Mỗi hộ gia đình là một tuyên truyền viên

19/06/2018 - 07:41

 - Đó là mục tiêu và là kỳ vọng của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đối với vấn đề chống buôn lậu (BL), gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Từ mô hình điểm…

Để thực hiện được vấn đề này, một mô hình mang tính thí điểm đã được triển khai trên địa bàn thị trấn Tịnh Biên (Tịnh Biên) từ năm 2015. Đây là mô hình được UBMTTQVN tỉnh kết hợp các đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh triển khai trong các cấp của mình. Theo đó, chủ đề được đưa ra: “Mỗi hộ gia đình là một tuyên truyền viên trong phòng, chống BL, gian lận thương mại và hàng giả”, từ mô hình này đã làm chuyển biến nhận thức của cộng đồng; những hộ trực tiếp BL hoặc tiếp tay cho BL trước đây đã từng bước chuyển đổi ngành, nghề. “Từ khi triển khai mô hình đến nay, nhận thức của người dân trong cộng đồng đã được nâng lên. Trong số những hộ trực tiếp BL hoặc tiếp tay cho BL, có nhiều hộ chuyển đổi ngành, nghề, số còn lại đi nơi khác tìm kế mưu sinh. Mô hình bước đầu đã có hiệu quả tích cực”- Chủ tịch UBMTTQVN thị trấn Tịnh Biên Ngô Thanh Dũng chia sẻ.

Thị trấn Tịnh Biên có 5 khóm, trong đó số người dân tham gia BL, đai vác hàng lậu là 65 hộ, tập trung ở các khóm: Xuân Biên, Xuân Bình và Xuân Hòa. Để các hộ dân hiểu rõ việc tham gia BL hoặc tiếp tay cho BL là hành vi vi phạm pháp luật, thời gian qua, thị trấn Tịnh Biên đã thành lập ban tổ chức để thực hiện mô hình, gồm 13 đồng chí. Ban Tổ chức tiến hành kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, kết hợp Ban Nhân dân tự quản các khóm thường xuyên họp dân, tuyên truyền cho người dân hiểu và từ bỏ hành vi BL hoặc tiếp tay cho BL. Tính riêng trong năm 2017 đã phối hợp tổ chức được 18 cuộc tuyên truyền, với 828 người tham gia. Từ những cuộc tuyên truyền này đã làm chuyển đổi nhận thức của Nhân dân, những hộ dân trực tiếp tham gia BL hoặc đai vác mướn đã ý thức được hành vi của mình, một số người đã chuyển sang tìm nghề khác làm ăn.

…Đến những hạn chế

“Cái được từ mô hình là Nhân dân đã ý thức được tác hại của việc BL hoặc tiếp tay cho BL, từ đó đã tìm cách chuyển đổi ngành, nghề, tìm kế sinh nhai khác. Qua triển khai mô hình thí điểm cho thấy, nhận thức của người dân nơi triển khai mô hình đã được nâng lên. Các địa phương đã linh hoạt lồng ghép nội dung tuyên truyền này với các nội dung tuyên truyền khác, vì vậy số lần tuyên truyền ra cộng đồng được nhân lên nhiều lần, góp phần chuyển tải các thông điệp muốn đưa đến người dân”- Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh, thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Từ Thanh Khiết chia sẻ. “Gia đình tôi khổ quá, không có nghề nghiệp, không có đất để sản xuất vì vậy mới tham gia đai vác mướn cho những người BL. Từ khi biết được việc làm của mình vi phạm pháp luật, tôi đã từ bỏ, tìm cách chuyển đổi nghề khác để tìm kế sinh nhai. Nếu không có cuộc tuyên truyền ở khóm, tôi không nhận thức được hành vi của mình có tác hại như thế nào đến nền kinh tế” - ông Trần Văn Hòa (một người tham gia đai vác thuốc lá) chia sẻ.

Những cái được từ khi triển khai mô hình thí điểm “Mỗi hộ gia đình là một truyên truyền viên trong phòng, chống BL, gian lận thương mại và hàng giả” là vậy, song nếu các địa phương vì nhiều lý do khác nhau, không tiếp tục tuyên truyền, vận động thì e rằng, mọi việc “rồi đâu cũng trở lại đấy”. Bởi, hàng hóa qua biên giới như: thuốc lá, đường cát… vẫn còn tiêu thụ mạnh trên thị trường, mãi lực của đồng tiền rất lớn, trong khi một số hộ dân không có tư liệu sản xuất nên đai vác mướn thuốc lá lậu là dễ kiếm tiền nhất. “Để mô hình được thành công và có thể nhân rộng thì việc tạo ra việc làm là hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, hộ dân muốn chuyển đổi ngành, nghề họ cần có vốn để chuyển đổi và điều quan trọng là muốn chống BL thành công thì cần có các giải pháp đồng bộ, chứ tuyên truyền và vận động mới chỉ là một trong những giải pháp ban đầu” - ông Trần Thanh Quang (thị trấn Tịnh Biên, Tịnh Biên) chia sẻ.

“Vài hộ dân còn vì lợi ích cá nhân, lợi ích trước mắt nên tiếp tay cho BL. Những trường hợp này đa số rơi vào hoàn cảnh gia đình nghèo, khó khăn, không có đất sản xuất. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, việc tạo công ăn việc làm vẫn là “mấu chốt” của vấn đề” - Chủ tịch UBMTTQVN thị trấn Tịnh Biên Ngô Thanh Dũng chia sẻ.

 

Bài, ảnh: MINH HIỂN

 

Liên kết hữu ích