Một quốc gia chi tiền gấp 53 lần mua gạo Việt, thành khách hàng lớn nhất

12/10/2023 - 08:12

Quốc gia này bất ngờ trở thành khách hàng lớn nhất của gạo Việt trong tháng 9.

Chỉ trong 1 tháng, Indonesia đã chi ra 101,4 triệu USD để mua hơn 166 nghìn tấn gạo Việt Nam, gấp 53 lần cùng kỳ năm ngoái.

Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tháng 9 năm nay, Việt Nam xuất khẩu hơn 605,4 nghìn tấn gạo, thu về 377,9 triệu USD, tăng nhẹ 3,8% về lượng nhưng lại tăng mạnh 37,3% về giá trị so với tháng cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, trong tháng 9/2023, nước ta xuất khẩu 166 nghìn tấn gạo sang Indonesia, đạt 101,4 triệu USD, gấp 53 lần so với tháng 9/2022. Trong khi, giá trị xuất khẩu sang Philippines và Trung Quốc lần lượt là 62,7 triệu USD và 43,7 triệu USD.

Theo đó, Indonesia chính thức vượt qua Philippines và Trung Quốc, trở thành khách hàng lớn nhất của gạo Việt Nam trong tháng 9 vừa qua.

Indonesia chi 101,4 triệu USD để mua gạo Việt Nam chỉ trong 1 tháng. (Ảnh: Hoàng Hà)

Indonesia chi 101,4 triệu USD để mua gạo Việt Nam chỉ trong 1 tháng. (Ảnh: Hoàng Hà)

Tính đến hết tháng 9/2023, nước ta xuất khẩu gần 6,42 triệu tấn gạo, giá trị đạt 3,54 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu gạo tăng 19,5% về lượng và tăng 35,9% về giá trị.

Về thị trường xuất khẩu, Philippines vẫn là khách hàng lớn nhất của gạo Việt Nam. Trong 9 tháng năm 2023, xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 1,29 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam với kim ngạch đạt 495,8 triệu USD, tăng mạnh 55,2%.

Xếp thứ 3 là Indonesia khi giá trị xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 462,6 triệu USD, tăng 1.796% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ và Chile có mức tăng đột biến, lần lượt là 10.608% và 2.291%.

Giá gạo Việt ngược chiều đối thủ cạnh tranh

Thông tin từ Bộ NN-PTNT, giá xuất khẩu gạo bình quân của nước ta trong 9 tháng năm 2023 đạt 553 USD/tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2022, có thời điểm lên đến gần 650 USD/tấn.

Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, những ngày gần đây giá gạo Việt neo cao và có xu hướng ngược chiều so với các đối thủ cạnh tranh là Thái Lan và Pakistan.

Hôm 10/10, gạo 5% và 25% tấm xuất khẩu của Thái Lan đồng loạt giảm 3 USD/tấn, xuống còn 578 USD/tấn và 530 USD/tấn; các loại gạo cùng loại của Pakistan giảm mạnh về mức 548 USD/tấn và 468 USD/tấn.

Trong khi đó, gạo 5% và 25% tấm xuất khẩu của Việt Nam lại nhích nhẹ, lần lượt lên mức 618 USD/tấn và 598 USD/tấn.

Do xu hướng tăng giảm trái chiều nên gạo Việt vẫn có giá đắt nhất thế giới, đồng thời gia tăng cách biệt với gạo Thái Lan và Pakistan. Cụ thể, gạo 5% tấm của Việt Nam có giá cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan 40 USD/tấn, hơn gạo Pakistan 70 USD/tấn; gạo 25% tấm của nước ta cũng cao hơn hàng Thái Lan 68 USD/tấn, hơn hàng Pakistan 130 USD/tấn.

Tại thị trường nội địa, cập nhật giá lúa gạo mới nhất trong tuần (28/9-5/10) của VFA cũng cho thấy, giá gạo đồng loạt tăng từ 8-193 đồng/kg tùy loại. Trong đó, lúa thường tại ruộng có giá bình quân 7.850 đồng/kg, lúa thường tại kho giá 9.017 đồng/kg, gạo xát trắng loại 1 giá 14.263 đồng/kg, gạo 5% tấm giá 14.250 đồng/kg, gạo 15% tấm là 14.058 đồng/kg, gạo 25% tấm ở mức 13.808 đồng/kg...

Tại vựa lúa gạo ĐBSCL, nông dân đang thu hoạch lúa Thu Đông và bán với giá từ 8.000-8.600 đồng/kg ngay tại ruộng.

Một doanh nghiệp trong ngành nhận định, những tháng cuối năm, nước ta có nhiều cơ hội để xuất khẩu gạo sang các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc và Indonesia...

Theo đó, Philippines - quốc gia nhập nhiều gạo Việt nhất - đã tăng mua trở lại sau gần một tháng tạm ngưng do lệnh áp giá trần với gạo trong nước. 

Còn Indonesia, Cơ quan Hậu cần quốc gia nước này (Bulog) vừa thông báo mời thầu 500.000 tấn gạo nhập khẩu, trong đó có 300.000 tấn dành cho nguồn cung từ Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và 200.000 tấn từ Pakistan.

Giữa tháng 9, một doanh nghiệp của nước ta cũng trúng thầu đơn hàng 50.000 tấn gạo từ Indonesia với giá 640-650 USD/tấn.

Trong khi đó, thị trường Trung Quốc được nhận định sẽ tăng mua các loại gạo nếp để phục vụ cho nhu cầu lễ Tết cuối năm.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN lần thứ 45 tổ chức ngày 4/10 ở Kuala Lumpur (Malaysia), các bộ trưởng ASEAN khẳng định ưu tiên cung cấp lương thực cho các nước thành viên và cân nhắc áp trần khi giá gạo toàn cầu tăng vọt.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, do tăng diện tích lúa Thu Đông nên năm nay nước ta có thể xuất khẩu khoảng 7,8 triệu tấn gạo. Tức trong 3 tháng còn lại của năm 2023, nước ta còn khoảng 1,38 triệu tấn gạo các loại để xuất khẩu.

Theo Vietnamnet