, đơn giản, âm vực trầm.
"Các bài hát của chúng giống như một dấu vân tay cho phép chúng tôi theo dõi khi chúng di chuyển hàng nghìn km", ông Rogers.
Nhóm nghiên cứu đặt tên cho quần thể cá voi xanh mới là "Chagos", theo tên quần đảo gần với nơi chúng được tìm thấy.
Theo DIỆU HOA (VTC News)