Nhường Tết đoàn viên cho dân
Những ngày này, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh An Giang, các đồn biên phòng, chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19 rộn rã những chuyến thăm hỏi, tặng quà từ địa phương, sở, ngành. Đại tá Trần Quốc Khánh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chia sẻ: “Chúng tôi quán triệt, triển khai nghiêm túc, hiệu quả, đồng bộ biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới, đấu tranh phòng, chống tội phạm, không để xảy ra điểm nóng trên biên giới.
Cùng với đó, tuyên truyền nhân dân khu vực biên giới chấp hành nghiêm chủ trương, pháp luật liên quan; tố giác tội phạm, làm trong sạch địa bàn. Lực lượng BĐBP tuần tra, mật phục, phối hợp các lực lượng kiểm soát, ngăn chặn, tấn công tội phạm, đặc biệt là tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, ma túy, đưa đón người xuất, nhập cảnh trái phép trong giai đoạn cao điểm Tết”.
Cán bộ, chiến sĩ (CBCS) được giáo dục chính trị tư tưởng, đảm bảo chế độ, chính sách trong dịp Tết, giúp họ an tâm thực hiện nhiệm vụ, luân phiên ứng trực hoặc về quê ăn Tết vui vẻ, an toàn, theo tinh thần “Vui Xuân không quên nhiệm vụ”, không bỏ trống trận địa.
Theo đại úy Phan Tiến Chung, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng số 3 (Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn, TP. Châu Đốc), CBCS quê nhiều nơi xa tít, như tỉnh Thanh Hóa, Hải Dương… Nhận nhiệm vụ, họ cùng đón Xuân ở địa bàn biên giới An Giang, xem đây là quê, còn đồng đội là người thân. “Đã quán triệt rõ nhiệm vụ, nên 100% anh em dốc lòng hoàn thành nhiệm vụ, để nhân dân vui Xuân, đón Tết bình an” - đại úy Chung bày tỏ.
TP. Long Xuyên thăm, tặng quà nguyên lãnh đạo thành phố
Đỉnh núi Sam (TP. Châu Đốc) thường rộn rã mùa du lịch, mùa Vía Bà Chúa xứ. Nhưng ít ai biết, có những CBCS lặng thầm với công việc đảm bảo thông tin chuyên ngành, ngày đêm bám trụ trên đỉnh núi. Điển hình như Đài trung gian núi Sam (Đại đội Thông tin, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang).
Thượng úy Nguyễn Nhựt Tân chia sẻ: “Khắc phục mọi khó khăn về địa hình, khu vực đóng quân, cơ sở vật chất, đơn vị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được thủ trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh khen thưởng trong năm nay. Sắp tới, ngoài việc tăng cường thực hiện nhiệm vụ dịp lễ, Tết, chúng tôi còn tổ chức cho hạ sĩ quan ra quân, đón nhận chiến sĩ mới về công tác, tiếp tục quá trình huấn luyện, công tác mới”.
“Được dịp đến thăm những người lính làm nhiệm vụ nơi biên giới dịp đầu Xuân, tôi cảm thấy yên tâm khi nghe mọi người bày tỏ tâm tư, ý chí quyết tâm vượt khó, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tôi rất chia sẻ và biểu dương tinh thần ấy. Họ sẵn sàng đón Tết xa quê, xa gia đình, vì Đảng, nhà nước và quân đội phân công.
Năm 2022 khép lại, với nhiều thành tích giữ vững an ninh biên giới, an ninh trật tự. Năm 2023 dự báo không ít khó khăn, áp lực đặt lên vai những người lính càng nặng nề hơn. Rất mong, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm, thường xuyên đến thăm hỏi, hỗ trợ vật chất lẫn tinh thần, để CBCS vừa giữ bình yên cho quê nhà, vừa có Tết đầm ấm” - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.
Giữ Tết an vui cho gia đình
Như thông lệ, các đoàn công tác luân phiên đến thăm, động viên, chúc Tết nhiều nơi trước thềm năm mới. Đó là gia đình chính sách, như thương binh 2/4 Vũ Đức Nghĩa vẫn mãi trăn trở với cuộc đời và nghề viết lách. Đó là cụ bà Nguyễn Thị Chửng (cùng ngụ phường Vĩnh Mỹ, TP. Châu Đốc) vừa tròn 90 tuổi, móm mém tươi cười nhắc chuyện xưa, chuyện nay. Bước qua nhiều thăng trầm gần 1 thế kỷ, người bạn đời tạm rời nhân thế trước, bà nhớ ông, thương con, quý cháu. Đầu óc bà vẫn còn minh mẫn, nên ông Nguyễn Thanh Bình gửi gắm lời chúc trường thọ, mong bà “là chỗ dựa vững chắc”, là “cây cao bóng cả” của gia đình.
Cụ bà Nguyễn Thị Chửng nhận lời mừng thọ từ Chủ tịch UBND tỉnh
Những chuyến thăm thân tình vào đầu Xuân, đến với cán bộ hưu trí địa phương, tuổi việc đã hết, nhưng còn dõi theo bước chân thế hệ sau: Bà Võ Thị Vân, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Long Xuyên (nay là TP. Long Xuyên); ông Nguyễn Minh Khuyên, nguyên Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy…
Bước chân ấy đến thăm, tặng quà hàng trăm gia đình chính sách, người có công với cách mạng, hộ nghèo, người già neo đơn xã Lạc Quới (huyện Tri Tôn) trong chương trình “Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản”. Là những buổi thăm, họp mặt với chức sắc, chức việc tôn giáo, lắng nghe tất cả hoan hỉ chờ mong ngày Tết cổ truyền, hòa hợp đạo - đời… Đó còn là hàng ngàn suất học bổng đến với học sinh, sinh viên vượt khó, giúp các em đón Tết thật vui, thật hạnh phúc, để vơi đi mặc cảm giữa đời.
Tết đang về với mọi người, dù có gia đình hay neo đơn. Bà Lê Thị Tuyết (hơn 70 tuổi) từ Campuchia trở về Việt Nam sau những tháng ngày loạn lạc chiến tranh biên giới. Và rồi… bà chẳng còn tìm được ai. Hơn 22 năm, bà đành xem Trung tâm Nuôi dưỡng người già neo đơn và trẻ mồ côi TP. Châu Đốc là mái nhà thân thương của mình.
Thi thoảng, vẫn có người cháu đến thăm, nhưng phần lớn thời gian, bà sống với “đại gia đình” đông đúc, với tấm lòng thơm thảo của xã hội. Dịp Tết này, bà cũng có quà, có bánh, có bao lì xì. “Được quan tâm như vậy là quý quá rồi, tôi không mong gì hơn. Có mong, là mong mình khỏe mạnh, tự chăm sóc cho mình, đỡ phiền hà mọi người xung quanh” - bà nở nụ cười bình yên.
Chúng tôi - đội ngũ làm truyền thông - bắt đầu náo nức từ ngày chớm Tết. Tất bật theo chân các đoàn công tác, bận rộn tác nghiệp, hầu như ai nấy hoạt động hết công suất. Bù lại, chúng tôi gom góp những tấm ảnh đầy nụ cười tươi vui, góp phần lan tỏa “người biết yêu người”...
Theo Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội An Giang Châu Văn Ly, tỉnh dành 103 tỷ đồng để chăm lo Tết Nguyên đán 2023 cho nhiều đối tượng, như: Hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, người cao tuổi, người lao động khó khăn vì mất việc, người đang hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng…
|
GIA KHÁNH