Theo phản ánh của người dân, từ khi có Trung tâm Pháp luật cộng đồng (gọi tắt là Trung tâm), họ thường đến đây yêu cầu giải thích pháp luật, xem xét, giải quyết nhiều sự việc, trong đó có vấn đề từ “thâm căn cố đế”, được coi là hóc búa. Từ hoạt động của Trung tâm, khá nhiều sự việc, nhất là về tranh chấp đất đai, dân sự, lạm dụng tín nhiệm, hành vi có dấu hiệu bạo lực của gia đình... được lắng xuống, giải quyết ổn thỏa.
Người dân giảm đáng kể việc liên hệ các cơ quan, ban, ngành huyện, gặp luật sư, luật gia, thậm chí đến TP. Long Xuyên nhờ “gỡ rối”. Đa phần yêu cầu của người dân được xem xét. Tuy nhiên, họ mong muốn sẽ được hưởng lợi nhiều hơn, khi Trung tâm trở thành đại diện cho họ trong các phiên tòa xét xử.
Trả lời việc này, Phó Chủ tịch UBND xã, Chủ nhiệm Trung tâm Pháp luật cộng đồng xã Tây Phú Phan Ngọc Quí cho biết: “Qua 10 tháng hoạt động, tuy còn mới nhưng Trung tâm được nhiều bà con tín nhiệm nhờ xem xét giải quyết nhiều vụ việc. Đó là tín hiệu tốt. Dù nhân sự trong Trung tâm đa phần kiêm nhiệm công việc, nhưng chúng tôi đã thực hiện số lượng lớn sự việc về pháp luật cho người dân. Tới đây, chúng tôi tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đồng thời kiến nghị cấp trên bổ sung đại diện Ban Nhân dân ấp làm thành viên của Trung tâm”. Ghi nhận thêm ý kiến của các thành viên trong Trung tâm, được biết, dù đang làm thí điểm, nhưng Trung tâm đã thực hiện tốt việc phổ biến, giáo dục pháp luật đến tận cơ sở. Ngoài khó khăn về nhân sự, Trung tâm rất cần có khoản kinh phí cho hoạt động mới này".
Buổi làm việc của Trung tâm pháp luật cộng đồng xã Tây Phú
Qua 10 tháng hoạt động, Trung tâm ở xã Tây Phú đã phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật gần 770 cuộc cho 2.450 công dân thông qua tiếp dân tại Trung tâm, triển khai ở cơ sở và qua đài truyền thanh của địa phương. Đặc biệt, qua tư vấn, trợ giúp pháp luật đã hòa giải thành, giải quyết nhiều tranh chấp trên các lĩnh vực.
Cụ thể, bà Cao Thị U. (cư ngụ và làm ruộng ở xã Tây Phú) khiếu nại người anh (Cao Văn B., ngụ xã Kiến Thành, Chợ Mới) chiếm dụng, đứng chủ quyền 17.000m2 đất của cha mẹ để lại cho bà. Bà U. khiếu nại đã lâu nhưng tranh chấp vẫn chưa ngã ngũ, tình anh em bị sứt mẻ.
Tuy nhiên, qua tư vấn, giải thích, phân tích của Trung tâm, ông B. đồng ý chuyển lại quyền sử dụng đất cho em gái. Ông Huỳnh Phú Q. (ngụ xã Tân Phú, Châu Thành) khiếu nại người vợ (Nguyễn Thị Thúy H., ngụ ấp Phú Thạnh, xã Tây Phú) không cho ông thăm con nhỏ theo bản án tuyên 2 người ly dị đã có hiệu lực pháp luật. Hai bên tiếp tục mâu thuẫn, suýt xảy ra ẩu đả, khi bà H. không đồng ý cho ông Q. thăm con.
Qua giải thích, phân tích của Trung tâm, bà H. mới thay đổi suy nghĩ và đảm bảo quyền lợi thăm con của ông Q. Hoặc điển hình như việc hòa giải thành tranh chấp đòi chia tài sản thừa kế của bà Huỳnh Thị Ánh X. (ấp Phú Hùng, xã Tây Phú), kéo dài nhiều năm, phức tạp nhưng Trung tâm vẫn thực hiện được. Tương tự, Trung tâm ở xã An Bình cũng thực hiện nhiều vụ việc, được người dân tín nhiệm.
“Mô hình Trung tâm Pháp luật cộng đồng thí điểm ở 2 xã nói trên được Hội Luật gia tỉnh An Giang đặc biệt quan tâm. Mục đích của mô hình hướng tới việc thu hút mọi nguồn lực xã hội thực hiện hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, hoạt động hòa giải ở cơ sở, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, góp phần đáp ứng nhu cầu tìm hiểu và nâng cao ý thức chấp hành, thực thi pháp luật của người dân.
Hội Luật gia tỉnh theo dõi hoạt động, đánh giá mặt làm được và chưa được, sơ - tổng kết để từng bước hình thành cơ sở pháp lý về tổ chức và hoạt động của Trung tâm, xem xét, quyết định về việc nhân rộng mô hình này ở cơ sở” - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Bùi Trí Dũng cho biết.
Bài, ảnh: NGUYỄN RẠNG