Món ngon ngày Tết

18/01/2023 - 03:25

 - Tết miền Tây có những món ngon khiến người đi xa phải nhớ. Đó không phải là những món ăn đòi hỏi chế biến cầu kỳ, đợi đúng mùa mới được thưởng thức, mà đơn giản bên mâm cơm có đủ hương vị quê nhà thì Tết mới trọn vẹn. Người người mong Tết, chờ Tết, cũng chỉ để tận hưởng cảm giác gia đình sum họp, ngắm hoa nở ngoài sân, đồ ăn thơm trong bếp, bàn khách đầy ắp khay mứt ngọt lòng…

Tết về là phải có mứt, đã trở thành quy luật bất thành văn. Mấy chục loại bánh mứt đủ mùi vị có mặt từ các phiên chợ xôm tụ đến gian bếp tự làm ở nhà luôn phảng phất mùi ngọt béo hấp dẫn. Mứt dừa đủ màu đẹp mắt, mứt hạt sen ngọt bùi, mứt mãng cầu chua nhẹ và thơm phức, mứt gừng nổi bật sắc vàng và cay the… Mỗi loại là một câu chuyện riêng về cách làm, để người thưởng thức không chỉ được ăn ngon mà còn cảm nhận sự hiếu khách của gia chủ.

Đời sống nâng cao, trong cách chế biến mứt càng chú trọng đến yếu tố thẩm mỹ lẫn sức khỏe. Nhiều người ưa chuộng mứt dừa non, có độ ngọt vừa và dẻo mềm. Sợi mứt được nhuộm xanh bằng hoa đậu biếc, nhuộm cam bằng màu gấc, nhuộm vàng bằng nước ép chanh dây… Kỳ công để làm ra dĩa mứt ngũ sắc thật không dễ. Tiện lợi ở chỗ, hễ có “cầu” là có “cung”. Từ các thợ bánh lành nghề, đến những chị nội trợ khéo tay, họ sẵn lòng gia công để bán mạnh mùa Tết.

Cuối tháng Chạp, các cơ sở càng thêm tất bật sản xuất để kịp hoàn thành những món đặc trưng phục vụ thị trường. Không có làng nghề quy mô, nhưng len lỏi giữa phố xá đông đúc vẫn có những “thương hiệu” riêng nhờ giữ nghề và được khách hàng ủng hộ.

Chẳng hạn như Cơ sở kẹo Xuân Hiền (TP. Long Xuyên) đã hoạt động trên 30 năm, chuyên sản xuất kẹo chuối, kẹo mè xửng, kẹo chuối đậu phộng, kẹo gừng dẻo. Trung bình 1 tháng, cơ sở cung ứng khoảng 2 tấn kẹo các loại. Anh Hoàng Gia (chủ cơ sở) cho biết, dù đầu tư hệ thống máy móc, gia đình vẫn chú trọng giữ nguyên chất lượng, hương vị truyền thống để giữ uy tín đối với khách hàng.

Bên cạnh bánh kẹo, ẩm thực ngày Tết phải kể đến những món chính trên mâm cơm, với món bánh tét truyền thống, nồi thịt kho dậy mùi thơm hấp dẫn, canh khổ qua hầm, lạp xưởng màu đỏ óng ánh tươm mỡ, dĩa dưa kiệu chua giòn kèm với tôm khô…

“Ở quê, mình chỉ biết đến mấy cô, mấy dì khéo tay “có tiếng” làm bánh ngon, hễ có tiệc, đám giỗ là đến đặt hàng. Nhờ những cuộc thi, lễ hội dịp cuối năm mới nhận ra trong tỉnh còn số thợ nấu, thợ bánh và cả nghệ nhân làm bánh đông đảo. Nhờ những người gắn với nghề truyền thống, mà mâm cơm ngày Tết mới gợi lại nếp xưa đúng nghĩa” - chị Lưu Huỳnh Kim Trang (TP. Long Xuyên) chia sẻ.

Những cái tên thân thương, gọi “cô Tư”, “cô Bảy” là thợ bánh ở huyện, thị xã chưa ai kịp nhớ hết. Người ta ấn tượng trước bởi mấy đòn bánh tét khéo tay được gói và tạo hình tam sắc, ngũ sắc, hình chữ, hay đơn giản là bánh nhân chuối, nhân đậu… nhưng nhờ sự lành nghề mà mùi vị ngon đến lạ.

Cùng với đó, dưa để ăn kèm là món “chống ngán” hiệu quả, dễ chế biến thành nhiều món ngon lành trong bữa cơm. Dưa chua ngày Tết được bán nhiều ở chợ với đủ loại, được trưng bày đẹp mắt. Dưa hành màu tím, dưa củ cải trắng, dưa kiệu xếp ngay ngắn tạo hình bông hoa tỉ mỉ, dưa da đầu heo trong bóng… đượm vị chua nồng, ăn kèm món nào cũng hợp.

Tết về, nhà của chị Út Trang (huyện Châu Phú) vừa tự tay làm, vừa mua thêm nhiều loại thực phẩm bán. Đến kể danh sách chị cũng không nhớ hết, nhưng được khách ưa chuộng nhất mùa này là pa-tê thịt nguội, chả lụa, bánh tét, mà “sang chảnh” nhất trong các món dưa là dưa da đầu heo, có màu sắc đẹp mắt, ăn ngon và bán rất chạy.

“Dưa có độ giòn sựt sựt trong từng miếng gân của lỗ tai heo, gia đình làm từ giấm nuôi không phải giấm công nghiệp nên có vị chua thanh. Kèm theo nguyên liệu là tỏi bào mỏng, ớt thái khoanh trộn đều tăng thêm hương vị tự nhiên. Ở vùng quê, nhờ dịch vụ vận chuyển tiện lợi, nhà tôi bán đi nhiều nơi. Từng đợt được làm sẵn để có hàng cung ứng suốt dịp Tết” - chị Trang cho biết.

Thời bây giờ cái gì cũng có bán sẵn, nhưng với các bà, cá mẹ vẫn muốn tự làm cho có không khí Tết. Qua rằm tháng Chạp, nhà nhà ở quê lại chuẩn bị nguyên liệu làm dưa. Rau muống, cải tùa xại tự trồng, hành tím đặc sản xứ Vĩnh Châu… sơ chế ngâm chung giấm đường để dành.

Dù chưa Tết, nhưng nhờ mạng xã hội thịnh hành, các bà nội trợ đã chia sẻ sẵn nhiều công thức để đổi vị ngày Tết cho gia đình cũng như đãi khách. Vậy là thực đơn bữa cơm Tết thêm phong phú với chả hấp, gỏi trộn chả lụa, thịt bò cuộn bánh tráng, tùy bữa lại thêm biến tấu để không lãng phí thực phẩm dự trữ mấy ngày Xuân.

Từ lâu, hình ảnh nhà nhà tất bật chuẩn bị đón Tết đã trở thành một phần ký ức không thể quên trong lòng những đứa con xa xứ. Có rất nhiều món ăn ngày Tết mang nhiều ý nghĩa, đậm đà hương vị Tết Việt. Quả thật bây giờ, muốn ăn thịt kho hột vịt, dưa chua củ kiệu, tôm khô… ngày nào mà chẳng được. Khác ở chỗ mấy bữa Tết, mọi người ngồi bên nhau sum vầy mới cảm nhận hết ý nghĩa của bữa ăn, trân trọng những mùi vị thân quen.

MỸ HẠNH