Một vùng rừng Sác kỳ thú

06/11/2023 - 14:51

Trong bài viết Thành phố Biên Hòa bảy mươi năm về trước, nhà văn Lý Văn Sâm (1921-2000) cho biết: Cho tới năm 1916, TX.Bình Trước (nay là TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) vẫn chưa có điện, đường sá toàn trải bằng đá xanh.... “Cọp lảng vảng ở xóm Vườn Mít (nay là Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh). Nai chạy lạc vào chợ Bình Trước” mới biết “cọp Biên Hòa” trong câu truyền miệng “Cọp Biên Hòa, ma Rừng Sác” không phải là chuyện lạ.

Mé rừng Sác phía Long Thành nay là làng bè Phước An được người dân nuôi hàu và khai thác dịch vụ tham quan, du lịch tấp nập, đông vui. Ảnh: B.Thuận

Nhưng “ma Rừng Sác” thì thế nào? Một câu hỏi chắc nhiều người muốn biết.

* Cảnh quan độc lạ

Nằm ở hướng Đông Nam TP.HCM, phía Bắc giáp 2 huyện Long Thành - Nhơn Trạch, phía Đông giáp Bà Rịa - Vũng Tàu, phía Tây Nam giáp Tiền Giang và Long An, phía Đông Nam giáp Biển Đông, rừng Sác là vùng bãi triều ngập mặn rộng khoảng 60 ngàn ha được bao phủ bởi các loại cây có bộ rễ chống chọi được với giông gió. Đặc biệt, rừng Sác có các con sông Lòng Tàu, Nhà Bè, Sài Gòn, Thị Vải... chảy qua với hàng ngàn phụ lưu chằng chịt cùng những cụm đảo triều lô nhô, đã tạo cho rừng Sác một cảnh quan độc lạ.

 Với bề mặt sông rạch chiếm đến một phần tư diện tích nên tác động của thủy triều đã hình thành ra một hệ sinh thái đặc trưng của rừng Sác. Do toàn bộ động thực vật trong địa bàn này đều đã thích nghi theo sự xoay vần: ngập nước - cạn khô - nước ngọt - nước mặn - nước chua - kềm - nóng... nên hệ động thực vật ở rừng Sác rất đa dạng. Ngoài cây đước với bộ rễ tua tủa thẳng tắp được dân rừng Sác gọi vui là “ống đũa”, nhiều đám dừa nước cao lênh khênh được gọi là... “rừng gươm”, còn có những đám chà là mịt mùng, dà, sú, mắm... tạo thành thảm rừng xanh rậm che kín mặt trời với đủ loài sinh vật nhiệt đới như: heo rừng, khỉ, rái nước, trăn, kỳ đà, chồn, dơi, rắn... cùng các loài vật dưới nước như: cá, tôm, cua, ba khía, thòi lòi, chem chép...

Rất lạ, hàng năm nơi đây đều diễn ra ngày rái hội với cảnh tụ tập hàng trăm con rái nhào lộn dưới nước bắt cá đem sắp hàng trên các gò nổi để làm đám giỗ. Vài bô lão còn cho biết là ở rừng Sác có một loại trăn nước được gọi là con nưa chín mũi, thỉnh thoảng giao chiến với heo rừng rất ác liệt để tranh giành lãnh địa. Con vật hiếm hoi này chỉ xuất hiện từng cặp vào những ngày lũ lớn dâng cao.

Rừng Sác còn có cả cọp, dân địa phương gọi là... “chúa rừng”. Nhưng khét tiếng ở vùng rừng ngập mặn này là cá sấu, mà cư dân vùng này gọi là... “chúa nước”.

Cố đại tá Anh hùng Lê Bá Ước, nguyên Trung đoàn trưởng Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác cho biết: “Cán bộ, chiến sĩ đặc công thủy luôn phải lặn hụp ngày đêm trong sông nước. Muốn đánh được một trận tại bến cảng thì chân phải không đạp đất, bơi lội hàng mấy chục cây số, phải chịu đựng ác liệt với tất cả các loại máy bay, tàu chiến, kể cả B52 rải thảm và các cỡ pháo nòng ngắn, nòng dài. Chưa đủ, đơn vị còn phải lo đối phó với một loài cá dữ không kém phần gay go nguy hiểm là cá sấu rừng Sác”.

Đúng như nhận định của cố thiếu tướng Lương Văn Nho - nguyên Đặc khu trưởng kiêm Chính ủy Đặc khu Rừng Sác: “Trong lịch sử đấu tranh chống thù trong giặc ngoài của nhân dân Nam bộ, rừng Sác luôn luôn chiếm giữ một vị trí chiến lược quan trọng”.

Hầu như toàn bộ lính đặc công thủy của Đoàn 10 (còn gọi là người nhái) đều tinh thông nghiệp vụ, võ thuật, đặc biệt là bơi lặn giỏi như rái cá. Thế nhưng trong lúc thực hiện nhiệm vụ đã bị cá sấu hung dữ tấn công, vài người còn mất xác. Trước những tổn thất thương tâm này, Ban Chỉ huy Đoàn 10 đã phải phát động đợt thi đua đánh cá sấu. Qua nỗ lực “tìm và diệt” một cách khẩn trương và tích cực; từ sau đó họa “thần nước” ở rừng Sác mới yên.

Vào tháng 9-1992, phái đoàn của Quân đội Mỹ đến xin gặp Anh hùng rừng Sác Lê Bá Ước để hỏi thăm về hài cốt của 2 lính Mỹ mất tích trong khu vực rừng Sác. Sau khi cùng xác định ngày giờ và địa điểm của 2 chiếc giang tốc đỉnh Mỹ bị đặc công Đoàn 10 đánh chìm, đại tá Bảy Ước nói lời chia buồn về 2 người lính tử trận đã hoàn toàn không còn hài cốt. Là người bám rừng Sác suốt thời kỳ đánh Mỹ, ông Bảy Rừng Sác biết rất rõ những hài cốt này đi về đâu và đây cũng là nỗi ám ảnh không nguôi của người chỉ huy đơn vị đặc công nước lẫy lừng mỗi khi nghĩ đến hơn 800 cán bộ, chiến sĩ Đặc công Rừng Sác đã hy sinh, trong đó có hơn 500 tử sĩ không tìm ra hài cốt.

Những cái chết này không phải là nguyên nhân làm nên huyền thoại... “ma Rừng Sác”, mà rất lâu từ trước...

* Những sự kiện mang tính lịch sử

Các tài liệu khảo cổ cho biết con người đã hiện diện ở rừng Sác cách nay khoảng 3 ngàn năm. Dấu vết nhà sàn, thuyền độc mộc, công cụ sản xuất sinh hoạt, vũ khí, đồ trang sức... bằng gỗ, đá, đất nung, đồng... được tìm thấy ở hầu hết những cửa sông, rạch, cù lao có nguồn nước ngọt; chứng tỏ cư dân tiền sử ở rừng Sác đã tồn tại khá lâu và rộng khắp trên vùng sinh thái đặc biệt này.

Vật đổi sao dời, vài thế kỷ gần đây lại cho thấy dân cư của rừng Sác đều là người tứ xứ; phần lớn là dân hảo hán giang hồ sống ngoài vòng pháp luật hoặc có mưu đồ “đại sự”, số khác sa cơ thất vận, cùng đường mưu sinh.

Nổi bật nhất là lực lượng Bình Xuyên do thủ lĩnh Dương Văn Dương tập hợp dân anh chị, lục lâm thảo khấu đứng lên chống cường quyền thực dân áp bức; sau đó giác ngộ cách mạng đã cùng nhân dân dấn bước vào mùa thu lịch sử Tháng Tám năm 1945 để trở thành chiến sĩ vệ quốc quân.

Với tính khí giang hồ, mỗi thủ lĩnh Bình Xuyên cát cứ một nơi và dù được trung tướng Nguyễn Bình - phái viên của Chính phủ và Tổng bộ Việt Minh vào miền Đông thống nhất lực lượng, nhưng Bình Xuyên vẫn xem rừng Sác là chốn nương thân…

Tháng 8-1955 chính quyền Sài Gòn giao trung tá Dương Văn Minh chỉ huy chiến dịch Hoàng Diệu để tảo thanh Bình Xuyên trong rừng Sác; lấy danh nghĩa Mặt trận Liên Việt, Phó bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa Phạm Văn Thuận, Bí thư Huyện ủy Long Thành Vũ Hồng Phô (tự Vũ Khánh) đã trực tiếp vào rừng Sác gặp Bộ Chỉ huy Bình Xuyên để sau đó kịp thời đưa được một bộ phận Bình Xuyên ly khai do trung tá Bảy Môn chỉ huy từ rừng Sác về Chiến khu Đ với rất nhiều vũ khí.

Quân viễn chinh Mỹ và chính quyền Sài Gòn cũng xác định vị trí quan trọng của rừng Sác nên đã tăng cường sức mạnh cho “Biệt khu Rừng Sác” từ trực thuộc Khu 31 chiến thuật của Bộ Tổng tham mưu quân lực Việt Nam cộng hòa thành Đặc khu Rừng Sác chịu sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 và Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam cộng hòa. Đồng thời, Mỹ cũng đưa Lữ đoàn Thủy quân lục chiến 199 về yểm trợ Đặc khu Rừng Sác.

Do vậy bên cạnh những cán bộ, chiến sĩ đặc công thủy gan dạ, kiên cường của Đoàn 10 đã đánh chìm hàng trăm tàu giặc, đốt cháy các kho xăng dầu, bến cảng; thậm chí pháo kích vào Dinh Độc lập ngay trong Ngày lễ Quốc khánh địch...; thì ở vùng “rừng sâu nước mặn, phèn chua/ Trăm ngàn cá sấu thi đua vẫy vùng” này, như lời Đặc khu trưởng Lương Văn Nho nói, còn có: “Người rừng Sác lam lũ với củi than sông nước, nghèo mà phóng khoáng hào hiệp, có thủy có chung, giàu lòng yêu nước, gan lì trong sóng to, gió lớn như cây mắm, cây đước, cây vẹt, cây bần”.

Và ông cho rằng: “Chiến khu Rừng Sác đã trải qua một thực tế khắc nghiệt: suốt nhiều năm trong vòng vây quân thù, không nhận được gạo, vải, thuốc men của trên cung cấp. Vấn đề gạo đã trở nên một thử thách lớn nhất trong các vấn đề về hậu cần. Cách mạng có thể nào tồn tại lâu dài được nếu không có hạt gạo?... Trong hàng trăm năm nay, hậu cần nhân dân ở đây đã trở nên truyền thống. Chỉ với hạt gạo, tấm áo cho cách mạng, người rừng Sác cũng đã thực sự ra trận, một trận đánh tay không âm thầm, ròng rã gần 20 năm trời, nếu tính từ ngày “Tiểu đoàn 508” lực lượng võ trang đầu tiên của Long An trước Đồng khởi đã lấy rừng Sác làm căn cứ. Chúng ta hỏi: Một trung đoàn quân giải phóng chiến đấu trong lòng hậu phương quân thù, trải qua nhiều tháng năm ròng rã không nhận được cung cấp của trên thì ăn bằng gì, mặc bằng gì, thuốc men ra sao... trong khi ngay đến nước uống cũng phải chắt chiu giữa vòng vây nước mặn? Chỉ có một câu trả lời duy nhất: Nhân dân rừng Sác! Người rừng Sác tự nuôi mình đã vất vả, mua được hạt gạo, vượt qua vòng kìm kẹp đem hạt gạo ra chiến khu là vấn đề sống chết, tù đày, bị tịch thu gia sản... Nhưng rồi sống chết như thế nào nhân dân vẫn làm”.

Đất nước, con người rừng Sác là vậy!

Bùi Thuận