Miệt mài 'gieo chữ' ở vùng cao Phú Mỡ

18/11/2024 - 13:53

Vùng núi cao thuộc thôn Phú Hải (xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) đang ngày càng phát triển, đổi thay. Thế nhưng, bao năm qua có một điều không hề thay đổi ở ngôi trường của thôn, đó là sự miệt mài gieo con chữ và tình yêu thương của các thầy cô giáo dành cho học sinh dân tộc miền núi nơi đây. Có người đã dành cả tuổi thanh xuân của mình âm thầm cống hiến cho những mầm non của núi rừng.

Chú thích ảnh

Các thầy cô giáo đi trên con đường lầy lội, trơn trượt từ trung tâm xã Phú Mỡ đến điểm trường Phú Hải.

Băng rừng, lội suối

Cách thành phố Tuy Hòa gần 90 km về phía Tây Bắc, xã vùng cao Phú Mỡ giáp ranh với hai tỉnh Gia Lai và Bình Định, chủ yếu là người Chăm sinh sống. Do cách biệt với đồng bằng, nơi đây được mệnh danh là xã “cao nhất”, “xa nhất” và “khó khăn nhất” của tỉnh Phú Yên. Xã có 5 thôn, trong đó Phú Hải là thôn xa nhất, cách trung tâm xã hơn 10 km. Con đường dẫn đến thôn Phú Hải vẫn là đường đất, băng qua những cánh rừng già, có đoạn dốc đứng và những con suối chảy xiết.

Công tác tại điểm trường Phú Hải (thuộc Trường Tiểu học Phú Mỡ) gần 15 năm, thầy giáo Trần Văn Dương (sinh năm 1963) được nhiều thế hệ học sinh và người dân nơi đây yêu mến, kính trọng. Đảm nhận giảng dạy lứa học sinh lớp 1, thầy Dương ân cần uốn nắn cho các em từng con chữ, cách đánh vần trong mỗi câu văn, bài thơ. Nếu tiết dạy toán nghiêm túc bao nhiêu thì tiết dạy nhạc của thầy Dương lại nhẹ nhàng, vui tươi bấy nhiêu. Dù tuổi cao, không còn nhanh nhẹn, nhưng thầy Dương vẫn cùng các em học sinh ngân nga từng câu hát, tạo thật nhiều niềm vui ở ngôi trường giữa núi rừng này.

Thầy giáo Trần Văn Dương luôn là người xung phong đảm nhận những công việc nặng nhọc của trường. Hằng ngày, thầy dùng các can nhựa để đi lấy nước suối dự trữ cho sinh hoạt của trường. Việc ăn uống, nghỉ ngơi cho các thầy, cô giáo của trường cũng được thầy chăm lo như một người anh cả trong gia đình. Là người có tuổi đời, tuổi nghề và thời gian gắn bó với điểm trường Phú Hải nhiều nhất, thầy Dương quan tâm giúp đỡ, động viên cho nhiều thế hệ giáo viên trẻ yên tâm công tác.

Chú thích ảnh

Thầy giáo Trần Văn Dương nói chuyện cùng các em học sinh điểm trường Phú Hải trong giờ ra chơi.

Thầy giáo Trần Văn Dương chia sẻ, dù cuộc sống của giáo viên điểm trường vùng cao còn nhiều khó khăn, nhưng tình thương với các em học sinh miền núi đã giúp thầy vượt qua và gắn bó nhiều năm nơi đây. Chỉ còn vài năm là đến tuổi nghỉ hưu nhưng thầy vẫn quyết tâm ở lại miệt mài "gieo chữ". Thầy Dương xem học sinh người đồng bào dân tộc như con em của mình, mong muốn các em có cuộc sống tốt hơn và trở thành những công dân tốt cho xã hội.

Điểm trường Phú Hải hiện có tổng cộng 36 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, hầu hết là con em người đồng bào dân tộc Chăm. Trong đó, có lớp chỉ vỏn vẹn 4 học sinh, có lớp phải thực hiện ghép để đảm bảo chương trình giảng dạy. Nhà trường hiện có 5 giáo viên, trong đó có 4 giáo viên miền xuôi ở nội trú tại trường. Hằng tuần, các thầy, cô giáo băng rừng hơn 10 km để đến điểm trường. Điều kiện sinh hoạt nơi đây còn nhiều khó khăn với tình trạng thiếu nước vào mùa nắng và thường xuyên mất điện vào mùa mưa. Tuy nhiên, các thầy, cô giáo vẫn luôn gắn bó, yêu nghề, quan tâm chăm sóc và giảng dạy cho các em học sinh.

Chú thích ảnh

Lãnh đạo Trường Tiểu học Phú Mỡ và điểm trường Phú Hải đến nhà động viên người dân đưa con em đến trường.

Thầy giáo Phùng Quang Thành (sinh năm 1974) công tác trong ngành giáo dục tiểu học đã 25 năm, trong đó có hơn 4 năm gắn bó tại điểm trường Phú Hải. Thầy Thành tâm sự, những năm gần đây, cuộc sống vùng cao xã Phú Mỡ có nhiều đổi thay, phát triển. Tuy nhiên, việc học hành của con em đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Do trình độ chênh lệch cao so với học sinh miền xuôi, các thầy, cô phải tích cực tìm kiếm phương pháp giảng dạy phù hợp. Ngôn ngữ cũng là rào cản lớn nên các thầy, cô phải cùng ăn, cùng ở, cùng sống với buôn làng để thành thạo tiếng địa phương, nắm bắt tâm tư, tình cảm của người dân.

Chú thích ảnh

Thầy giáo Phùng Quang Thành tận tình giảng dạy cho học sinh tại điểm trường Phú Hải thuộc Trường Tiểu học Phú Mỡ.

Nâng cao chất lượng dạy học

Cô Nguyễn Thị Kim Trinh (sinh năm 1976), giáo viên điểm trường Phú Hải tâm sự, học sinh vùng cao học tập rất khó khăn. Do vậy, ngoài giờ giảng dạy chính trên lớp, các thầy, cô còn chọn những em học yếu để kèm riêng. Niềm vui của các thầy, cô giáo là tất cả các em có kiến thức vững vàng ở cấp tiểu học để tiếp tục con đường học tập ở những cấp học tiếp theo. Đây cũng là món quà ý nghĩa nhất mà các thầy, cô giáo mong muốn nhận được từ các em học sinh trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Chú thích ảnh

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Trinh dạy Tiếng Việt cho học sinh lớp 1 điểm trường Phú Hải.

Những năm qua, nhờ tập trung phát triển kinh tế rừng, đặc biệt là trồng cây keo, đời sống người dân thôn Phú Hải ngày càng phát triển. Những ngôi nhà mái ngói, tường gạch kiên cố dần thay thế cho những ngôi nhà sàn bằng tre, nứa. Người dân quan tâm đến việc học hành của con em mình hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo của thôn vẫn còn cao. Toàn thôn có khoảng 70 hộ dân, trong đó có gần 60 hộ là hộ nghèo và cận nghèo. Do vậy, các thầy, cô tại điểm trường Phú Hải luôn quan tâm, động viên các gia đình chủ động đưa con em mình đến trường học tập.

Chị Lo O Thị Võng (thôn Phú Hải, xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân) cho biết, kinh tế gia đình chị hết sức khó khăn, chị có hai con nhỏ đang trong độ tuổi học mầm non và tiểu học. Vì kinh tế khó khăn nên gia đình chị không có nhiều thời gian quan tâm cho con em đến trường. Nhờ được các thầy, cô tại điểm trường Phú Hải thường xuyên đến động viên, chị đã hiểu rằng cần phải chăm lo hơn đến việc học hành của con mình, để sau này các con có kiến thức phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no, thoát cảnh đói nghèo.

Theo thầy Lê Ngọc Hòa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Mỡ, điểm trường Phú Hải cùng với điểm trường Làng Đồng (thôn Phú Đồng) là hai điểm trường xa xôi và khó khăn nhất của nhà trường. Các thầy, cô giáo giảng dạy tại các điểm trường gặp rất nhiều khó khăn về giao thông, cơ sở vật chất và các trang thiết bị giảng dạy. Tuy nhiên, nhiều thầy, cô giáo vẫn công tác lâu năm và xin gắn bó với điểm trường. Một số cô giáo lớn tuổi khi được phân công đứng lớp tại đây luôn vui vẻ nhận công tác, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự tận tình của các thầy cô giáo, hầu hết học sinh ở điểm trường Phú Hải đều có kết quả học tập tốt, đáp ứng yêu cầu.

Chú thích ảnh

Bữa ăn đạm bạc của các thầy cô giáo tại điểm trường Phú Hải.

Lãnh đạo Trường Tiểu học Phú Mỡ cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thầy, cô tại điểm trường Phú Hải yên tâm công tác. Nhà trường thực hiện tiết kiệm nguồn chi thường xuyên để dành nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy tại điểm trường. Bên cạnh đó, nhà trường tích cực kêu gọi các đơn vị, tổ chức, cá nhân hỗ trợ sách vở, dụng cụ học tập cho các em học sinh. Với trách nhiệm cao cả của nghề giáo, các thầy, cô giáo nơi đây luôn quan tâm, chia sẻ và hỗ trợ đến học sinh, đặc biệt là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Niềm vui của lãnh đạo và giáo viên nhà trường là chất lượng học tập của các em học sinh miền núi ngày càng được nâng cao.

Theo TTXVN