Với những ai lớn lên cùng mùa nước nổi miền Tây, bông điên điển là một phần trong ký ức tuổi thơ tươi đẹp. Loại cây này xuất hiện phổ biến từ đồng xa đến đồng gần. Có khi, bông điên điển lòa xòa ở cạnh bếp nhà, chỉ cần với tay là có ngay một nắm để chấm cá kho trong bữa cơm chiều.
Cuộc sống an yên khiến con người gắn chặt với những thói quen. Người ta quen có mặt bông điển điển đồng mùa lũ cứ như chuyện nắng, chuyện mưa của đất trời. Bởi thế, mùa nước tràn đồng, nếu không có bông điên điển hẳn người miền Tây buồn lắm!
Lớn lên từ quê, chẳng mấy khi ký ức của tôi quên đi bông điên điển. Loài hoa đồng cỏ nội với cái vị nồng nồng, nhân nhẫn ấy mỗi năm đều gặp lại một mùa, trong nồi canh chua mẹ nấu, trong tô cá kho lạt ăn kèm bông súng ma ngòn ngọt vị phù sa. Dường như biết thân biết phận, cây điên điển thu mình trong những tháng mùa khô. Lũ đến, chúng bừng “tỉnh giấc” với sắc vàng dân dã, non tơi và chân chất như nơi chúng sinh ra.
Theo tập tính sinh tồn, điên điển hay mọc thành hàng, thành vạt dài có khi đến hàng chục thước. Đó cũng là điều tiện lợi cho các mẹ, các chị hồi trước, bởi chỉ cần siêng một chút, men theo vạt điên điển chừng nửa tiếng là có thêm món ngon cho bữa cơm nghèo.
Những ngày về với mùa lũ vùng biên giới, thư thả với khung cảnh mây nước bao la mà vẫn không quên tìm kiếm sắc bông điên điển. Bây giờ, điên điển đồng vẫn còn hiện hữu, nhưng hiếm khi mọc hoang. Có người chủ đích trồng thành những hàng dài để mùa nước hái đem bán chợ.
Nếu chịu khó thức đêm, điên điển vẫn mang đến nguồn thu rất khá. Giá bông điên điển đầu mùa lũ, có thể đạt mức 30.000 - 40.000 đồng/kg. Nghe có vẻ là giá cao, nhưng để hái được 1kg bông điên điển cũng mất khá nhiều thời gian.
Có thời, đi hái điên điển đồng là nghề thu nhập tăng thêm cho chị em ở quê trong mùa lũ. Tờ mờ sáng, họ đã í ới gọi nhau xuống xuồng, rọi đèn đi tìm những nụ hoa ươm vàng còn đang tắm sương đêm. Dù chỉ kiếm được dăm bảy ký mỗi ngày, nhưng cũng là nguồn thu khá cho người dân quê trong cuộc mưu sinh qua mùa lũ.
Bây giờ, chẳng mấy người còn phải đi đồng xa tìm bông điên điển hái bán, vì nông dân đã trồng điên điển thành rẫy, rồi thuê các chị hái đem cân bạn hàng. Công việc từ chỗ thời vụ chuyển sang thường nhật quanh năm, vì giống điên điển Thái cứ cho bông lai rai, chứ không chờ mùa nước. Giá của chúng vào mùa khô khá cao. Sang mùa nước nổi, mức giá xuống ở ngưỡng bình dân bởi có mặt điên điển đồng.
Cho đến bây giờ, điên điển đồng vẫn là thứ không thay thế được. Người sành ăn chỉ xem điên điển Thái là thứ yếu, họ chỉ muốn thưởng thức loại điên điển đồng sinh trưởng tự nhiên bởi vị thơm ngọt đặc trưng. Với người miền Tây, họ sẽ đợi con nước lũ tràn về, đánh thức những chùm bông bé bé, vàng ươm rồi mới mang về thưởng thức. Mỗi năm chỉ ăn một mùa, nên người ta không thấy ngán.
Theo thời gian, điên điển trở thành một phần trong văn hóa ẩm thực mùa nước nổi. Du khách phương xa đến với An Giang trong mùa lũ, thường bỏ công tìm kiếm cho được mớ bông điên điển trong dĩa rau ghém, ăn cùng lẩu mắm hay lẩu cá.
Có lần, được gặp gỡ những người bạn ở tận xứ Nghệ “non xanh nước biếc” đến thăm thú An Giang, tôi có chút bất ngờ bởi họ cứ hỏi mãi về cây điên điển. Đến lúc dùng cơm, họ cũng gọi các món có bông điên điển. Từ nhúng lẩu, điên điển xào tép cho đến rau ghém chấm cá kho. Bạn hài hước: “Lâu lâu vô miền Tây ngay mùa lũ thì ăn điên điển bảy món cho đã thèm”.
Nghe khách nói, trong lòng tôi thấy vui bởi cây điên điển cũng được nhiều người biết đến, là một phần trong “thương hiệu” ẩm thực của đất An Giang. Có thể bông điên điển đồng hiện nay chưa hiếm, nhưng chắc chắn là quà quý của đất trời dành cho người miền Tây. Với những người bạn phương xa đó, điên điển đồng là đặc sản. Với tôi, điên điển đồng còn là kỷ niệm nhắc nhở bản thân về tình cảm gắn bó với vùng đất mình sinh ra.
Có thể, con nước lũ sẽ mỗi năm mỗi khác nhưng mùa điên điển đồng vẫn cứ hiện hữu trong ánh mắt, cuộc sống của người dân quê. Để thi thoảng, người ta vẫn còn bắt gặp hình ảnh các mẹ, các chị chống xuồng đi hái bông điên điển cho bữa cơm quê, mà cảm nhận được nét đẹp hiền hòa, bình dị của mùa nước nổi miền Tây.
THANH TIẾN