Mùa hè của trẻ thơ

13/07/2022 - 07:02

 - Với chủ đề “Tạo môi trường tốt nhất cho trẻ em được bảo vệ và phát triển toàn diện”, các chương trình sinh hoạt hè năm 2022 hứa hẹn mang đến sân chơi lành mạnh, thiết thực, bổ ích cho thanh, thiếu nhi ở địa bàn dân cư trong dịp hè, đặc biệt là các em có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa...

Theo Ban Chỉ đạo sinh hoạt hè năm 2022, chương trình sinh hoạt năm nay dành cho học sinh từ lớp 6 đến 12 và thiếu nhi ở địa bàn dân cư (từ 6-16 tuổi), được diễn ra từ khi kết thúc năm học 2021-2022 đến ngày 31/8. Các hoạt động hè được tổ chức theo phương châm hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với sở thích, nguyện vọng và tâm lý của thanh, thiếu nhi, quan trọng nhất là đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19. Từ việc tập hợp, rèn luyện kỹ năng thực hành xã hội, hoạt động dã ngoại, hình thành tính tự lập bằng việc kết hợp 3 môi trường giáo dục (gia đình - nhà trường - xã hội) cho thanh, thiếu nhi và học sinh. Cùng với đó, góp phần đưa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và chính sách của nhà nước về công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em vào cuộc sống.

Cụ thể, công tác tuyên truyền, giáo dục thiếu nhi, các đơn vị liên quan sẽ cụ thể hóa triển khai thực hiện Quyết định 1895/QĐ-TTg, ngày 11/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt chương trình tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030” và Quyết định 311/QĐ-TTg, ngày 5/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2022-2030. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng của trẻ em, gia đình, cộng đồng về chung tay bảo vệ trẻ em. Có các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp để bảo vệ trẻ em kịp thời, hiệu quả, nhất là phòng, chống xâm hại tình dục và bạo lực trẻ em trong gia đình.

Buổi tham quan trải nghiệm của học sinh tại Thư viện tỉnh

Bên cạnh đó, hướng dẫn các nội dung về kỹ năng phòng, chống đuối nước, triển khai các hoạt động dạy bơi an toàn cho trẻ em. Tăng cường kiểm tra, rà soát, cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các khu vực có nguy cơ cao dẫn đến đuối nước cho trẻ em. Tuyên truyền, hướng dẫn cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em phối hợp trong công tác quản lý, hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng trong phòng, tránh đuối nước.

Tổ chức các hoạt động hướng dẫn thanh, thiếu nhi các kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng an toàn khi tham gia giao thông, kỹ năng thoát hiểm, an toàn trên mạng và phòng, chống tai nạn, thương tích ở trẻ em. Đồng thời, nhân rộng các mô hình giáo dục kỹ năng thực hành xã hội có hiệu quả, như: Lớp “Học làm người có ích”, “Một ngày làm chiến sĩ”, “Học làm nông dân”, “Học từ thiên nhiên”, hoạt động dã ngoại... với quy mô và thời điểm thích hợp, đảm bảo các nguyên tắc an toàn phòng, chống dịch bệnh. Triển khai hoạt động hướng nghiệp, phân luồng học sinh, tư vấn mùa thi, hoạt động ôn tập văn hóa hè, bồi dưỡng kiến thức học sinh có học lực yếu, có nguy cơ bỏ học.

Các hoạt động chăm lo đời sống vật chất cho thanh, thiếu nhi đó là tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động chăm lo, hỗ trợ thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, thiếu nhi bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tư vấn dinh dưỡng, tặng nhu yếu phẩm cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới... Phối hợp, vận động các nhà tài trợ, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài tỉnh tổ chức các hoạt động chăm lo, tặng quà cho thiếu nhi nhân Tháng hành động vì trẻ em, khai giảng năm học mới, Tết Trung thu... Vận động các nguồn lực xã hội giúp đỡ thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn được tiếp bước đến trường (trao học bổng, tặng học phẩm).

Để thực hiện các chương trình sinh hoạt hè một cách tốt nhất, Ban Chỉ đạo sinh hoạt hè cấp tỉnh đã đưa ra một số chỉ tiêu cơ bản để các đơn vị, trường học, tổ chức đoàn cơ sở chung tay thực hiện. Tổ chức ít nhất 80 hoạt động tập huấn trang bị cho trẻ em các kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ mình, phòng, chống bạo lực, xâm hại, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em (trực tuyến hoặc trực tiếp); xây dựng mới 15 điểm sinh hoạt, vui chơi cho thanh, thiếu nhi địa bàn dân cư. Phát động đồng loạt triển khai Ngày cao điểm “Tình nguyện vì đàn em thân yêu” và Ngày cao điểm “Hoa Phượng đỏ” trong toàn tỉnh; xây dựng 2 phòng học cho trường ở địa bàn khó khăn; khảo sát số lượng thanh, thiếu nhi chưa biết bơi trong toàn tỉnh, phổ cập bơi cho ít nhất 1.500 thanh, thiếu nhi; tổ chức ít nhất 2 hoạt động tuyên truyền cho công nhân lao động về phòng, chống xâm hại trẻ em tại các khu công nghiệp.

Cùng với đó, tổ chức tuyên truyền Luật Trẻ em, nâng cao kỹ năng phòng, chống xâm hại cho 3.000 trẻ em (trực tiếp hoặc trực tuyến); vận động 250 suất quà, tặng cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, mỗi phần trị giá tối thiểu 200.000 đồng; tổ chức trại hè cho 100 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, với chủ đề “Trẻ em với các vấn đề lao động sớm, xâm hại, bạo lực trẻ em”; thực hiện công trình “Biển báo nguy hiểm và nạn đuối nước” tại 4 huyện: Tri Tôn, Tịnh Biên, An PhúPhú Tân (tỉnh An Giang)

Với nhiều hoạt động vui hè, bổ ích đang và sắp diễn ra ở cấp tỉnh, huyện, thị xã, thành phố, Ban Chỉ đạo sinh hoạt hè cùng các đơn vị liên quan, như: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Liên đoàn Lao động tỉnh… sẽ phần nào chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho thanh, thiếu nhi, nhất là với các em vùng sâu, vùng xa, thiếu nhi khuyết tật, trẻ mồ côi do COVID-19 nhằm mang lại cho các em sự vui tươi, ấm áp sau bao khó khăn từ đại dịch. 

NGỌC GIANG