Một bữa ăn nên kéo dài bao lâu?

09/04/2025 - 14:05

Dân gian quan niệm "ăn chậm, no lâu", vậy một bữa ăn nên kéo dài bao lâu là tốt cho sức khoẻ?

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Từ Ngữ, Hội Dinh dưỡng Việt Nam, trong guồng quay bận rộn của cuộc sống hiện đại, không ít người lựa chọn cách ăn cơm thật nhanh – chỉ vỏn vẹn 10-15 phút để tiết kiệm thời gian.

Thói quen tưởng chừng vô hại này lại âm thầm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, gây mệt mỏi và tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường ruột, béo phì.

Thời gian ăn, bao nhiêu là đủ?

Một bữa ăn lý tưởng, tính từ lúc bắt đầu cho đến khi buông đũa, không nên kéo dài quá 30 phút. Đây là khoảng thời gian hợp lý để cơ thể tiếp nhận, xử lý thức ăn hiệu quả. Đồng thời tạo không gian thưởng thức hương vị, màu sắc, kết cấu thực phẩm – những yếu tố không chỉ làm nên trải nghiệm ăn uống trọn vẹn mà còn kích thích tiêu hóa, hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.

Nếu bữa ăn kéo dài quá lâu, thực phẩm dễ nguội lạnh, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập - đặc biệt nguy hiểm trong điều kiện ăn uống ngoài trời như ở các quán vỉa hè. Chưa kể, việc ăn uống kéo dài còn làm giảm cảm giác ngon miệng, khiến bữa ăn trở nên uể oải, thiếu chất lượng.

Tình trạng “ăn rong”, bữa ăn kéo dài tới cả tiếng đồng hồ ở trẻ nhỏ đang trở thành vấn đề phổ biến trong nhiều gia đình. Thức ăn nguội lạnh, bị nghiền nát, mất hương vị ban đầu không chỉ khiến trẻ chán ăn mà còn dễ gây rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, khó hấp thu.

Bên cạnh đó, việc ép trẻ ăn lâu cũng dẫn đến áp lực tâm lý cho cả cha mẹ lẫn con cái, làm gia tăng căng thẳng trong bữa cơm gia đình. Về lâu dài, điều này có thể góp phần gây chứng biếng ăn kéo dài ở trẻ – một trong những nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng, chậm phát triển.

Bữa ăn lý tưởng, tính từ lúc bắt đầu nhai cho đến khi buông đũa, không nên kéo dài quá 30 phút. (Ảnh minh hoạ)

Bữa ăn lý tưởng, tính từ lúc bắt đầu nhai cho đến khi buông đũa, không nên kéo dài quá 30 phút. (Ảnh minh hoạ)

Ăn quá nhanh, tiềm ẩn nhiều rủi ro

Ngược lại, việc ăn cơm quá nhanh – chỉ trong 10-15 phút – cũng là thói quen cần thay đổi. Khi ăn vội, não bộ không kịp tiếp nhận tín hiệu no, khiến cơ thể tiêu thụ nhiều thực phẩm hơn mức cần thiết. Từ đó tạo cảm giác đầy hơi, chướng bụng, thậm chí mệt mỏi sau ăn.

Về lâu dài, thói quen này làm tăng nguy cơ tăng cân mất kiểm soát, béo phì và các bệnh lý chuyển hóa. Chưa kể, ăn nhanh khiến dạ dày phải làm việc quá sức, dễ dẫn đến viêm loét, rối loạn tiêu hóa và các bệnh đường ruột khác.

Lời khuyên từ chuyên gia

Dù bận rộn đến đâu, hãy dành cho mình ít nhất 20-30 phút để dùng bữa trọn vẹn. Ăn chậm, nhai kỹ không chỉ giúp tiêu hóa tốt hơn, mà còn là cách chăm sóc sức khỏe tinh thần, mang lại cảm giác thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng.

Hãy coi bữa ăn không đơn thuần là "nạp năng lượng", mà là khoảng thời gian cơ thể được nuôi dưỡng một cách lành mạnh - cả về thể chất lẫn cảm xúc.

Theo VTC