Vỏ cây sa kê có tác dụng tiêu viêm, tiêu độc, lợi tiểu, dùng để trị ghẻ; Lá sa kê phối hợp với lá đu đủ non tươi, giã với vôi để đắp trị mụn nhọt. Còn lá sa kê có tác dụng kháng sinh, tiêu viêm lợi tiểu… Trong dân gian còn sử dụng lá sa kê để trị phù thũng hay viêm gan vàng da bằng cách lấy lá tươi nấu uống…
Cây sa kê được trồng nhiều ở miền Tây Nam bộ. Là loại cây gốc nhỏ, có nhựa mủ, cành mảnh mọc ngang, dài làm thành tán rộng, dày. Lá lớn chia 3 - 9 thùy dạng thuôn dài, cuống mập, rụng để sẹo trên cành, đặc biệt lá màu xanh bóng, khi rụng đổi màu vàng nâu khô, cứng làm vật trang trí. Cụm hoa đực dạng bông dài, hoa nhỏ màu vàng. Cụm hoa cái hình cầu thuôn, mập khi non màu xanh thẳng đứng trên cành, già chuyển sang vàng rất bền.
Cây cho quả làm cảnh rất đẹp. Quả sa kê to tròn hoặc hình trứng, mọc thành từng chùm, được sử dụng để chế biến thành nhiều món ăn ngon. Thường quả sa kê được xắt ra thành từng lát nhỏ, rồi tẩm với bột chiên giòn, ăn ngon như ăn bánh mì.
Sa kê hầm sườn non.
Một số bài thuốc thường dùng:
Bài 1: Hỗ trợ điều trị đái tháo đường: Lá sa kê (loại lá đã già) 100g, quả đậu bắp tươi 100g, lá ổi non 50g. Tất cả đem nấu chung cho 700ml nước, nấu còn 400ml uống thay trà hàng ngày, 15 ngày 1 liệu trình.
Bài 2: Chữa thống phong: Lá sa kê già tươi (khoảng 100g), dưa chuột 100g, cỏ xước khô (ngưu tất nam) 50g. Tất cả đem nấu với 550ml nước, nấu còn 200ml uống thay trà hàng ngày, 10 ngày 1 liệu trình.
Bài 3: Giảm đau răng: Lấy rễ cây sa kê nấu nước ngậm và súc miệng sẽ giúp giảm đau răng.
Bài 4: Hỗ trợ trị viêm gan vàng da: Lá sa kê còn tươi 2 lá (100g), diệp hạ châu tươi 50g, củ móp gai tươi 50g, cỏ mực khô 50g. Tất cả đem nấu chung với 550ml nước, nấu còn 250ml, chia làm 2 lần dùng trong ngày, 10 ngày 1 liệu trình.
Ngoài ra, một số nơi bà con thường lấy quả sa kê hầm sườn non là món ăn vừa ngon miệng vừa có tác dụng giải nhiệt rất tốt. Nấu món này rất đơn giản, sườn non mua về rửa qua nước muối, sau đó rửa lại bằng nước sạch. Cho sườn non vào nồi nước đun sôi thì tắt bếp, đổ nước đó đi, cho nước sạch vào và tiếp tục đun sôi. Sa kê gọt vỏ, thái lát dầy, khi nước sôi thì cho vào nồi. Nêm lại các loại gia vị cho vừa ăn, đợi nước trong nồi sôi lại thì tắt bếp. thêm hành, mùi, gia vị và dùng nóng.
Lưu ý: Trước khi sử dụng bài thuốc cần được bắt mạch để gia giảm các vị thuốc cho phù hợp và đạt kết quả cao trong điều trị. Vì vậy, cần đến các thầy thuốc có uy tín để được tư vấn cụ thể. Đối với người không có bệnh thì không nên tự ý dùng lá sa kê nấu uống thường xuyên.
Theo Sức khỏe & Đời sống