Mở cửa kinh tế, thích ứng dần với dịch bệnh

11/10/2021 - 05:04

 - Khi xác định không thể “Zero COVID”, cần thay đổi cách ứng phó theo hướng thích nghi với dịch bệnh, dần phục hồi sản xuất - kinh doanh (SXKD), đưa các hoạt động trở lại trạng thái bình thường mới. Khi chấp nhận COVID-19 tồn tại như một phần cuộc sống, cách ứng xử sẽ phù hợp hơn.

Ảnh: N.C

Đến lúc mở cửa kinh tế

Là trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến lương thực, thực phẩm lớn của cả nước, ĐBSCL chịu tác động nặng nề của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), phần lớn các nhà máy, xí nghiệp chế biến nông, thủy sản trong vùng phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng vì dịch bệnh. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vùng ĐBSCL tháng 8-2021 đạt 1,97 tỷ USD, giảm 49,7% so với tháng 7. ĐBSCL có 2.109 doanh nghiệp (DN) tạm ngừng kinh doanh (tăng 23,7%), 4.557 DN tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 58,12%). Điều này cho thấy, số lượng DN rời khỏi thị trường ngày càng gia tăng.

Từ đầu tháng 10, trên cơ sở từng bước khống chế được dịch bệnh, các tỉnh, thành phố phía Nam đang tiến tới mở cửa lại kinh tế, cho DN từng bước hoạt động, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh - đầu tàu kinh tế của cả nước. Đây là giai đoạn rất quan trọng để vùng ĐBSCL phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để tận dụng tốt cơ hội, các cấp quản lý và DN trong vùng cần thay đổi nhận thức, xây dựng chính sách và kế hoạch kinh doanh thích ứng trong giai đoạn phục hồi.

Mới đây, VCCI Cần Thơ cùng nhóm chuyên gia và DN, hiệp hội các DN đã xây dựng 3 nhóm đề xuất và kiến nghị giải pháp mở cửa theo các giai đoạn mở cửa, điều kiện tái SXKD và lộ trình mở cửa các nhóm ngành thích ứng bối cảnh dịch bệnh.

Giám đốc VCCI Cần Thơ Nguyễn Phương Lam cho biết, để có cơ sở quyết định mở cửa lại, từ tháng đầu tháng 9-2021, VCCI Cần Thơ đã tổ chức làm việc với 120 DN chủ lực, có quy mô lớn, đại diện cho các ngành sản xuất chế biến, nông nghiệp, thương mại dịch vụ trên địa bàn 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL, cùng với nhóm chuyên gia kinh tế phân tích, đúc kết xây dựng mô hình SXKD hợp lý, thích ứng trong bối cảnh phòng, chống dịch và định hướng cho các giai đoạn phát triển bình thường mới.

3 giai đoạn mở cửa

Theo VCCI Cần Thơ và nhóm DN chủ lực, các địa phương ĐBSCL đã triển khai giai đoạn I, bắt đầu nới lỏng giãn cách, cho phép tái SXKD có điều kiện. Giai đoạn này bắt đầu từ ngày 15-9, kéo dài 14 ngày. Đây là giai đoạn đầu tái sản xuất, các DN tham gia giới hạn, chủ yếu sản xuất cầm chừng, tiêu thụ lượng nguyên vật liệu tồn kho là chủ yếu. Các DN có thể hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”, thí điểm giải pháp “3 xanh” (lao động xanh - cung đường xanh - nhà máy xanh).

Sau giai đoạn đầu tái sản xuất, các địa phương nên mạnh dạn triển khai giai đoạn II (mở rộng sản xuất có điều kiện và liên kết vùng nguyên liệu các địa phương trong ĐBSCL). Theo VCCI Cần Thơ, giai đoạn này kéo dài khoảng 60 ngày (bắt đầu từ tháng 10), là giai đoạn các DN có thể phục hồi tốt, khả năng sản xuất ổn định, tiêu thụ hết lượng nguyên vật liệu tồn kho hay thu mua trong nội tỉnh sẽ đến ngưỡng, cần liên kết vùng nguyên liệu để đảm bảo cung ứng cho sản xuất.

Các địa phương cần tiếp tục khoanh vùng theo giai đoạn I, sàng lọc để thu hẹp vùng dịch, cấp thẻ “công dân xanh” cho người lao động đi làm. Nếu tình hình, diễn biến dịch có kết quả tích cực, kiểm soát tốt, số lượng lây nhiễm không đáng kể thì các tỉnh cho cho phép mở rộng “vùng xanh” từ Chỉ thị 15/CT-TTg (hoặc Chỉ thị 15 ở mức cao hơn) sang Chỉ thị 19/CT-TTg; chuyển vùng đang áp dụng Chỉ thị 19/CT-TTg sang trạng thái bình thường mới nếu khống chế tốt dịch bệnh và tạo được nhiều “vùng xanh” an toàn. Giai đoạn này, cần mở rộng với các địa phương lân cận để bảo đảm lưu thông nguồn nguyên vật liệu sản xuất và lao động đi lại giữa các địa phương “vùng xanh”.

Đối với khu vực sản xuất, tiếp tục mô hình “3 xanh”, tăng cường sử dụng “lao động xanh”, cho phép tăng số lượng lao động lên 60-80% được làm việc tại DN. Đối với “cung đường xanh”, DN phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch. Giấy đi đường sẽ do DN tự cấp và tự chịu trách nhiệm với thời gian đi - về cụ thể. Đối với “nhà máy xanh”, phải xét nghiệm tầm soát định kỳ, thực hiện chia ca sản xuất, đảm bảo số công nhân thay ca, ca trước và ca sau cách nhau 60 phút…

Giai đoạn III là giai đoạn mở rộng sản xuất kết nối ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ, thời gian thực hiện từ tháng 12-2021 hoặc đầu năm 2022. Giai đoạn này, các DN đã SXKD ổn định, gia tăng năng suất, công suất, tạo ra lượng hàng hóa thành phẩm cao. Do vậy, cần tính tới liên kết thị trường tiêu thụ và xuất khẩu, trong đó TP. Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ sẽ là thị trường nội địa tiêu thụ lớn cho hàng hóa chế biến lương thực, thực phẩm và nông, thủy sản của ĐBSCL. DN ĐBSCL đã sản xuất đủ lượng hàng hóa tham gia xuất khẩu nên cần kết nối cảng biển lớn tại tỉnh Long An, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu một cách thuận lợi nhất.

Khả năng cuối năm 2021, đầu năm 2022, vùng ĐBSCL đã phủ vaccine ngừa COVID-19. Các tỉnh đẩy mạnh sử dụng “thẻ xanh vaccine” thay cho thẻ “công dân xanh” để tiện đi lại và kiểm soát. Đồng thời, mạnh dạn mở rộng sang trạng thái bình thường mới, các ngành có thể trở lại hoạt động bình thường, không giới hạn nhưng phải gắn với những điều kiện an toàn phòng dịch.

Giám đốc VCCI Cần Thơ Nguyễn Phương Lam cho rằng, việc mở cửa lại kinh tế đang được DN mong chờ bởi kéo dài sẽ làm khó khăn ngày càng lớn hơn, DN khó trụ lại để tái SXKD. Điều quan trọng là cần chủ động thích nghi lâu dài nhằm đảm bảo SXKD an toàn, hiệu quả.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN

 

Liên kết hữu ích