Chia sẻ tại hội nghị, các diễn giả đã trình bày tình hình thực thi chính sách pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá trên thế giới và tại Việt Nam; thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng - sự thật về chiến lược của ngành công nghiệp thuốc lá; quan điểm giảm hại đối với thuốc lá điếu bằng thuốc lá nung nóng; những quan ngại của việc tăng thuế thuốc lá; thực tế các ca viêm phổi cấp trên thế giới và Việt Nam do thuốc lá mới, cơ chế gây bệnh, mức độ nguy hiểm và mối liên quan của bệnh này với thuốc lá mới.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong gần 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử đang nhắm vào giới trẻ.
Quang cảnh hội nghị. |
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương cho rằng, thuốc lá nung nóng không phải sản phẩm giảm hại và không giúp cai nghiện thuốc lá điếu thông thường, gây hại đến sức khỏe đặc biệt là sự phát triển não bộ ở trẻ em và thanh thiếu niên; có các hóa chất độc hại và gây ung thư.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm khoảng 70.000 người Việt Nam chết vì các bệnh do thuốc lá; đồng thời, thuốc lá điện tử lôi kéo, làm gia tăng số người nghiện thuốc lá thông thường, làm hủy hoại các nỗ lực phòng, chống tác hại của thuốc lá thông thường.
“Số lượng và loại bệnh tật do vape ngày càng tăng, lan rộng, phức tạp và không có điểm dừng. Cần sa tổng hợp đang và sẽ là nhóm ma túy lớn nhất, phức tạp nhất và thách thức nhất trong nhiều năm tới. Thuốc lá điện tử là môi trường tồn tại chính của ma túy cần sa tổng hợp. Cần ngăn chặn ngay lập tức các loại thuốc lá mới, trước khi trở thành thuốc lá “cũ””, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nêu rõ.
Thông tin tại hội nghị, chỉ trong vòng 2 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13 đến 15 tuổi đã gia tăng một cách đáng kể, từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023; ở nhóm trên 15 tuổi, sử dụng thuốc lá điện tử cao ở nhóm từ 15 đến 24 tuổi với tỉ lệ là 7,3%.
Chia sẻ tại hội nghị, Thạc sĩ Nguyễn Thu Hương, Tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu (Vital Strategies), để đạt mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc, cần tăng thuế theo khuyến cáo của Bộ Y tế và WHO: bổ sung thuế tuyệt đối 5 nghìn đồng/bao từ năm 2026 và tăng lên thành 15 nghìn đồng/bao năm 2030.