Một vụ án nặng lòng

01/03/2022 - 06:33

 - Ở tuổi gần đất xa trời, ông Nguyễn Văn Tấu (sinh năm 1939, ngụ xã Phú Lâm, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) lại trở thành tội phạm giết người, phải ra hầu tòa, phải ngồi tù. Suốt phiên tòa, ông luôn trong trạng thái sức khỏe yếu. Ngồi yên cũng đủ khiến ông cảm thấy mệt nhọc, huống chi đi lại. Bóng dáng gầy còm, hằn sâu dấu vết thời gian của ông khiến người khác nửa thương, nửa giận…

Ông Tấu trong ngày ra tòa

“Con ngủ đi, có gì mai tính”

Vợ mất, ông Đào Văn D. (sinh năm 1961) có cuộc hôn nhân kế tiếp với bà Nguyễn Thị P. (sinh năm 1966, con ông Nguyễn Văn Tấu). Tuy không đăng ký kết hôn, nhưng họ sống với nhau mấy mươi năm, sinh được 2 người con, tất cả đều ngoài 30 tuổi. Chỉ có điều, bà P. phải chịu đựng thói xấu rượu chè của người bạn đời. Mỗi lần say rượu, bà P. luôn hứng chịu những trận cãi vả, “thượng cẳng tay hạ cẳng chân” của ông D. Cam chịu mãi rồi cũng quen. Hễ ông D. say rượu, bà P. chọn cách tránh mặt, “một điều nhịn” để đổi lại “chín điều lành” cho gia đình và bản thân mình.

Chiều 12-8-2021, sau trận cãi nhau, ông D. dọn đồ ra sau nhà, đợi uống rượu một mình xong sẽ ngủ luôn. Tối, ông ta nghĩ: “Hết dịch COVID-19, phải đi xin việc làm. Muốn xin việc, phải có ảnh thẻ”. Ông ta gọi cho bà P., “nhờ” đem 2 tấm ảnh 3x4 của mình ra.

Biết nết xấu của chồng, bà P. viện cớ: “Trời tối, tôi buồn ngủ rồi. Có gì sáng mai tôi kiếm đưa cho”. Ít phút sau, ông D. gọi lại: “Một lát tao vô mày biết”. Sợ bị đánh, bà P. vội khóa cửa trước, chạy sang nhà hàng xóm tá túc. Y như rằng, chừng 5 phút sau, ông D. lớn tiếng chửi mắng, đập cửa. Bà P. lại chạy sang nhà một hàng xóm khác (cũng là bà con trong gia đình), xin tá túc ngủ lại qua đêm.

Ở bên này, ông D. dùng búa đập bể kiếng cửa nhà, hăm dọa: “Tao vô nhà được, tao giết 2 cha con tụi bây, chôn chung một lỗ”. Một mặt, ông Tấu gọi điện thoại dặn bà P. báo công an, mặt khác bước ra khuyên can con rể: “Con ngủ đi, có gì sáng mai tính”. Đang trong cơn điên rượu, ông D. không nể mặt cha vợ, vẫn gào lên mắng chửi khó nghe. Giãn cách xã hội để “né dịch COVID-19”, hàng xóm láng giềng chẳng ai dám bước ra khuyên nhủ, can ngăn.

Viết đến đây, tôi lại cảm thấy nặng lòng. Giá như ông D. đừng để rượu điều khiển tâm tính mình, sống trọn đạo làm chồng, làm con rể sau lời khuyên nhỏ nhẹ của ông Tấu. Giá như bà P. biết cách ứng xử hơn, biết tìm cách tháo gỡ tình cảnh đáng thương của mình, thay vì cam chịu bạo hành. Giá như ông Tấu đừng chấp nhất với kẻ say rượu ấy. Giá như hàng xóm láng giềng, họ hàng xung quanh, chính quyền đoàn thể địa phương quan tâm hòa giải cho người trong cuộc kịp thời… Có lẽ, mọi chuyện đã khác đi, ngày hôm ấy không trở thành “giọt nước tràn ly”, không có kết thúc đau đớn của hiện tại.

Đôi tay nhuốm máu

Nhưng thực tế đáng buồn đã xảy ra. Mọi lời khuyên ngọt nhạt đều như “nước đổ lá môn” đối với con rể, ông Tấu không giữ được bình tĩnh nữa. Ông muốn kết thúc những tháng ngày cãi vả liên miên bằng cách “xử lý nguồn cơn”. Ông cụ ngoài 80 tuổi lẳng lặng xuống bếp lấy cây búa chẻ củi, chờ đợi hàng chục phút. Nghe tiếng động ở cửa sau, biết con rể đang tìm cách xông vào nhà, ông mở đèn, tiếp tục đứng quan sát. Vừa thấy ông D. chui đầu vào, ông cụ dùng hết sức phát tiết cơn giận. Khi ông D. té xuống, ông cụ lại chui ra ngoài bằng chính lỗ cửa do nạn nhân tạo ra trước đó, gom nỗi tức giận vào từng nhát đập, chém, dùng dao cắt cổ cho đến khi nạn nhân lìa đời.

Cả đời ông Tấu chỉ học duy nhất lớp 1, trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, nhìn bao nhiêu người thân sinh ly tử biệt. Đến cuối đời, đôi tay ông tước đi sinh mạng một con người. Ông chậm rãi đến nhà bà con - nơi bà P. tá túc, báo cho con gái biết mình đã giết chết chồng của nó, dặn con báo công an. Rồi ông đến Công an xã Phú Lâm đầu thú. Lúc ấy, đêm đã sâu, bóng tối che khuất lòng người. Chẳng ai biết ông đang nghĩ gì, cảm thấy thế nào…

Nhưng ông vẫn đủ minh mẫn để biết, mình khó gột rửa được vết máu trên tay, không thể xóa đi lời ra tiếng vào của dư luận. Đứng trước tòa, ông chậm rãi buông lời khai: “Nghe D. hăm dọa giết 2 cha con, bị cáo rất tức giận. Khuyên nhủ cỡ nào, nó không chịu im. Chịu hết nổi, bị cáo mới lấy búa đập nó. Nhưng đến lúc nó im rồi, bị cáo lại muốn giết chết nó luôn, chứ lỡ nó tỉnh dậy, lại phải mất công lo thuốc men điều trị. Giết người thì phải đền mạng, bị cáo biết chớ. Bị cáo tưởng mình sẽ bị tử hình, ai dè lại bị xử tù. Biết vậy, giết nó xong, bị cáo tự sát luôn…”.

Suốt phiên tòa, gần như ông Tấu phải nhờ cậy sức trẻ của cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ tư pháp để đứng lên, ngồi xuống. Mắt mờ, tai lãng, ông kiệt quệ về thể xác lẫn tinh thần. Bà P. và các con dự phiên tòa với vai trò người thân của bị hại lẫn bị cáo, không yêu cầu xử lý về dân sự, hình sự, ngược lại còn xin bãi nại, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho cha, ông ngoại mình. 14 năm tù là bản án hết sức cân nhắc mà Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh dành cho ông Tấu về tội “Giết người” (có tính chất côn đồ, mức án lên đến tử hình).

Hơn 300 trang hồ sơ vụ án đã khép lại, nhưng nỗi bi thương vẫn cần thời gian để nguôi ngoai. Không còn chịu cảnh khổ sở vì người chồng vũ phu, mà bà P. chưa thể yên lòng. Thay vào đó, là thương xót người cha vướng vòng lao lý tháng ngày đằng đẵng, là nỗi ám ảnh về một bi kịch gia đình ở nông thôn…

VẠN LỘC