Xã Hiệp Xương và các xã lân cận đều thuộc cụm xã vùng sâu, cách xa trung tâm huyện Phú Tân, chưa phát triển loại hình kinh doanh này. Nhận thấy nhu cầu vui chơi của người dân khá lớn, ông Tân quyết định đầu tư làm vườn sinh thái cung cấp các dịch vụ ăn uống kết hợp giải trí.
Ngoài vốn tích lũy, ông còn vay từ ngân hàng, tổng đầu tư khu vườn hơn 4 tỷ đồng. Hoạt động hơn 2 năm, theo phương châm “Lấy ngắn nuôi dài”, ông tận dụng từng phần đất nhỏ trong vườn để trồng cây ăn trái, rau màu cung cấp trực tiếp cho khách hàng.
Ông Tân là bộ đội phục viên. Trở về nhà, ông làm đủ nghề, từ nuôi vịt, làm thuê, buôn bán nhỏ và đi rất nhiều nơi. Thời điểm đó, nghề nào cũng chỉ bám trụ được thời gian ngắn, không có lời mà còn thua lỗ. Tuy nhiên, ông không nản chí.
Những nơi đi qua, ông học hỏi cách làm ăn của người thành công, để ý các mô hình hay, thú vị để làm vốn kinh nghiệm cho riêng mình. Khi về xã Hiệp Xương định cư, không có đất sản xuất, ông Tân sử dụng vốn tích lũy mở quán ăn, nhờ chăm chỉ cố gắng, cuộc sống dần ổn định.
Quyết tâm đổi đời, ông mạnh dạn vay vốn mua đất ruộng đầu tư vườn cây ăn trái. Trên mảnh đất hơn 15.000m2, các loại cây ăn trái được trồng rải đều và đa dạng. Ông thiết kế thêm lều, tum xen kẽ để đón khách phục vụ ăn uống. Khu vườn nằm cạnh đồng ruộng, có tầm ngắm lý tưởng để thưởng thức cảnh miền quê. Phía sau hàng dừa, mận, cà na… là cánh đồng mênh mông, hết mùa sản xuất có thể ngắm nước tràn đồng, vịt bơi, vừa thân thuộc, vừa thơ mộng.
Sau hơn nửa năm, ổi bắt đầu cho thu hoạch, kế đến là xoài, mít. Nhiều loại khác cũng được trồng xen trong vườn, vừa khai thác, vừa phục vụ cho khách đến trải nghiệm, như: Mận, dừa, chùm ruột, cà na… Mọi không gian trong vườn giờ đây được ông tận dụng tối đa: Dưới nước nuôi cá, trên mặt nước căng lưới để trồng thêm bầu, những khoảng đất trống nhỏ được trồng rau cải. Cây ăn trái thì xoài non tận dụng đem ngâm chua, chùm ruột làm mứt, cà na ngâm rượu…
Để tiện chăm sóc vườn, cây trồng được ông đầu tư hệ thống tưới tự động, chú trọng biện pháp hữu cơ. Các loại cá nuôi cũng tận dụng nguồn thức ăn từ phụ phẩm, tất cả trở thành mô hình khép kín.
Không chỉ vậy, ông còn dành một phần diện tích xây dựng hồ bơi, làm sân bóng đá để người dân đến có chỗ vui chơi, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng. Không gian chính trồng trái cây được ông Tân đào thêm mương dẫn nước để nuôi cá tai tượng, cá trê, cá tra… nhằm phục vụ khách vào vườn câu giải trí.
“Chiến lợi phẩm” được chế biến tại chỗ thành các món ăn theo nhu cầu thực khách do ông trực tiếp thực hiện. Ngoài ra, ông còn đào ao nuôi tôm càng xanh, mỗi năm thu hoạch được 2 đợt. Khoảng 6 - 7 tháng, tôm càng xanh được xuất bán, lợi nhuận thu về khoảng 40 - 50 triệu đồng. Các loại cây trồng khác cũng vậy, số lượng vừa đủ để bán cho bạn hàng, một phần được tận dụng phục vụ nhu cầu ăn uống tại vườn.
Tháng 11/2020, vườn sinh thái Mỹ Tân chính thức khai trương. Thời điểm đó, vườn hút khách rất mạnh. Tuy nhiên, chỉ thời gian ngắn thì xảy ra dịch COVID-19, mọi hoạt động đều phải ngưng, gia đình ông Tân gặp không ít khó khăn. Ông cho biết, sau thời gian phục hồi, nay quán hoạt động trở lại, dù không nhiều như trước nhưng đủ ổn định.
Ông đang cải tạo lại cơ sở, khu phục vụ tiệc có sân khấu, âm thanh, ánh sáng; điểm "check-in"; các hạng mục vui chơi nhỏ trong vườn. Ngoài dịch vụ tại chỗ, ông còn chế biến món ăn theo yêu cầu để cung cấp tận nơi cho các buổi tiệc. Ông còn dự định phát triển thêm một số dịch vụ mới, chuẩn bị đón khách trong mùa Tết.
Khách hàng hướng tới của ông Tân không chỉ là người dân trong xã, những người xa quê, mà có thể rộng hơn là thu hút khách từ nơi khác. Bởi hiện tại, ở vùng nông thôn, các vườn sinh thái đáp ứng đồng thời nhiều nhu cầu của khách hàng hầu như chưa phát triển mạnh. Ông Tân nhận định, mô hình của ông chỉ mới hình thành bước đầu, chưa thật sự thành công. Khó khăn từ điều kiện khách quan trong 2 năm xảy ra dịch bệnh khiến mô hình chưa đạt được kết quả như mong đợi.
Song, ông vẫn quyết tâm duy trì và tìm cách xoay sở để thời gian tới đổi mới thêm nhiều dịch vụ. Trải qua nhiều năm bôn ba và thay đổi đủ nghề, ông Tân tự nhận bản thân là người rất ham học hỏi. Mỗi nơi ông góp nhặt một chút kinh nghiệm và cách làm từ người khác, mới hình thành nên mô hình này và rất tâm huyết để theo đuổi đến khi thành công.
MỸ HẠNH