Nơi rèn luyện
Trường ĐHAG hiện có 14 CLB sinh hoạt theo các lĩnh vực, trực thuộc Hội Sinh viên trường. Riêng CLB vườn thuốc nam là nơi khá đặc biệt, từ đối tượng phục vụ đến cách thức quản lý. Tại đây, 30 thành viên tham gia lao động, chăm sóc cây trồng, nhưng đa số ngành học của các bạn… không liên quan đến nông nghiệp.
Bạn Trịnh Tường Thanh Uyên (sinh viên năm 3, ngành Ngôn ngữ Anh) đang là Phó Chủ nhiệm CLB vườn thuốc nam, giữ vai trò kết nối, tổ chức các hoạt động cho các thành viên. “Không phải ai có nguyện vọng sẽ đều được vào đây sinh hoạt. Các bạn phải qua vòng phỏng vấn, thử việc trước khi được kết nạp chính thức. Qua mỗi học kỳ, nếu bạn nào hoạt động không tích cực, CLB sẽ mời ra. Do đó, số người gắn bó lâu dài ở đây khá khiêm tốn, tuy nhiên ban chủ nhiệm vẫn giữ quan điểm, chú trọng chất lượng sinh hoạt là trên hết” - Thanh Uyên chia sẻ.
Động cơ của hầu hết sinh viên khi tham gia vào các CLB là có điểm rèn luyện - phần đánh giá quan trọng song hành với điểm học tập trên lớp. Do trường có nhiều CLB, yêu cầu đặt ra cho các bạn khi bước vào môi trường chung là phải hoạt động thực chất, thường xuyên. Nội quy trong CLB là sự ràng buộc để sinh viên chăm chỉ. Mỗi ngày, sau khi tan học, cán bạn đến vườn lao động phải minh chứng bằng hình ảnh. Ngoài ra, thành viên sẽ quan sát lẫn nhau để mỗi người làm tròn trách nhiệm, tránh trường hợp đối phó để cộng điểm.
Sự khắt khe đầu vào đã góp phần để các CLB nói chung, CLB vườn thuốc nam nói riêng xây dựng môi trường rèn luyện lành mạnh. Từ đó, sinh viên được phát triển thêm nhiều kỹ năng mềm, gắn kết hòa đồng và nâng lên ý thức trách nhiệm trong tập thể. Vườn thuốc nam nằm chung với khu thực nghiệm của Trường ĐHAG, lọt thỏm giữa thành phố nhưng bên trong như một “vườn quê” thu nhỏ yên lành. Khoảng 16 giờ 30 phút, sau khi tan học, các bạn chia việc cùng làm. Người tưới nước, người làm cỏ, người hái đậu, người ươm thêm các hạt giống mới…
Giờ lao động thư giãn ở vườn thuốc nam
Bạn Bùi Thị Ngọc Huyền (Phó Chủ nhiệm đối nội CLB vườn thuốc nam) được ví như thợ vườn chính hiệu vì am hiểu các loại dược liệu. Càng bất ngờ hơn khi Huyền đang học năm 3 ngành Kế toán, vốn không liên quan gì đến cây trồng. Nhiều bạn khác cũng giống Huyền, nhà ở thành phố, ít có điều kiện trồng rau, cây xanh. Các bạn vào đây, được chăm bón, quan sát cây lớn từng ngày, đơm hoa. Thỉnh thoảng, mọi người họp mặt tổ chức tiệc “cây nhà lá vườn”, xem như cách thư giãn thú vị sau giờ học tập căng thẳng.
Nhân lên giá trị
CLB vườn thuốc nam Trường ĐHAG thành lập ngày 10/6/2019, trực thuộc Hội Sinh viên trường, là dự án của CLB Pi Green, được tổ chức Alphanam Green Foundation tài trợ. Mục đích chính lập ra vườn thuốc nhằm bảo tồn nguồn dược liệu. Để duy trì, hàng năm, CLB chia nhóm tỏa đi các nơi để sưu tầm. Cây thuốc được tìm theo địa chỉ trên danh sách do các anh chị khóa trước để lại. Trong đó, có nhiều cây thuốc hiếm thấy hoặc đã cạn kiệt do khai thác trong tự nhiên, như: Ngũ trảo, bùm sụm, sâm đại hành, nghệ đen…
Qua 6 năm hoạt động, mỗi nhiệm kỳ, các thế hệ sinh viên đều có những hoạt động để lại dấu ấn. Điển hình, bạn Nguyễn Văn Thuận (sinh viên ngành Bảo vệ thực vật khóa 18) là người đã đưa ra ý tưởng gắn QRcode cho từng cây thuốc. Mã QR trên từng cây giúp người xem offline có ngay thông tin về tên, tên khoa học, công thức, công dụng chính của cây… gói gọn trong khoảng 300 chữ. Trên Fanpage, CLB còn có mã QR truy cập online với nội dung đầy đủ, chi tiết hơn.
Bạn Trịnh Tường Thanh Uyên cho biết, một số cây thuốc thu hoạch được số lượng lớn, các bạn tặng lại cho nhà thuốc nam trong tỉnh. Từ đây, nhiều hoạt động ý nghĩa được CLB mở rộng phục vụ đến cộng đồng. Dịp Tết, các bạn sử dụng nguồn quỹ chung, đồng thời vận động thêm nhà hảo tâm, doanh nghiệp đóng góp để tổ chức đến các địa phương tặng quà cho người nghèo, trẻ em. Nhờ những chương trình thiết thực, kết nối với chính quyền địa phương nhiều hơn, các bạn trở nên mạnh dạn, hoạt bát, năng động, hoàn thiện thêm nhiều kỹ năng, đặc biệt trong giao tiếp.
Hiện nay, ngoài các loại dược liệu, vườn thuốc còn phát triển thêm một số nông sản, dự kiến bán để gây quỹ, tiếp tục thực hiện các hoạt động ý nghĩa mới. “Tất cả cây trồng ở đây đều được chăm sóc theo phương pháp hữu cơ, nên CLB tự tin về việc cung ứng nguồn rau an toàn để bán cho người tiêu dùng. Ngày trước, bên cạnh cây thuốc, vườn còn phát triển mạnh các loại cây ăn trái. Tuy nhiên, do bị mất khá nhiều, cộng với thổ nhưỡng không phù hợp nên tụi em chuyển hướng trồng rau ăn lá” - bạn Bùi Thị Ngọc Huyền cho biết.
Nhờ nỗ lực duy trì của các thành viên trong CLB, vườn thuốc rộng 700m2 với khoảng 100 loại dược liệu liên tục được bổ sung hàng năm. Vườn thuốc nam của trường ĐHAG còn được sinh viên chuyên ngành cây trồng ngoài tỉnh đến tìm hiểu. Các em học sinh tiểu học cũng được giáo viên tổ chức đến trải nghiệm, phân biệt các loại cây, làm quen lao động theo các anh chị...
Không còn giới hạn trong câu chuyện lao động để đạt điểm rèn luyện, mà niềm vui và những lợi ích tích cực trong sinh hoạt CLB đã gắn kết các bạn sinh viên tâm huyết, trách nhiệm với môi trường họ đã chọn.
|
MỸ HẠNH