Những ngày này, chùa Văn Râu (xã Văn Giáo, TX. Tịnh Biên, tỉnh An Giang) được trang trí sạch đẹp hơn thường lệ, để đón phật tử đến dâng cơm cúng tổ tiên trong mùa Sene Dolta. Với người Khmer, Sene Dolta là “lễ”, chứ không phải Tết. Do đó, họ xem đây là dịp để con cháu tưởng nhớ công ơn ông bà, bày tỏ lòng hiếu thảo và giáo dục thế hệ tiếp theo về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.
Hơn 9 giờ sáng, mặt trời tỏa ánh nắng qua tán cây bồ đề trong sân chùa. Chau Nết (phật tử chùa Văn Râu) chầm chậm bước giữa không gian tĩnh lặng, linh thiêng. Ông cho biết, mình đến chùa để cúng tổ tiên, cầu mong ông bà được vãng sanh chốn niết bàn và phù hộ con cháu có một cuộc sống bình an.
“Dolta năm nay diễn ra từ ngày 29/8 đến mùng 1/9 âm lịch (nhằm ngày 13 - 15/10 dương lịch), nhưng mới đầu tháng 10, người Khmer đã bắt đầu đến chùa phụ việc công quả hay dâng cơm cúng ông bà. Có người vài bữa đi một lần, có người đến chùa mỗi ngày.
Lễ Sene Dolta của người Khmer gần giống với Tết thanh minh của người Việt, khi con cháu về chăm sóc mộ phần ông bà để thể hiện lòng hiếu thảo. Như tôi, ngày nào cũng đến chùa để tụng kinh cầu nguyện cho ông bà. Mình lớn tuổi rồi, không làm được nhiều việc thì đến chùa làm công quả, tụng kinh “để đức” lại cho con cháu” - ông Chau Nết chia sẻ.
Lễ Sene Dolta theo truyền thống kéo dài khoảng nửa tháng, nhưng hiện nay đã rút ngắn xuống còn 3 ngày chính làm lễ tại chùa. Trước đó, người Khmer nấu cơm nếp và vài món ăn đơn giản cúng ông bà tại nhà. Gia đình nào có điều kiện thì gói bánh Tét mang đến chùa hoặc biếu bà con họ hàng.
Vì đây là những ngày lễ mang tính thiêng liêng, nên rất ít thanh niên Khmer vui chơi mà chủ yếu chỉ có người cao tuổi, người có uy tín trong cộng đồng đến chùa cầu nguyện. Họ ngồi vui vẻ chuyện trò cùng nhau bên ấm trà đặc, vài chiếc bánh ngọt để chia sẻ chuyện đời, nói nhau nghe về ý nghĩa thiêng liêng, nhắc nhở những tiền nhân đã khuất như một cách thể hiện lòng hiếu thảo.
Năm nay, ông Chau Nết đón lễ Sene Dolta trong niềm lạc quan, bởi các con của ông đã có thể đi làm ở công ty để có đời sống ổn định hơn. Dù mức thu nhập chưa khá như trước, nhưng trong gia đình cũng đủ đầy hơn. Nhờ đó, mâm cơm mang lên chùa cúng ông bà cũng tươm tất hơn năm trước. Điều ông vui nhất là các con có thể về được ít hôm để đoàn tụ với gia đình, cho mùa Dolta năm nay thêm ấm cúng.
“Người Khmer lấy đạo Phật làm gốc nên rất trọng chữ hiếu. Do đó, lễ Sene Dolta là dịp để tôi khuyên bảo các con dù có đi đâu cũng phải nhớ đến gốc gác, quê hương. Ngày mình còn trẻ, đời sống khó khăn vì chỉ quanh quẩn với con bò, cái cuốc.
Bây giờ, tụi nhỏ khá hơn, làm công nhân có thu nhập ổn định nhưng vẫn còn nhớ tới ông bà, nhớ lễ Sene Dolta là tôi vui lắm. Tôi chỉ ước mình có đủ sức khỏe, để đón thêm nhiều mùa Dolta nữa, để có thể tụng kinh cầu nguyện cho ông bà và giáo dục con cháu về lòng hiếu thảo” - ông Chau Nết thật tình.
Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Tịnh Biên Bùi Thiện Tâm đến thăm, chúc mừng lễ Sene Dolta tại các chùa Khmer
Những ngày này, có rất nhiều đoàn công tác cấp tỉnh, huyện và địa phương đến thăm, chúc mừng các vị sư sãi, à cha và đồng bào DTTS Khmer hưởng một mùa Sene Dolta đầm ấm, hạnh phúc. Qua đó, khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương đối với đời sống vật chất, tinh thần cùng những giá trị nhân văn của đồng bào DTTS Khmer tại An Giang.
Hòa thượng Chau Cắt (trụ trì chùa Mỹ Á, phường Núi Voi, TX. Tịnh Biên) cho biết: “Bản thân sư và các à cha luôn tuyên truyền để bà con hiểu rằng, việc đón Sene Dolta chủ yếu ở tấm lòng hiếu kính với ông bà, tổ tiên, chứ không nhất định phải sắm sửa lễ vật thịnh soạn. Vì vậy, bà con cần tổ chức đón lễ một cách an toàn, tiết kiệm, văn minh. Điều làm sư mừng nhất là đời sống của bà con hiện nay đã khấm khá hơn, nhiều gia đình có của ăn của để và lễ Sene Dolta cũng nhờ đó mà ấm cúng hơn”.
Hòa thượng Chau Cắt chia sẻ, nhờ những chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, như: Chăm lo về đất ở, đất sản xuất, nhà ở, hỗ trợ vay vốn, dạy nghề hay những chính sách ưu tiên phát triển giáo dục cho đồng bào DTTS Khmer đã góp phần làm đổi thay đời sống của bà con; bộ mặt phum, sóc vì thế cũng khang trang và phát triển hơn trước. Vì vậy, hòa thượng vận động bà con nêu cao tinh thần đoàn kết với các dân tộc, cùng nhau phấn đấu làm giàu, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.
“Mong Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, chăm lo đời sống, tạo điều kiện để người Khmer có việc làm ổn định, vươn lên thoát nghèo. Để mỗi năm, bà con cùng đón lễ Sene Dolta ngày càng đầm ấm, sung túc và vui vẻ hơn, để phum, sóc ngày càng vui hơn, hòa cùng sự phát triển của TX. Tinh Biên” - hòa thượng Chau Cắt mong mỏi.
THANH TIẾN