Mô hình hiệu quả, khởi sắc miền quê

20/02/2020 - 16:58

 - Mặc dù còn nhiều bỡ ngỡ khi bắt tay thực hiện, nhưng sau thời gian triển khai, Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh An Giang (Đề án OCOP_AG) đã “vào guồng”, tạo nên những tín hiệu tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn. Với sự vào cuộc của các cấp, ngành, Đề án OCOP_AG sẽ giúp sản xuất ở các địa phương phát triển, góp phần nâng cao thu nhập, phục vụ hiệu quả cho chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tham gia Đề án OCOP_AG, các sản phẩm truyền thống ở các địa phương có cơ hội giới thiệu đến người tiêu dùng

Xây dựng sản phẩm đặc thù

Từ năm 2019, khi bắt đầu triển khai Đề án OCOP_AG giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh đặt mục tiêu có ít nhất 10 sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tham gia đề án được nâng cấp, hoàn thiện quy trình sản xuất và tiêu chuẩn sản phẩm theo quy định. Đồng thời, hình thành 6 trung tâm hoặc điểm bán sản phẩm OCOP_AG. Như vậy, giúp nâng cao thu nhập, tạo việc làm, góp phần giảm nghèo, tăng chất lượng đời sống cho nhân dân.

Qua thực tế triển khai thời gian qua cho thấy, Đề án OCOP_AG đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân, nhạy bén hơn với nền kinh tế thị trường, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất - kinh doanh các sản phẩm truyền thống của địa phương...

Điểm nổi bật sau thời gian thực hiện, Đề án OCOP_AG đã tạo động lực cho phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nhiều sản phẩm đẹp, chất lượng tốt từ Đề án OCOP_AG không chỉ tiêu thụ ở địa phương, mà còn có cơ hội quảng bá đến người tiêu dùng cả nước, giúp kinh tế vùng nông thôn phát triển.

Các cấp chính quyền ở các địa phương đã tham gia chọn lựa sản phẩm, tuyên truyền, hỗ trợ người dân trong việc nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Năm 2020, các sản phẩm được đề xuất tham gia OCOP_AG gồm: tinh dầu chúc, nếp Phú Tân, tung lò mò, bánh bò Tân Châu, nhãn Mỹ Đức, sản phẩm từ cây thốt nốt, xoài 3 màu, tinh bột huyền, du lịch cộng đồng - văn hóa TP. Long Xuyên, du lịch văn hóa Chăm.

Như vậy, trong giai đoạn này các sản phẩm được xác định, lựa chọn chủ yếu dựa trên phương pháp hoàn thiện/nâng cấp, phát triển các sản phẩm hiện có theo hướng chuỗi giá trị, sau đó mới được cấp chứng nhận “sao” theo tiêu chí đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Cơ hội cho sản phẩm truyền thống

Khi tham gia Đề án OCOP_AG, các sản phẩm của doanh nghiệp sau khi được chấm chọn, công nhận sẽ tiến sâu vào thị trường, người tiêu dùng sẽ đón nhận tích cực hơn. Đó cũng chính là xu hướng hiện nay, các sản phẩm khi bán ra thị trường phải có chứng nhận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, an toàn thực phẩm thì mới được người tiêu dùng tin tưởng, đón nhận.

Đối với cây thốt nốt, có nhiều sản phẩm được chọn tham gia Đề án OCOP_AG. Trong đó, tại Tri Tôn và Tịnh Biên tập trung phát triển sản phẩm đường thốt nốt không ly tâm. Bên cạnh sản phẩm đường là sản phẩm nước thốt nốt đóng chai, phát triển theo hướng có bao bì, nhãn mác và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm.

Từ khi triển khai thực hiện đến nay, huyện Tịnh Biên đã lựa chọn nhiều gói sản phẩm để phát triển theo Đề án OCOP_AG, trong đó có gói sản phẩm từ cây thốt nốt. Ông Đoàn Văn Phóng, đại diện Làng nghề sản xuất đường thốt nốt xã An Phú (Tịnh Biên), chủ Cơ sở sản xuất đường thốt nốt Lan Nhi cho biết, mỗi ngày cơ sở thu mua từ 2-3 tấn đường của người dân địa phương. Đường sau khi mua sẽ được cơ sở chế biến lại, đóng gói theo nhu cầu của khách hàng và xuất ra thị trường với sản lượng khoảng 1,5 tấn/ngày.

“Khi tham gia Đề án OCOP_AG, sẽ là cơ hội để học hỏi, tiếp cận với tình hình kinh doanh, buôn bán... Nếu được chương trình hỗ trợ về công nghệ thì việc phát triển sản phẩm chủ lực địa phương được tốt hơn, tăng sản lượng, mở rộng thị trường hơn nữa” - ông Phóng cho biết.

Tại làng Chăm Châu Phong (TX. Tân Châu), có 1 sản phẩm rất nổi tiếng là lạp xưởng bò (tung lò mò). Tuy nhiên, do đặc thù sản phẩm của người Chăm, việc bảo quản cũng như xây dựng kênh tiêu thụ còn nhiều khó khăn. Theo ông Hứa Hoàng Vũ, Chủ cơ sở lạp xưởng bò ANAS, khi tham gia Đề án OCOP_AG, tỉnh và TX. Tân Châu đã tạo điều kiện để cơ sở đưa sản phẩm kết nối với thị trường thông qua các hội chợ trong và ngoài tỉnh.

“Ngoài các chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ thì đánh giá “sao” sẽ giúp sản phẩm dễ dàng tiếp cận thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu, cũng như hưởng nhiều ưu đãi khác...” - ông Vũ giải thích.

ÁNH NGUYÊN