Một số vấn đề cần lưu ý trong kinh doanh xăng dầu

28/07/2020 - 09:21

 - Ngày 25-8-2015, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu và được sửa đổi, bổ sung bằng Thông tư số 08/2018/TT-BKHCN ngày 15-6-2018 của Bộ Khoa học và Công nghệ (sửa đổi, bổ sung Khoản 7, Điều 6: từ ngày 1-7-2019 cột đo xăng dầu phải có thiết bị ghi, in kết quả đo…). Ngày 1-11-2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 119/2017 NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng sản phẩm hàng hóa. Ngày 18-12-2018, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư số 18/2018/TT-BKHCN hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 119/2017/NĐ-CP, trong đó quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu và hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt… mà các tổ chức kinh doanh xăng dầu cần biết.

Kiểm tra chất lượng xăng dầu

Chánh Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ Lê Hữu Thanh lưu ý, cột đo xăng dầu phải phù hợp với mẫu đã được phê duyệt; phải được niêm phong hoặc kẹp chì của tổ chức kiểm định. Các cầu dao, thiết bị đóng ngắt nguồn điện chỉ được lắp đặt tại một vị trí. Các công tắc không được phép sử dụng các phương tiện, thiết bị (bộ điều khiển từ xa, điện thoại di động, máy tính...). Chứng chỉ kiểm định phải còn thời hạn giá trị. Sai số kết quả đo lượng xăng dầu không được vượt quá 1,5 lần giới hạn dương của sai số cho phép. Có sẵn các ca đong, bình đong có dung tích  1 lít, 2 lít, 5 lít, 10 lít. Không tự ý tháo dỡ niêm phong, kẹp chì của cột đo xăng dầu. Thực hiện việc kiểm định cột đo xăng dầu sau khi sửa chữa để đưa vào sử dụng. Giao nhận xăng dầu phải có mẫu lưu còn niêm phong. Thông báo công khai ở vị trí dễ nhận biết cho người tiêu dùng các thông tin về: loại xăng dầu kinh doanh; trên cột đo xăng dầu phải ghi rõ thông tin loại xăng dầu kinh doanh (ví dụ: RON 95 - III, E5 RON 92 - II); Giấy chứng nhận kiểm định (nhiên liệu ghi xăng hoặc dầu DO... ). Đối với cột đo xăng thì bán được xăng RON 95 - III hoặc xăng E5 RON 92 - II (nhưng phải ghi thông tin loại xăng trên cột đo đúng với loại xăng đang kinh doanh). Trường hợp cột đo nhiên liệu bán dầu DO tương tự. Lưu hồ sơ chất lượng theo quy định đối với từng loại xăng dầu khi nhập vào.

Thương nhân là tổng đại lý phải thực hiện thêm: xây dựng, áp dụng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001: 2008 hoặc hệ thống quản lý chất lượng chuyên ngành dầu khí theo tiêu chuẩn ISO/TS 29001: 2010. Chỉ được ký hợp đồng làm tổng đại lý xăng dầu cho một thương nhân đầu mối. Nếu thương nhân đầu mối đó không kinh doanh nhiên liệu sinh học, được ký thêm hợp đồng làm tổng đại lý cho một thương nhân đầu mối khác. Đại lý phân phối, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu, phải thực hiện thêm: Xây dựng, áp dụng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001: 2008 hoặc hệ thống quản lý chất lượng chuyên ngành dầu khí theo tiêu chuẩn ISO/TS 29001: 2010. Phạm vi áp dụng hệ thống quản lý phải bao gồm các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu của thương nhân; được ký hợp đồng với tổng đại lý hoặc thương nhân phân phối xăng dầu hoặc thương nhân đầu mối; ngừng ngay việc bán xăng dầu và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định khi phát hiện xăng dầu có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn công bố áp dụng.

Một số quy định xử phạt về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu theo Nghị định số 119/2017 NĐ-CP của Chính phủ: tại Điều 3 quy định về mức phạt tiền tối đa, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính: mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đo lường đối với cá nhân là 100 triệu đồng, đối với tổ chức là 200 triệu đồng; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa đối với cá nhân là 150 triệu đồng, đối với tổ chức là 300 triệu đồng, trừ các trường hợp quy định tại các Điểm đ, e, g và h Khoản 2, Điều 14; các Điểm đ, e, g và h Khoản 2, Điều 15; các Điểm đ, e, g và h Khoản 2, Điều 16; các Khoản 3 và 4, Điều 17; Khoản 4, Điều 18; Khoản 4, Điều 19 và các Khoản 5, 6 và 7, Điều 20 của nghị định này.

Điều 6 vi phạm trong sản xuất phương tiện đo: phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sản xuất phương tiện đo không có nhãn hoặc có nhãn ghi không đúng quy định; sản xuất phương tiện đo nhóm 1 không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường đã được tổ chức, cá nhân công bố; không ghi, khắc đơn vị đo theo đơn vị đo pháp định. Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện việc kiểm định hoặc hiệu chuẩn theo quy định đối với phương tiện đo nhóm 2 trước khi đưa vào sử dụng. Phạt tiền từ 20-40 triệu đồng đối với một trong các hành vi: sản xuất phương tiện đo nhóm 2 khi chưa được phê duyệt mẫu; sản xuất phương tiện đo nhóm 2 đã được phê duyệt mẫu nhưng quyết định phê duyệt mẫu hết hiệu lực. Phạt tiền từ 40-60 triệu đồng đối với một trong các hành vi: sản xuất phương tiện đo nhóm 2 không đúng mẫu phương tiện đo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt...

Năm 2019, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức thực hiện 10 cuộc thanh tra (1 cuộc thanh tra hành chính và phòng, chống tham nhũng; 8 cuộc thanh tra chuyên ngành và 1 cuộc thanh tra chuyên đề) đối với 184 cơ sở (144 tổ chức, 40 cá nhân) và thực hiện 1 cuộc thanh tra chuyên ngành về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa và sở hữu công nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn. Kết quả: phát hiện 13 tổ chức, 4 cá nhân vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền gần 102 triệu đồng.


HẠNH CHÂU