Khát vọng phát triển luôn thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới, mở rộng sản xuất từng ngày, nắm bắt công nghệ mới vào ngành nông nghiệp. Từ 5 năm trước, Công ty Cổ phần Rau quả Thực phẩm An Giang (Antesco) xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến chế biến, xuất khẩu mặt hàng chủ lực (bắp non, đậu nành rau). Công ty phối hợp Sở Nông nghiệp và Môi trường, Hội Nông dân tỉnh ký kết phát triển vùng trồng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, diện tích nông sản liên kết hơn 10.000ha trên toàn tỉnh.
Tổng Giám đốc Công ty Antesco Nguyễn Hoàng Minh cho biết: “Chúng tôi có các bước chuẩn bị để tiếp cận Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân của Bộ Chính trị. Hiện công ty vận hành 4 nhà máy, 12 dây chuyền, đạt năng suất 75.000 tấn/năm, 180 container hàng xuất khẩu/tháng. Đồng thời, cải tiến quy trình công nghệ, đầu tư 25 triệu USD xây dựng nhà máy, công nghệ hiện đại; 100% nhà máy ứng dụng truy xuất nguồn gốc điện tử; với 25 kho lạnh, hầm đông công suất lớn bảo quản sản phẩm tối ưu”. Ông Minh mong có cơ chế hỗ trợ thoáng hơn để công ty xây dựng nhà máy chế biến rác thải thành phân hữu cơ, cung cấp lại cho vùng trồng”.

Nhà máy Mỹ An chuyên thu mua, chế biến bắp non.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, trong hành trình “ghi tên nông sản Việt trên bản đồ thế giới”, nông dân phải là trung tâm. Đồng thời nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần sẵn sàng đón nhận cơ hội từ Nghị quyết số 57-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW để “xoay trục” hiệu quả, tối ưu hóa giá trị hiện có. “Doanh nghiệp xuất khẩu hàng tỷ USD thì vẫn chú ý đến thu nhập của nông dân. Thu nhập này phải được lượng hóa cụ thể từng năm, để chứng minh rằng, khi liên kết với doanh nghiệp, bà con được hưởng lợi nhiều. Không sử dụng từ “bao tiêu” như trước, mà phải là “liên kết”, hỗ trợ máy móc cho bà con, thể hiện rõ vai trò của kinh tế tư nhân, thông qua việc kiến tạo cho nông dân, thực hiện kinh tế nông thôn”, đồng chí Lê Minh Hoan chia sẻ.
Đồng chí Lê Minh Hoan đề xuất cách để doanh nghiệp gắn bó bền chặt với nông dân: Tôn vinh họ trong các chiến dịch truyền thông, lồng ghép hình ảnh nông dân vào video quảng bá, mở hội quán nhỏ giữa đồng để nông dân cảm nhận sự quan tâm hay đơn giản là gửi tài liệu về sức khỏe và kỹ thuật sản xuất thường xuyên. Đó chính là cách doanh nghiệp không chỉ bán sản phẩm mà còn bán thương hiệu, bán niềm tin và văn hóa gắn kết.
Một ví dụ điển hình là anh Đào Văn Hưng, ngụ xã Bình Giang, nông dân trẻ đang canh tác 70ha lúa theo mô hình liên kết. Anh Giang cho biết: “Trước đây làm theo kiểu cũ, trồng rồi tới đâu hay tới đó. Nay chúng tôi tham gia vào Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, nông sản đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, giá trị thu về cao hơn 3 - 5 triệu đồng/công. Thấy rõ hiệu quả nên chúng tôi sẵn sàng thay đổi tư duy, hợp tác lâu dài cùng doanh nghiệp”.
Để hiện thực hóa những giấc mơ lớn, cần “xanh hóa” sản xuất, hướng đến làm giàu bền vững. Tất cả quy trình cần khép kín, tuần hoàn, giảm thiểu chất thải, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Mỗi phần của cây trồng từ thân, lá đến rễ đều phải được tận dụng hiệu quả.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng gợi mở hướng đi mới cho doanh nghiệp: Kết hợp nông nghiệp với du lịch. Ví dụ như liên kết với đơn vị lữ hành, tổ chức tour trải nghiệm như nướng tôm tại chỗ, thăm vùng trồng sầu riêng hay gạo hữu cơ. Dù doanh thu không lớn, nhưng hiệu quả truyền thông, định vị thương hiệu và niềm tin mà khách hàng nhận được là rất cao. Đây còn là cách tạo việc làm cho lao động địa phương, giúp họ gắn bó với quê hương. “Đổi mới sáng tạo là yếu tố sống còn. Nông nghiệp còn nhiều dư địa để bứt phá. Hãy mơ cao hơn, xa hơn và biến những giấc mơ đó thành động lực phát triển trong thực tiễn”, đồng chí Lê Minh Hoan gửi gắm.
Bài và ảnh: GIA KHÁNH