Giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả huyện An Phú
Từ ngày 1/1/2021, mô hình này được triển khai. Trước khi chuyển giao, UBND huyện phân công 8 cán bộ, công chức tiếp nhận hồ sơ tại Bộ phận “một cửa” huyện tiếp nhận TTHC 5 lĩnh vực. Sau khi chuyển giao, Bưu điện huyện An Phú bố trí 4 cán bộ tiếp nhận hồ sơ tại Bộ phận “một cửa” và 1 cán bộ luân chuyển hồ sơ. Theo đánh giá, việc chuyển giao đem lại kết quả thiết thực, giảm được nguồn nhân lực đối với cơ quan hành chính; góp phần thực hiện tốt chủ trương tinh giản biên chế, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Trong năm 2021-2022, tổng số hồ sơ TTHC phát sinh tại Bộ phận “một cửa” là 42.685 hồ sơ, trong đó bưu điện tiếp nhận 18.606 hồ sơ các lĩnh vực: Trích lục hộ tịch, đăng ký kinh doanh, xây dựng, điện nước, văn hóa, y tế… Số còn lại phát sinh từ lĩnh vực đất đai (do cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện, vì lĩnh vực này chưa giao cho bưu điện). Bên cạnh đó, trả tại địa chỉ người dân 16.945 hồ sơ, chưa xảy ra trường hợp mất hay thất lạc hồ sơ.
Đây là huyện đầu tiên của tỉnh triển khai mô hình. Mặc dù còn khó khăn, nhưng mô hình chuyển giao từng bước hình thành thói quen cho cán bộ, công chức và người dân phương thức làm việc mới theo hướng hiện đại, trong quá trình thực hiện TTHC; bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC), tạo sự hài lòng của người dân đối với chính quyền.
Theo Chủ tịch UBND huyện An Phú Trần Hòa Hợp, mô hình này mang lại rất nhiều lợi ích. Lợi ích lớn nhất là hợp lòng dân, do hạn chế tiêu cực và tăng sự thân thiện, trách nhiệm. Trước áp lực giảm biên chế, trong khi áp lực công việc ngày càng nhiều, việc chuyển giao Bộ phận “một cửa” sang Bưu điện huyện đã giải quyết được vấn đề nhân sự. Nhất là, đáp ứng được yêu cầu CCHC, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Huyện An Phú đề nghị UBND tỉnh cho phép tiếp tục triển khai mô hình.
Tuy nhiên, địa phương vẫn còn lo lắng về cơ chế, cần có giải pháp phù hợp, đúng quy định pháp luật. Cùng với tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, cần đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, đảm bảo việc tiếp nhận, giải quyết TTHC đạt hiệu quả. Do là mô hình mới triển khai, thực hiện đầu tiên trên địa bàn tỉnh, nên quá trình triển khai gặp không ít khó khăn, vướng mắc; phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, làm chất lượng và hiệu quả chưa như mong muốn.
Cách bố trí sơ đồ vị trí tiếp nhận và nhân viên làm việc tại bưu điện vẫn chưa ổn định; nghiệp vụ chuyên môn trong một vài vị trí chưa đảm bảo. Một số nhân viên Bưu điện huyện mới tiếp cận công việc, trong khi đó, những lĩnh vực, như: Đất đai, bảo trợ xã hội có nhiều thủ tục khó, quy định phức tạp, dẫn đến lúng túng trong quá trình hướng dẫn, thực hiện TTHC cho người dân. Chưa trang bị thiết bị điện tử phục vụ việc tra cứu hồ sơ, TTHC và thiết bị phục vụ cho việc nộp hồ sơ trực tuyến... Những vấn đề này sẽ sớm được tháo gỡ trong thời gian tới.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Hải cho rằng, việc huyện An Phú sơ kết mô hình là cơ sở quan trọng để triển khai nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Qua triển khai cho thấy, mô hình ở huyện An Phú hoàn toàn đáp ứng, mang lại hiệu quả CCHC.
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trương Long Hồ, nhiều địa phương trong cả nước triển khai mô hình chuyển Bộ phận “một cửa” sang Bưu điện huyện từ cấp tỉnh đến cấp xã. Hướng tới, cần khuyến khích, tạo điều kiện để người dân nộp hồ sơ TTHC tại nhà, mô hình chuyển giao này là bước đệm rất hay. Nếu phối hợp triển khai tốt, thì mô hình mang lại hiệu quả tích cực, tiết kiệm nhiều nguồn lực. |
HỮU HUYNH