Dưới sắc hoa tớ dày Mù Cang Chải.
Cùng Giàng A Thênh, một người gắn bó gần 40 năm với Mù Cang Chải, am hiểu từng ngóc ngách của văn hóa đồng bào H’Mông, chúng tôi vượt dốc lên đỉnh Trống Páo Sang thuộc xã La Pán Tẩn để đến cánh rừng cây tớ dày đang nở hoa.
Loài hoa rừng biểu tượng của mùa xuân
Trong tiết khí rét đậm cuối mùa đông vùng rẻo cao, từng vạt cây tớ dày ở rừng bật nở hoa đỏ thắm như nhuộm hồng núi đồi Mù Cang Chải, báo hiệu mùa xuân về. Người H’Mông Mù Cang Chải gọi loài cây này là "pằng tớ dày" có nghĩa là "hoa đào rừng". Cảm giác rung động khi chiêm ngưỡng cả cánh rừng cây thân gỗ trổ hoa mầu hồng rực ở độ cao gần 2.000m so với mực nước biển thú vị đến khó tả. Từ đỉnh Trống Páo Sang nhìn xuống, thấp thoáng bên những mái nhà trên sườn núi của đồng bào H’Mông và dọc theo những con đường mòn quanh các bản Nả Dề Thàng, Tà Chí Lừ, Trống Tông... là một không gian đỏ hồng hoa tớ dày. Hoa tớ dày có năm cánh hồng, nhụy đỏ mỏng manh, kết thành từng chùm.
Mỗi bông tớ dày như những chiếc chuông nhỏ, nở xen kẽ nhau thành chùm xinh xắn rung rinh theo gió. Giữa gió núi mây ngàn, hoa tớ dày rực rỡ sắc hồng như vẫy gọi mùa xuân về với bản làng miền núi cao Mù Cang Chải, làm tăng thêm vẻ đẹp cho miền danh thắng ruộng bậc thang. Hoa nở như thúc giục người dân mở hội xuân, thúc giục những chàng trai, cô gái H’Mông chuẩn bị du xuân, cùng xốn xang trong tiếng khèn trầm bổng, tiếng sáo rộn ràng...
Kỹ sư lâm nghiệp Nguyễn Tư Khoa, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Mù Cang Chải cho biết, tớ dày là loại cây thân gỗ, thuộc họ hoa đào, sống trong khí hậu ôn đới, mọc tự nhiên ở độ cao từ 1.000 đến 1.600m so với mực nước biển. Là loại cây tiên phong, tớ dày không mọc dưới tán cây khác, thân cây khá lớn, có những cây cổ thụ cao 20 - 30m, tán vươn rộng, mọc rải rác khắp sườn núi. Tớ dày có thân gỗ có thể làm vật liệu thiết yếu cho người dân. Vỏ cây dày và dai, được người dân bản địa sử dụng làm đai cuốn của chiếc khèn H’Mông.
Chịu đựng điều kiện khí hậu khắc nghiệt của vùng rẻo cao, sức sống của cây tớ dày mãnh liệt như chính những cư dân nơi đây. Uống sương, ngậm gió của những ngày mùa đông vùng cao rét buốt để rồi tớ dày bừng lên khoe sắc đỏ hồng rực rỡ trên nương đồi, trên sườn non, dọc con đường vào bản và ngay bên mái hiên nhà, tô điểm cho Mù Cang Chải. Đồng bào H’Mông bản địa có tình cảm đặc biệt với hoa tớ dày, coi đây là biểu tượng báo hiệu mùa xuân, báo hiệu cho một mùa vụ mới. Tớ dày nở hoa như xua tan những nặng nề, mệt nhọc của năm cũ để chào đón năm mới với những điều tốt đẹp và may mắn hơn lan tỏa đến từng nhà, từng người.
Bên bếp lửa hồng, già làng Giàng Chứ Ly, bản La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn hồi tưởng: "Từ bé tôi đã thấy hoa tớ dày nở đỏ rực quanh nhà mỗi dịp xuân đến. Lúc hoa tớ dày nở cũng là mùa đôi lứa tìm hiểu, yêu nhau, là lúc trai gái trong bản thay váy áo mới, vui xuân. Con trai ai cũng phải biết thổi khèn, múa khèn, rồi cùng ném pao. Ngắm hoa tớ dày nở cũng cảm thấy yêu bản mình hơn, yêu cuộc sống hơn. Tôi luôn dặn con cháu phải biết giữ gìn, để cho bản mình lúc nào cũng đẹp".
Khi hoa tớ dày nở là báo hiệu thời điểm đón Tết truyền thống của đồng bào dân tộc H’Mông. Anh Giàng A Làng ở bản Háng Gàng, xã Lao Chải cho hay, hằng năm cứ nhìn thấy hoa tớ dày nở, các gia đình người H’Mông dù làm việc gì ở đâu cũng trở về nhà để đón Tết, sum vầy bên nhau, cùng sẻ chia những thành công và khó khăn trong năm cũ. Đồng thời mong ước cho một năm mới mạnh khỏe, thành công, được mùa.
Trước đây, đồng bào H’Mông Mù Cang Chải đón Tết vào đầu tháng Chạp (trước Tết Nguyên đán một tháng). Tỉnh ủy Yên Bái đã vận động đồng bào "Ăn chung một Tết" và từ năm 2014, đồng bào H’Mông trong tỉnh đã đồng thuận chung vui một Tết, giúp học sinh vùng cao đi học đúng lịch, dành thời gian cho sản xuất kịp thời vụ.
Trở thành một sản phẩm du lịch mới
Với lễ hội Hoa tớ dày lần đầu tiên tổ chức, Mù Cang Chải đang hướng đến mục tiêu du lịch bốn mùa qua việc khai thác nhiều sản phẩm du lịch ngoài ruộng bậc thang. Và du lịch của huyện đang đi đúng hướng nhờ nỗ lực giữ trọn được vẻ đẹp thuần tự nhiên, hạn chế bê-tông hóa, bằng các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương để thu hút khách du lịch như: Lễ hội mùa nước đổ, Lễ hội Mùa vàng, Tết Độc lập, Festival Khèn H’Mông, lễ hội hoa tớ dày,... Với phương châm là một điểm du lịch nhiều dịch vụ, sản phẩm du lịch, khai thác và gìn giữ văn hóa dân tộc H’Mông... Mù Cang Chải đang nỗ lực trong lộ trình trở thành huyện du lịch vào năm 2025.
Bên cạnh vẻ đẹp của ruộng bậc thang vào mùa lúa chín, hay mùa nước đổ và những nét văn hóa đặc trưng khác, ở Mù Cang Chải vẫn còn nhiều thắng cảnh đẹp, độc đáo. Ngoài những nét văn hóa truyền thống của đồng bào H’Mông, cùng với vẻ đẹp của danh thắng quốc gia "Ruộng bậc thang Mù Cang Chải" vừa được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, thì tớ dày cũng sẽ trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn trong tương lai.
Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải, Nông Việt Yên cho biết, sau khi đánh giá lại tài nguyên rừng Mù Cang Chải, thấy được lợi thế cây tớ dày sinh trưởng tốt ở vùng đất dốc này, là cây đặc trưng của vùng đất du lịch, từ năm 2020 huyện đã phát động mỗi gia đình, cán bộ, công chức trồng, chăm sóc ít nhất năm cây tớ dày. Mỗi xã, trường học trồng ít nhất 500 cây tớ dày, dọc hành lang tuyến quốc lộ 32 qua thị trấn huyện đã được trồng kín loài hoa này cùng hoa đào phai.
Tại các địa điểm cắm mốc Di sản quốc gia "Ruộng bậc thang Mù Cang Chải" đều được trồng hoa tớ dày, nhất là các xã Khau Mang, Mồ Dề, Lao Chải, Chế Cu Nha, La Pán Tẩn, Dế Xu Phình... Đồng thời, huyện đã làm tốt việc chỉ dẫn địa lý, tổ chức các đội xe ôm, bãi tham quan, để du khách thuận tiện đến các cánh rừng có hoa tớ dày để thưởng lãm.
Sau thời gian "đóng băng" vì dịch bệnh, Mù Cang Chải đã tăng cường các hoạt động du lịch, bổ sung sản phẩm du lịch mới, gắn kết du lịch với các giá trị bản sắc trong đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc H’Mông nơi đây để thu hút du khách. Sức hấp dẫn của du lịch Mù Cang Chải ít nhiều được hình thành từ chính các giá trị lịch sử, nét đẹp truyền thống văn hóa đặc sắc, ẩm thực đặc trưng của đồng bào.
Gắn kết du lịch với những bản sắc trong đời sống văn hóa, tinh thần và lan tỏa bản sắc đó tới khách du lịch là cách mà Mù Cang Chải đang làm để tạo nét riêng biệt trong phát triển du lịch. Năm 2022, huyện đón và phục vụ khoảng 350 nghìn lượt khách, doanh thu đạt 270 tỷ đồng. Khi gắn kết tốt du lịch với bản sắc văn hóa, Mù Cang Chải không những sẽ thu hút được khách du lịch đến huyện quanh năm, không phụ thuộc vào mùa lúa như trước đây mà còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.
Rời Mù Cang Chải trong tiếng khèn của những chàng trai H’Mông lúc trầm, lúc bổng như lời tỏ tình lãng mạn, những cảm nhận về Mù Cang Chải - một vùng văn hóa người H’Mông, trong tôi còn chất chứa nhiều điều mới lạ. Vẻ đẹp của vùng cao Mù Cang Chải gây ấn tượng không chỉ là ruộng bậc thang mùa nước đổ, là mùa vàng mà còn có thêm sắc hoa tớ dày.
Theo THANH SƠN (Báo Nhân Dân)